22/06/2014 10:31 GMT+7 | Bảng D
(giaidauscholar.com) - Người Thụy sỹ sử dụng catenaccio đầu tiên nhưng người Italy mới lừng danh với chiến thuật siêu phòng ngự ấy. Và dù đã quá lâu rồi, Italy không còn chơi phòng ngự kiểu catenaccio đặc thù nữa nhưng họ vẫn luôn xứng danh là bậc thầy trong phòng ngự, với kỹ năng lẫn tư duy vượt trội bất kỳ đối thủ nào.
Vậy mà một bậc thầy về phòng ngự lại để một đội bóng như Costa Rica chọc thủng phòng tuyến của mình. Đã là bậc thầy phòng ngự, sao có thể để bất kỳ kẻ nào dễ dàng ghi bàn?
Câu hỏi trên, suy cho cùng, chỉ là một dạng lý sự cùn về khái niệm không hơn không kém. Chẳng có đội bóng nào dám vỗ ngực tự hào rằng mình không bao giờ có thể bị bất kỳ đối phương nào ghi bàn cả. Nếu tồn tại một đội bóng có khả năng như thế, e rằng sẽ có hàng loạt kẻ theo hầu ‘học đạo’ và bi kịch cho bóng đá là bàn thắng sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn tồn tại nữa.
Nhưng nếu chỉ với siêu phòng ngự, tức là biết cách khoá chặt đến tối đa trong khả năng có thể mọi ngõ vào khung thành của mình, người ta có thể vô địch thế giới được không? Không. Và càng không thể vô địch tới 4 lần. Dễ hiểu, muốn vô địch thì phải chiến thắng và muốn chiến thắng thì phải biết ghi bàn. Nếu chỉ khư khư giữ thành kiểu tiêu cực phòng ngự, đó chỉ là một kẻ sợ thua chứ không phải là một kẻ chinh phục. Phòng thủ giống như khóa chặt cánh cửa của mình lại để có cảm giác an toàn trong căn phòng. Muốn khám phá thế giới, ta phải bước ra khỏi căn phòng ấy, tức là phải biết liều lĩnh rời khỏi cái an-toàn-tiêu-cực bao quanh mình.
Vậy thì cớ sao một bậc thầy về ‘khoá kín cửa’ như tuyển Italy , tức là một ông thợ khóa đại tài, lại không có khả năng mở toang được chiếc ổ khoá mà Costa Rica đã dùng để chặn lại cánh cổng ngáng đường người Ý bước ra thế giới bên ngoài? Một thợ khóa đại tài phải là người mở được mọi ổ khóa bất kỳ chứ nhỉ?
Đấy cũng lại là một dạng lý sự cùn khác nữa, trên những khái niệm mập mờ không hơn không kém. Trong một thời lượng hạn định, người thợ khóa có thể chưa mở kịp một cái ổ khóa bình thường chứ không hẳn là không mở được ổ khóa ấy.
Từ 2012 tới giờ, có nhiều ý kiến đánh giá Prandelli đang dẫn dắt Ý chơi một lối catenaccio hiện đại. Ý kiến tích cực cho Prandelli rất nhiều, song Italy của ông chưa cho thấy đúng chất Azzurri kiêu hùng ngày nào.
Paul Auster có viết về các cầu thủ bóng chày là ‘đang sống giấc mơ thơ ấu và oách hơn là được trả tiền để tiếp tục làm trẻ con’. Các danh thủ bóng đá cũng vậy thôi, họ cũng đang được trả tiền để tiếp tục làm trẻ con và tuyển Italy lúc nào cũng chỉ là chú bé con trước cái áp lực kỳ vọng đồ sộ của người hâm mộ, lực lượng lúc nào cũng nhìn bóng đá với đôi mắt ‘người lớn’.
Tuyển Italy hôm nay so với Azzurri kiêu hùng trong mắt ‘những người lớn’ không khác gì Pinocchio bằng gỗ so với một cậu bé thực sự xương thịt như người thường trong cuốn sách ấu thơ mà Collodi đã viết. Và người hâm mộ hay đòi hỏi của Azzurri ấy cũng chẳng khác gì ông già Geppetto to xác đã đẽo khúc gỗ thành hình Pinocchio.
Để Pinocchio thành người, cậu phải cứu Geppetto khỏi bụng cá mập và cõng ông bơi qua biển. Tuyển Italy hôm nay cũng đang cõng trên lưng kỳ vọng của người hâm mộ như Pinocchio bé nhỏ cõng lấy Geppetto vậy.
Và chiếc khóa vàng của họ vẫn còn trong tay Prandelli, để mở cánh cổng được khóa bằng chiếc ổ khoá vàng của người Uruguay…
Hà Quang Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất