Góc Anh Ngọc: Nào thì lên xe bus

28/06/2012 13:48 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Tôi có một nỗi ân hận lớn trong chuyến đi World Cup ở Nam Phi hai năm trước: không nhảy lên một chiếc xe bus ở Johannesburg hay bất cứ thành phố nào khác ở đó chỉ vì cho rằng, ngồi trên đó, giữa những người da đen, là quá nguy hiểm. Đấy là một định kiến sai lầm, hoàn toàn sai lầm.

Gọi đấy là xe bus cho to tát, chứ thực chất chỉ là những chiếc Toyota cũ rích 12 chỗ. Ở một đất nước tôn thờ những gì mang tính cá nhân như một chiếc xe riêng, thì những chiếc xe ấy chỉ dành cho người da đen và cũng chỉ có họ mới nhảy lên những chiếc xe ấy để đến những nơi mà họ có thể tới. Bất kể thời gian, bất kể nắng mưa, bất kể xe đông hay vắng (nếu vắng họ sẽ chờ đến khi đầy chật thì đi).

Ở Ukraina này, xe bus lại là một phạm trù nho nhỏ mang tính triết học: thời gian và đi theo đó, là sự hoài niệm (về một chế độ không còn nữa). Những chiếc xe cũ rích màu vàng và không chứa quá 30 người vẫn đi lại hàng ngày hàng giờ trên những con đường ở Kiev, Kharkov, Donetsk hay những nơi khác nữa, gợi lại những ấn tượng đã có đối với bất cứ ai đã từng sống ở đây những năm trước đã qua.


Một chiếc xe bus chờ khách ở ga Donetsk

Bức tranh nhiều màu về giao thông

Đúng là xã hội luôn quan tâm đến cái gì là của cộng đồng. Những nhà ga to đùng mới được sửa lại cho EURO. Những bến xe bus lớn được tăng cường. Những điểm chờ xe taxi được mở rộng.

Có một cảm giác rằng tổ chức giao thông ở nơi này đã được nâng cấp mạnh mẽ cho dịp bóng đá này. Đúng là thế. Những chiếc xe bus hiện đại đã xuất hiện. Những chiếc trolley bus (xe điện bánh hơi) có vẻ ít đi. Nhưng những chiếc xe bus màu vàng cũ kĩ vẫn chạy ở như ngoại ô, hoặc có khi chỉ cách trung tâm một con đường, có lẽ là những gì còn lại của một hệ thống những tư duy rất cũ theo kiểu XHCN: người dân thường xứng đáng được hưởng những gì mà xã hội đem đến cho họ. Nhưng giờ đây, hệ thống ấy tồn tại một cách cầm chừng theo tư duy rập khuôn, với những đầu tư ít ỏi, với giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn cả những cốc kvas giải khát truyền thống mà những bà cô béo ú vẫn đứng bán bên đường ở Kiev.

Những chuyến xe cũ kĩ chuyên chở trên đó cuộc sống và tình cảm hỗn độn hàng ngày của biết bao người bình thường.

Ở Donetsk và Kiev, đôi khi ta hay gặp những người tài xế xe bus trông như mới ra tù, cắt đầu đinh, chẳng mấy khi nhìn vào ai và làm luôn cả việc của những người thu tiền vé. Không có vé, bởi vì không có vé. Chỉ cần bỏ ra 2,5 hrivna cho người lái xe là đi, và cái ông lái xe ấy, trong một phản xạ gần như vô thức, mắt vẫn nhìn ra phía trước, tay trái cầm vô lăng, tay phải vào số một cách nhanh gọn trước khi lấy tiền thừa trả lại cho khách (và thậm chí cũng chẳng thèm nhìn khách). Thế rồi xe chạy, theo một hành trình không thay đổi, ngày này qua tháng khác, và dường như người ta cũng chưa muốn cho chúng ngừng chạy hẳn, nếu không thì hệ thống giao thông công cộng bình dân này sẽ sụp đổ...

Thế nên, trong khi không ít người có tiền đã mua cho mình những chiếc xe đời mới cho phù hợp với không khí của thế kỉ 21, thì đường phố ở Kiev và nhiều thành phố nơi tôi đã qua vẫn là một bức tranh ghép nhiều màu của những mảng sáng tối, cũ mới, giữa thế kỉ này với thế kỉ nọ, giữa chế độ này với chế độ kia. Những chiếc Lada, Moskvych và Volga đời cũ cùng những chiếc xe bus sơn màu vàng hoặc màu xám cũ kĩ và nước sơn tróc lở loét trở thành những nét cọ nguệch ngoạc trong bức tranh ấy. Nhưng nó không thể không tồn tại: những chiếc xe bus và vài tuyến tàu điện chạy ngày đêm ấy phục vụ một lượng không nhỏ những người có thu nhập thấp trong xã hội Ukraina. Họ không đòi hỏi chúng phải đi đúng giờ, không cần phải có điều hòa trong mùa hè nóng bỏng và hệ thống sưởi trong mùa đông lạnh. Họ chỉ cần chúng luôn rẻ, đi đúng tuyến và không bao giờ ngưng chạy.

Một thanh niên biết tiếng Anh một lần nói với tôi trên chuyến xe bus chạy ngang Kiev: "Những tuyến xe này hầu như không chạy vào trung tâm. Người ta không muốn chúng được nhìn thấy, vì những chiếc xe này là biểu tượng của bình dân và thu nhập thấp".



Người tài xế cũng là người thu tiền

Những chiếc xe chưa mất đi với thời gian

Thu nhập thấp không phải là một tội, và với những người muốn có một cảm giác khám phá Ukraina trên những chiếc xe bus cũ như tôi cũng không muốn chúng ngừng chạy.

Bởi trên xe bus ấy là cả một xã hội, và ta có thể thích thú ngắm họ: những người già đi chợ, những sinh viên đi học hay đi chơi, những người khách du lịch ít ỏi muốn kiếm tìm cảm xúc xe bus mà ở nước họ không có, những người đi làm theo vé tháng có khuôn mặt khắc khổ và lúc nào cũng đăm chiêu chẳng nhìn vào ai.

Giờ thì ở Kiev, những chiếc xe bus nhỏ loại 12 chỗ xuất hiện nhiều hơn, và chúng gợi nhớ một cách da diết cho tôi về những chiếc xe bus cùng loại ở Johannesburg ở tận Nam Phi cách đấy cả chục nghìn cây số. Chúng được gọi một cách dễ thương là Mashrutka.

Chúng nhỏ xíu và đôi khi lên được chúng ở những bến đợi quả là một sự khổ ải lớn lao, nếu như ta không dùng đến cùi chỏ và khuỷu tay để gạt phăng những người khác. Bến đỗ của chúng đôi khi không hẳn là nơi có bến đỗ, mà là theo ý của bác tài.

Cái mùa bóng đá kì quặc này hóa ra lại cho những người thích lang thang như tôi một cơ hội để khám phá thêm nữa về cái thế giới mà trái bóng EURO đang lăn ở đó, đôi khi chỉ cách vài bước chân sân Olimpiyski của 5.400 mét vuông mặt cỏ với 22 anh chàng điên rồ đuổi theo trái bóng trong 90 phút hoặc hơn kia. Các cầu thủ, những triệu phú, ngồi một cách sung sướng trên những chiếc xe to đùng mà tài trợ cho họ dùng trong dịp EURO, làm sao có thể cảm nhận được một cách sống động cảnh không ít những người đã, đang hoặc sẽ thần tượng họ, di chuyển ra sao ở mảnh đất này, trong nóng nực của mùa hè và lạnh lẽo của mùa đông?

Anh bạn thanh niên phì cười khi tôi hỏi một câu giả vờ vu vơ, là tại sao mật độ những cô gái trẻ trên các chuyến xe bus lại ít đến vậy, họ đi đâu và làm gì? Và nữa, tại sao trên xe luôn đông đàn ông hơn?

 Anh bảo: "Phụ nữ Ukraina tuổi thọ trung bình là 72, còn nam là 60. Tại sao lại chênh lệch đến thế? Đàn ông Ukraina ít người đẹp trai, gia trưởng và chết sớm vì vodka, nên các cô phải đi lên xe bus đẹp và diễu các phố để kiếm chồng!"

Tôi vào Google đánh chữ "Ukraine", thì ngay ở dòng đầu tiên xuất hiện một website tìm bạn đời cho phụ nữ trẻ nước này. Người ta bảo rằng, mùa bóng đá, các cô gái trẻ thi nhau kiếm tìm chồng tương lai hoặc bạn tình nước ngoài một cách trực tiếp trên phố, trước, trong và sau các trận đấu, không cần qua mạng internet nữa. Nhưng như nhật báo "Segodnia" (Hôm nay) bình luận, dù hầu hết các cổ động viên ngoại quốc choáng trước mật độ cái đẹp trên mét vuông đông đến thế, nhưng tất cả có lẽ cũng chỉ dừng lại ở mức "window shopping"...

Câu hỏi cuối cùng: Bao giờ những chiếc xe bus cũ rích này chấm dứt hoạt động và thôi không khiến cho người ta nhớ đến những năm tháng trước biến cố? Có lẽ phải rất lâu nữa, sau nhiều EURO khác. Nhưng những ai đã đến đây, lắc lư trên một chiếc xe bus chạy dọc ngang Kiev và thậm chí cũng chẳng cần biết mình đang đi đâu như tôi, sẽ chẳng thể nào quên được những chuyến xe.

Chợt nhớ có lần một cụ già bảo tôi trên xe bus ở Donetsk, khi tôi đang lúi húi chụp ảnh hai bên đường: "Hãy chụp thật nhiều về Donetsk để cho thế giới thấy những mặt tốt của Ukraina". Tôi mỉm cười, thầm nghĩ, sau gần một tháng lăn lộn ở Ukraina: "Cháu sẽ cố hết sức, cụ ơi"...

            Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)
           

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm