Góc Anh Ngọc - Bóng đá Sicilia và ước mơ Serie A: Trong giấc mơ của Antonio

02/05/2014 07:47 GMT+7 | Bóng đá Italy

(giaidauscholar.com) - Đấy là người phục vụ bàn ở một quán cà phê nhỏ trên con phố chính dẫn đến tòa thị chính của Trapani, thành phố ở miền tây đảo Sicilia, nơi tôi đã nằm lại mấy ngày trong một chuyến đi đến vùng đất đẹp đẽ, hiền hòa và tràn đầy nhựa sống ấy. Anh đẹp trai, nhìn bề ngoài không khác mấy hậu vệ Balzaretti của Roma, có nụ cười dễ mến và cách phát âm đậm chất Sicilia không lẫn vào đâu được. Anh bảo: "Giấc mơ lớn của những người hâm mộ chúng tôi là Trapani lên hạng Serie A, lần đầu tiên trong lịch sử".

Đối với Antonio và nhiều người hâm mộ ở cái nơi mà đội bóng của họ chưa từng được ghi danh trên bản đồ bóng đá nước Ý, Trapani Calcio là tất cả. Logo của đội bóng được gắn ở những bức tường, những cánh cửa, trên ngực áo của những đứa trẻ còn ngậm vú giả, tên của đội bóng được viết nguệch ngoạc trên những bức tường ngoại ô, trên những nắp thùng rác, trên đường, ở bất cứ nơi đâu có thể thu hút được sự chú ý của một ai đó, và thậm chí, có những chỗ, dòng chữ viết tên đội rất nhỏ, như thể người đã viết những từ ấy chỉ để cho riêng mình, cho tình yêu với Trapani Calcio và không gì khác nữa, một tình yêu có thể là đơn phương, ích kỉ, nhưng cũng có thể chẳng đòi hỏi gì nhiều. Người ta yêu đội bóng nhỏ ấy một cách không điều kiện, không đòi hỏi, đơn giản chỉ vì sự gắn bó giữa đội bóng với tình yêu xứ sở, nơi họ đã sinh ra, lớn lên, và truyền tình yêu ấy cho qua bao thế hệ.


Nhưng logo trong quán "Cappellaio matto" (tạm dịch: "Người bán mũ bị điên") của Antonio được dán ở một chỗ khác: trên một cạnh cửa, và ở dưới biểu tượng đội bóng màu đỏ sậm, là hai bức tranh Đức mẹ Maria đang cầu nguyện. Antonio bảo, anh tin là Đức mẹ đang phù hộ cho Trapani, và các tifosi của đội bóng cầu nguyện Đức mẹ hãy đoái thương đến sự chờ đợi cả một đời của họ cho ngày được thấy đội lên Serie A. Nếu Đức mẹ và Chúa thương Trapani và những người hâm mộ đội bóng ấy, ngài sẽ cho Trapani lên hạng cao nhất. Sự chờ đợi ấy đã kéo dài trong suốt 99 năm qua, kể từ ngày đội bóng được thành lập và từ đó đã trải qua biết bao thăng trầm, hệt như chính thành phố nằm bên bờ biển miền tây Sicilia chỉ cách nơi gần nhất trên bờ biển Bắc Phi 80 cây số ấy.

Antonio bảo, bóng đá Sicilia, chưa nói đến bóng đá Ý nói chung, không có tên Trapani. Đội bóng đã đi qua phần lớn thời gian tồn tại của họ ở hạng nghiệp dư, rồi hạng 3, và đã từng bị phá sản vào mùa hè 2002, cùng năm với Fiorentina. Nhưng cái chết của Trapani chẳng được ai biết đến vì bao nước mắt đã đổ xuống cho đội bóng áo tím của thành Florence. Thế rồi, sau một lần chết nữa vào năm 2007, khi đã tụt xuống đến hạng nghiệp dư của xứ đảo Sicilia, bỗng nhiên Trapani lột xác, leo lên nghiệp dư toàn quốc, và từ 2009 đến mùa hè trước, đã nhảy từ hạng Lega Pro Seconda Divisione (hạng 4) lên Serie B. Chỉ trong một mùa giải, điều thần kì đang xảy ra.

Ngày mà tôi đến Trapani cũng là ngày các học trò của HLV Boscaglia vừa đánh bại Juve Stabia 3-0, và giờ đã có mặt trong nhóm các đội có khả năng được đấu vớt để lấy một suất lên Serie A. Quán của Antonio đầy những người hâm mộ bàn tán xôn xao về chiến thắng. Quán kem cách đó vài chục mét vang những tiếng reo hò của đám thanh niên trước một màn hình lớn vừa chiếu trận đấu quan trọng của Trapani ở hạng B, đưa đội quay lại với thắng lợi sau 4 trận thua liên tiếp. Antonio hỏi, liệu tôi có biết cầu thủ nào của Trapani? Tôi lắc đầu. 


Logo của đội Trapani Calcio gắn ở quán của Antonio

Kiến thức bóng đá Sicilia trong tôi những là màu hồng sắc áo của Palermo, đội bóng chơi những trận sân nhà trong tiếng sóng biển và tiếng gió thổi từ phía núi Pellegrino; là màu đỏ-vàng như màu cam đặc trưng xứ Sicilia của đội Messina; là màu đỏ-xanh của Catania nữa. Và Sicilia trong tôi là ánh mắt rực sáng sau những bàn thắng của Salvatore Schillaci trong những cuốn băng tư liệu về thời gian anh đã chơi cho Messina trước khi đến Juventus, sau đó lướt ngang qua bầu trời như một sao băng ở World Cup Italia 90, và ánh mắt còn rực sáng hơn nữa, nhưng là ánh mắt tuyệt vọng không thể che giấu được khi trở lại quê hương Sicilia lúc sự nghiệp đã kết thúc. Trapani có gì nhỉ về bóng đá, trong khi được Thượng đế đã cho rất nhiều, với biển, những cánh đồng muối, san hô (biệt danh của Trapani là "thành phố của muối và san hô"), những con phố nhỏ thanh bình, con người đáng yêu, thân thiện và quần đảo Egadi cách đó không xa thật dễ thương?

Antonio cười, rồi bảo, có một điều rất ít ai nhận ra. Marco Materazzi, trước khi trở thành một nhà vô địch thế giới trong màu áo đội tuyển Ý vào năm 2006, đã từng chơi một mùa ở Trapani, cách đó 12 năm (1994-95, 2 bàn). Mùa ấy, Trapani và Materazzi đã suýt cùng lên Serie B với nhau. Trong cả quãng đời sau đó của mình, chẳng mấy khi Materazzi nhắc đến những kỉ niệm đã qua tại Trapani nữa, nhưng người Trapani vẫn nhắc đến anh, vẫn yêu mến anh, và một lần, thậm chí, trong dịp rước bí tích của Chúa, một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất ở miền tây Sicilia một tuần trước lễ Phục sinh, người ta còn rước cả bức tượng nhỏ của Materazzi với khát khao một ngày nào đó được thấy đội bóng lần đầu tiên trong lịch sử có mặt ở hạng A.

Giấc mơ ấy người Trapani nào cũng có, và bây giờ ngày càng trở nên cháy bỏng hơn khi mùa bóng chỉ còn vài vòng đấu nữa là kết thúc. Ông bạn của Antonio, một người làm tôi ngạc nhiên vì nói tiếng Anh kiểu Mỹ (rất khó gặp một người Ý nói tiếng Anh như gió), tuyên bố rằng, cả thành phố và tỉnh Trapani ủng hộ đội bóng của họ, vì với ông, bóng đá là cuộc sống của tất cả. "Tôi cam đoan với anh, đấy sẽ là một cuộc hồi sinh thực sự của Trapani. Thành phố đang bắt đầu thu hút được khách du lịch. Kinh tế cũng đang dần phát triển trở lại. Chẳng có gì tuyệt vời hơn, khi bóng đá làm cho thành phố hiện ra trên bản đồ, nếu như Trapani lên Serie A".

Cháy bỏng hơn nữa, khi cách Trapani 120 cây số, Palermo đã trở lại Serie A chỉ sau một năm xuống hạng. Serie B trở nên quá nhỏ hẹp và yếu đuối đối với một Palermo khao khát trở lại và tìm cách xóa đi thất bại của mùa bóng thảm họa trước đó. Sau chiến thắng 3-1 trên sân Latina, đội bóng trở về sân bay Falcone Borsellino trong sự hộ tống của hàng nghìn tifosi chờ đợi. Serie A đã trong tầm tay, và giờ là lúc nghĩ đến tương lai, nghĩa là những tháng sắp tới, khi họ trở lại nơi đã thuộc về, nơi mà những Toni, Corini, Di Michele hay Bresciano đã từng làm mê hoặc tất cả bằng thứ bóng đá đưa cuộc sống đến với màu hồng, như màu áo của họ.

Đối với một xứ đảo đẹp đẽ và người hâm mộ sống bằng những cảm xúc thì những giấc mơ như của Antonio và ông bạn của anh thật dễ hiểu và thật đáng chia sẻ. Cổ động viên Trapani cũng luôn chia vui với Palermo. Tifosi Trapani không ghét Palermo, mà chỉ thù mỗi đội Mazara từ thành phố nhỏ Mazara del Vallo cách đó hơn 60 km về phía Nam đảo Sicilia. Ngày mà Palermo lên hạng A lần đầu tiên sau 31 năm vào mùa hè 2004, không chỉ ở Palermo mà cả xứ đảo Sicilia, trừ những nơi mà các fan không ưa Palermo lắm như Messina và Catania, người ta ăn mừng to như thể đấy là thánh lễ. Rồi niềm vui cũng đến với Messina, với Catania, khi những đội bóng ấy cũng lên hạng A, cũng trình diễn những thứ bóng đá đem lại niềm vui cho tất cả.

Thế rồi, những giấc mơ cũng chóng qua, Messina trở lại Serie B, rồi phá sản. Messina trở lại với cuộc sống thường nhật của nó kể từ đó. Những chuyến phà hàng ngày vẫn nối Sicilia với đất liền nước Ý qua eo biển Messina. Những cửa hàng bánh ngọt đặc trưng của xứ đảo chưa bao giờ vắng khách, vì người Sicilia thích ăn ngọt. Những đám rước Chúa cũng luôn đông người. Nhưng tâm hồn họ có lẽ sẽ héo hon vì bóng đá, vì chờ đợi ngày Messina trở lại. Catania năm ngoái đã tạo nên những niềm vui lớn lao ở Serie A với số điểm kỉ lục trong một mùa bóng, để rồi năm nay, bỗng trào lên nỗi buồn dưới chân núi lửa Etna khi hầu như chắc chắn đội bóng này sẽ xuống Serie B khi mùa bóng này kết thúc. cách đó hơn 200 cây số, một nỗi buồn lớn lao ập đến vì Catania đang là một cơn ác mộng.

Mùa tới, Serie B chào đón họ. Cái không khí náo nhiệt và vui tươi khi những đội bóng lớn của Serie A đến sân Cibali thi đấu không còn nữa. Mà sân ấy vào năm 2007 đã từng để lại một vết nhơ trong lịch sử Serie A, khi một viên thanh tra cảnh sát ngã xuống trong một cuộc ẩu đả giữa các ultra Catania và Palermo, trước trận derby xứ Sicilia. Vợ và con gái anh đã thề sẽ không bao giờ đặt chân lên các sân vận động nữa. 7 năm sau ngày ấy, họ vẫn sống trong nỗi ám ảnh về cái chết của người chồng, người cha, và lo ngại rằng, những thảm họa tương tự có khả năng lặp lại.

Bạo lực đã phủ một bóng đen lên bóng đá ở nơi đây. Mafia cũng thế. Người ta chưa quên rằng, trước một trận đấu của đội Akragas ở Agrigento, miền nam Sicilia, các tifosi đã giơ những tấm băng rôn biểu thị sự "đoàn kết" đối với một bố già vừa bị cảnh sát bắt sau nhiều năm lẩn trốn. Bóng đá trở thành một thú vui của mafia và không thiếu những ví dụ về việc mafia có thể làm gì với bóng đá. Nhiều năm trước, một số quan chức của Palermo đã bị điều tra về việc để cho các bố già nhúng tay vào công tác đào tạo cầu thủ trẻ, khi cho phép chúng đưa cầu thủ của chúng vào đội trẻ, từ đó kiếm tiền từ các vụ chuyển nhượng. Trường đào tạo cầu thủ mà Schillaci mở ra cũng bị nghi có dính líu ít nhiều đến mafia. Và cách đây cũng chưa lâu, thành phố Corleone đã tước danh hiệu Công dân danh dự mà họ đã trao cho danh thủ Fabrizio Miccoli, một người sinh ra ở đất liền Italy, nhưng có những đóng góp lớn lao cho Palermo. 

Có quá nhiều điều để nói đến thành phố nhỏ bé cách Palermo 70 cây số ấy. Mafia, những bố già, những câu truyện mà Mario Puzo đã viết, những vụ giết chóc. Ít ai biết rằng, thành phố ấy cũng có một đội bóng, Atletico Corleone, đội đang chơi ở giải nghiệp dư của xứ đảo Sicilia. Đội bóng ấy tuyên bố họ không dính dáng đến mafia. Các tifosi của họ tin vào điều ấy. Corleone nói riêng và Sicilia nói chung không phải và không đồng nghĩa với mafia. Có biết bao điều để cảm nhận, để yêu cuộc sống nơi đây.

Tôi không nói điều ấy, mà là Antonio. Anh nói tiếp, Sicilia là Sicilia và tình yêu bóng đá của các tifosi lớn hơn tất thảy. Ở Trapani cũng thế. Thảm họa không xảy đến vì một scandal nào đó liên quan đến những quan chức dính đến mafia hoặc một vụ thanh toán giữa chúng với nhau, mà là khi những cửa hàng bánh ngọt bỗng dưng quên cách làm những chiếc cassata hay cannoli ngon tuyệt, hoặc đội Trapani đột nhiên thua trận trở lại. Một dòng chữ trên các biển ở bến xe bus: "Đi xe bus là nuôi sống Trapani". Bây giờ, chắc phải thêm dòng chữ này nữa: "Ủng hộ Trapani Calcio là thắp nên những giấc mơ". Những giấc mơ đậm chất sống và nuôi dưỡng phần hồn của họ trong một thành phố nhỏ có tới hơn 30 nhà thờ. Chúa ở bên tất cả, nhưng đôi khi, vì một lí do nào đó, ngài quên không ủng hộ đội Trapani...

Cappuccino trong quán của Antonio không đậm như ở Rome mà tôi uống đã rất quen miệng, nhưng không khí của một buổi chiều mùa xuân ở thành phố biển và câu chuyện với Antonio hình như làm cho cappuccino thêm ngon. "Forza Trapani. Tôi ủng hộ đội bóng của anh rồi, anh giảm giá cappuccino cho tôi chứ?", tôi cười, bảo anh. Anh đáp lại: "Forza Trapani. Giảm giá thì không thể. Vì cappuccino có giá, còn giấc mơ Serie A thì không"...

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Trapani, Sicilia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm