Khi loạt chương trình nghệ thuật bị hoãn vô thời hạn vì dịch Covid-19

06/11/2021 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hàng loạt các chương trình nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có nguy cơ phải hoãn vô thời hạn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, công việc của các văn, nghệ sỹ, những người làm nghệ thuật tại đây.

Chương trình nghệ thuật Online 'Cháy lên' tại 6 điểm cầu

Chương trình nghệ thuật Online 'Cháy lên' tại 6 điểm cầu

Tối nay (18/9), Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục chủ trì và chỉ đạo tổ chức chương trình nghệ thuật online số 5 “Cháy lên” tại 6 điểm cầu.

Trông chờ sự tiếp ứng tích cực từ nhà nước

Những ngày qua, trước cửa phòng vé Sân khấu kịch Idecaf ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khán giả đã tìm đến để trả vé của chương trình Ngày xửa ngày xưa. Đây là một trong những thương hiệu nghệ thuật lâm vào cảnh khó khăn khi phải hủy biểu diễn vì tình hình dịch bệnh phức tạp, đồng thời kéo theo các chương trình từ lâu “ăn theo” nhờ doanh thu của “Ngày xửa ngày xưa” cũng khó phục hồi trở lại.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Sân khấu kịch Idecaf cho biết, từ nhiều năm qua, nhờ doanh thu của chương trình dành cho trẻ em mà đơn vị bù lỗ cho việc đầu tư các vở kịch dành cho người lớn tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1). Tuy nhiên, nếu thương hiệu Ngày xửa ngày xưa mất đi sẽ không có khoản thu nào để bù vào các chương trình khác.

Chú thích ảnh
Một vở diễn của chương trình “Ngày xửa ngày xưa”

Ngoài các chương trình trên, một số thương hiệu của các đơn vị công lập cũng bị ngừng trệ do dịch COVID-19 như Làn điệu phương NamCầu vồng tuổi thơ của Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình nghệ thuật xiếc - rối Huyền thoại Ba Tư, Mê Kông show của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam; chương trình giới thiệu hát bội cuối tuần tại Thảo Cầm Viên của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh.

Chịu chung số phận còn có các chương trình, chuyên đề sân khấu Người đưa đò của Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Linh; chuyên đề Ba thế hệ về lại cội nguồn của Nghệ sỹ ưu tú Kim Tử Long; dòng kịch văn học của Sân khấu kịch Hồng Vân; chương trình kịch ngắn mang tính thời sự và chương trình kịch Cổ tích dành cho thiếu nhi của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ; Sân khấu Vàng của Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương - Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy; sân khấu tuồng cổ với dòng tuồng lịch sử của Đoàn Nghệ thuật Tuồng cổ Huỳnh Long…

Nghệ sỹ Bình Tinh đang có kế hoạch phục hồi chương trình cải lương tuồng cổ lịch sử của Đoàn Nghệ thuật Tuồng cổ Huỳnh Long qua những tác phẩm ca ngợi tấm gương anh hùng dân tộc. Nghệ sỹ Bình Tinh chia sẻ, cách đây hai năm, khi đoàn còn trụ tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn được hỗ trợ từ điểm diễn này để tổ chức phục vụ khán giả trẻ. Để phục hồi giống như thời điểm đó, anh chỉ mong nhận sự hỗ trợ từ các rạp, có như thế mới giảm được giá vé, đồng thời lan toả hoạt động ý nghĩa này đến đông đảo khán giả.

Tương tự, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận và Sân khấu kịch Hồng Vân không khỏi lo lắng vì chương trình kịch văn học của Sân khấu kịch Hồng Vân hiện vẫn chưa sẵn sàng khởi động.

Sau nửa năm dịch bệnh căng thẳng, nhiều người mất việc phải đi tìm việc làm... Vì vậy, thương hiệu nghệ thuật của sân khấu chúng tôi vẫn chờ vào sự tiếp ứng của nhà nước để vực dậy hoạt động ý nghĩa này do kịch văn học có ích cho học sinh, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ văn hóa - nghệ thuật nước nhà, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân chia sẻ.

Về phía Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long, đơn vị của anh đã có một loạt động thái mang tính kích cầu như giảm giá vé, mua vé tặng kèm các ưu đãi… Tuy nhiên, sau dịch bệnh, đơn vị này cũng khó bảo đảm doanh thu. Bên cạnh đó, nếu giảm giá vé đơn vị cũng không đủ kinh phí để thuê rạp, trang trải các khoản đầu tư. Vì vậy, Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long cho rằng, để kéo khán giả tới rạp sau khi dịch COVID-19 đã lắng dần, ngoài việc tung các  “át chủ bài” và làm mới hoạt động, các thương hiệu nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh đang trông đợi sự tiếp ứng tích cực từ nhà nước.

Chú thích ảnh
Nhóm đồng ấu Bạch Long trong suất diễn ra mắt vở Na Tra đại náo thủy cung trong chương trình "Cầu vồng tuổi thơ"

Cần có chủ trương theo từng đề án tổ chức

Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương, người đã có kinh nghiệm hơn 60 năm trong lĩnh vực sân khấu, sở hữu một kho tàng âm nhạc với những vở diễn cải lương đi cùng năm tháng cùng hàng trăm bài vọng cổ, tân cổ khác cho biết, việc xây dựng một thương hiệu cần có thời gian trong nhiều năm nhưng vướng phải đại dịch coi như phải làm lại từ đầu. Theo Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương, nếu không có sự tiếp ứng kịp thời, coi như sẽ mất trắng.

Bên cạnh đó, cần có chủ trương theo từng đề án tổ chức, có đấu thầu để nhà nước đầu tư vốn, đặt hàng các tác phẩm mới, duy trì hoạt động biểu diễn theo mô hình trợ giá vé. Đối tượng hướng tới là khán giả trẻ để đầu tư một thế hệ khán giả tương lai cho sân khấu. Với chương trình Sân khấu Vàng, Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương có ý định xây dựng một vở diễn 2 thế hệ dựa trên nội dung các tác phẩm kinh điển nhằm tạo năng lượng tích cực cho đội ngũ trẻ thể hiện khả năng sáng tạo. Trong đó, ông và Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy sẽ diễn phần cuối, phần đầu do một cặp đào kép trẻ thể hiện tuyến nhân vật chính.

Theo nhiều nhà chuyên môn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ nhà hát công lập kinh phí, kêu gọi cán bộ, công nhân viên các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể nhà nước mua vé ủng hộ các nhà hát hồi sinh sau dịch. Nhờ những việc làm thiết thực này, buổi ra quân đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Bệnh sĩ” vào tháng 5/2020 đã thu hút hơn 600 khán giả tại Thủ đô.

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, người có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, việc sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín không còn chỗ trống cho thấy những tín hiệu tích cực của sự trở lại đầy ấn tượng này. Nối tiếp, kích hoạt cho sân khấu cả nước rộn ràng trở lại sau thời gian im ắng vì COVID-19 sau Nhà hát Kịch Việt Nam, các đơn vị như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Nhạc Vũ kịch… cũng rầm rộ ra mắt với những tác phẩm theo mô hình này. Tuy nhiên, đối với đơn vị xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nước nên có kế hoạch cụ thể, tạo gói kích cầu tương tự như cách làm ở Hà Nội để việc bao tiêu vé hoặc trợ giá vé sẽ từng bước giúp các sân khấu tư nhân giữ thương hiệu.

Để các thương hiệu nghệ thuật thực sự “đi bằng đôi chân” của mình sau dịch, ngoài sự nỗ lực thay đổi, làm mới mình của các đơn vị nghệ thuật tư nhân, rất cần sự chung tay giúp sức của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, nhà hảo tâm và khán giả. Các thương hiệu nghệ thuật đã có chỗ đứng trong lòng khán giả cần cập nhật thường xuyên công nghệ mới, cải tiến hình thức biểu diễn để đáp ứng nhu cầu giải trí ngày một đa dạng của công chúng, đồng thời tạo điều kiện kích cầu du lịch nội địa nhằm thu hút du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh xem nghệ thuật.

“Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh nên tổ chức những buổi nâng cao nghiệp vụ trong công tác dàn dựng các vở diễn đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, biết cách áp dụng ứng dụng của khoa học kỹ thuật để vừa bảo đảm yếu tố nhìn, vừa không làm mất đi nét đặc trưng của từng bộ môn. Cần hơn nữa là bộ quy tắc ứng xử khi nới lỏng giãn cách, phân cấp độ từng vùng để khán giả an tâm đến xem vở mới của các sân khấu”, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.

Thu Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm