12/06/2014 20:14 GMT+7 | World Cup 2018
(giaidauscholar.com) - Người châu Âu đã phát hiện ra châu Mỹ đầu tiên nhưng nói về bóng đá thì 84 năm qua, họ vẫn chưa một lần chinh phục được lục địa này. Liệu lịch sử sẽ được viết lại tại Brazil hay họ buộc phải chờ đợi thêm ít nhất là 16 năm nữa sau những lần luân phiên ở châu Á, châu Âu, châu Phi và quay lại châu Mỹ?
Trong 4 kỳ World Cup diễn ra ở khu vực Nam Mỹ kể từ năm 1930 đến nay, không một đội tuyển nào của châu Âu giành chiến thắng tại đây. Đúng hơn, không một đội tuyển nào của châu Âu chiến thắng trong 7 lần World Cup được tổ chức ở châu Mỹ. Châu Mỹ giống như một lời nguyền mà các đội tuyển châu Âu chưa thể hóa giải được. Liệu Brazil 2014 có viết lại lịch sử ? Liệu cuối cùng châu Mỹ có chịu khuất phục dưới mũi giày của lục địa già?
Brazil + Archentina và phần còn lại của thế giới
Thực tế thì cũng không ai chờ đợi một đội tuyển ngoài Nam Mỹ hay châu Âu giương cao cúp vàng ở Maracana vào ngày 13/7. Bờ Biển Ngà, Mexico, Mỹ, Nhật Bản hay Ghana có thể gây bất ngờ nhưng sẽ là không tưởng nếu đại diện của châu Phi, châu Á hay Bắc Mỹ lọt vào bán kết.
Giờ sứ mệnh thay đổi lịch sử được đặt lên vai Tây Ban Nha và Đức, vì họ hiện là hai ứng cử viên sáng giá nhất của châu Âu trong cuộc chinh phục châu Mỹ. Dĩ nhiên Hà Lan, Pháp, Italia và Anh cũng có thể vào sâu trong giải, và phần nào thì họ đang áp đảo đối thủ về số lượng (Nam Mỹ chỉ có Brazil, Argentina được xếp chiếu trên, chiếu dưới có Uruguay và Colombia).
Tuy vậy, lịch sử cũng cho thấy số lượng không hẳn sẽ giúp châu Âu chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu này. Thống kê trong 8 kỳ World Cup gần đây tính từ Tây Ban Nha năm 1982, trong 32 đội tuyển dự bán kết có đến 25 đội thuộc châu Âu, còn Nam Mỹ chủ yếu dựa vào Brazil và Argentina. Thậm chí, những đội tuyển không được đánh giá cao của châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Bulgaria cũng đã lọt vào bán kết trong 8 kỳ World Cup này, qua đó mang lại chút hy vọng cho Bỉ, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Nga ở Brazil 2014.
Còn nếu không tính bán kết thì hai trận chung kết World Cup gần đây đều là chuyện nội bộ của châu Âu. Nhờ thế mà châu Âu đã tạm vượt lên trên Nam Mỹ bởi trong 8 kỳ World Cup kể từ năm 1982, các đội tuyển châu Âu giành chiến thắng 5 lần và 3 cho những đối thủ Nam Mỹ. Thú vị ở chỗ là trận chung kết cuối cùng không có bất cứ một đại diện nào của châu Âu là năm 1950, khi giải diễn ra tại Brazil (hai đội dự chung kết là Brazil – Uruguay).
Cơ hội cho châu Âu?
Vậy là 7 lần tới châu Mỹ, không một đội tuyển nào của châu Âu chinh phục được vùng đất này trong suốt 84 năm qua. Tuy nhiên, trong 84 năm qua, cũng chưa bao giờ châu Âu có cơ hội lớn như tại Brazil 2014. Việc toàn cầu hóa bóng đá và những tiến bộ trong công nghệ đồng nghĩa thi đấu ở sân nhà không còn là lợi thế quá lớn như trước đây.
Từ khía cạnh thể thao đơn thuần, 13 đội tuyển của châu Âu xách vali tới Brazil 2014 đủ thấy sự áp đảo về số lượng và chất lượng. Nếu chưa đủ, 3 trong 4 đội dự bán kết ở World Cup 2010 là các đại diện của châu Âu và 6 trong 7 danh hiệu CLB World Cup gần đây cũng thuộc về các CLB châu Âu, trong đó chiến thắng vào năm 2012 của Corinthians trước Chelsea là ngoại lệ duy nhất.Trong khi đó, ngoài tiền đạo người Argentina, Lionel Messi thống trị các cuộc bầu chọn Qủa bóng vàng FIFA trong những năm qua, chỉ một cầu thủ Nam Mỹ khác làm được điều này lần cuối cùng là Kaka năm 2007. Thêm nữa thì Messi cũng là một ví dụ rõ ràng về một cầu thủ Nam Mỹ gắn bó phần lớn thời gian sự nghiệp ở châu Âu hơn là tại nơi anh đã sinh ra. Messi cũng phản ánh phần nào xu thế chung của các cầu thủ Nam Mỹ hiện nay trong thời đại toàn cầu hóa. Để so sánh thì 21 trong số 22 cầu thủ Argentina vô địch World Cup trên sân nhà vào năm 1978 đều thi đấu cho các CLB trong nước thì con số này ở Brazil 2014 chỉ vỏn vẹn 3, gồm Fernando Gago, Augustin Orion (Boca Juniors) và Maxi Rodriguez (Newell’s Old Boys).
HLV đội tuyển Anh, Roy Hodgson, từng nhận xét, làn sóng cầu thủ Nam Mỹ xuất khẩu sang châu Âu sẽ kéo theo một thực tế là họ có thể không còn cảm thấy lợi thế “sân nhà” tại Brazil so với những đối thủ của châu Âu. Bên cạnh đó thì việc di chuyển không còn là yếu tố mang tính quyết định nữa so với thời điểm các đội tuyển châu Âu lần đầu tới Nam Mỹ như ở Uruguay năm 1930, Brazil năm 1950, và Chile năm 1962. Trong khi 4 đội tuyển châu Âu tham dự World Cup đầu tiên tại Uruguay phải băng qua Đại Tây Dương bằng thuyền, các cầu thủ bây giờ đến Brazil bằng chuyên cơ riêng.
Vì việc đi lại đã dễ dàng hơn trước, phần lớn các đội tuyển đều chọn một địa điểm tập huấn nhằm giúp họ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu của Brazil.
Cơ hội chiến thắng dành cho những đại diện của châu Âu vì thế càng lớn hơn và đừng quên là trong lịch sử, họ đã suýt thành công ở các kỳ World Cup tổ chức tại châu Mỹ. Chẳng hạn, Tiệp Khắc cũ dẫn trước Brazil trong trận chung kết năm 1962 rồi mới chịu thua 3-1, Argentina cần bàn thắng ở phút 84 của Jorge Burruchaga mới có thể vượt qua Tây Đức trong trận chung kết năm 1986 tại Mexico. Tiền vệ người Hà Lan, Rob Rensenbrink, lẽ ra đã mang về châu Âu danh hiệu vô địch năm 1978 nếu cú sút của ông không chạm khung thành trong thời gian bù giờ ở trận chung kết với Argentina tại Buenos Aires. Nhờ thế, Argentina đưa trận đấu vào hai hiệp phụ trước lúc giành thắng lợi 3-1, khiến Rensenbrink cay đắng thừa nhận: "Nếu cú sút của tôi chính xác hơn 5cm, chúng tôi đã trở thành nhà vô địch."
Sau cùng thì năm 1978, sự hiện diện của giới quân sự Argentina tại sân Monumental đã tạo nên một không khí căng thẳng khiến các cầu thủ Hà Lan vừa đá vừa lo. Còn ở Brazil 2014, mọi chuyện sẽ khác.
Thậm chí, các đội tuyển châu Âu cũng có thể cảm thấy đây như là “sân nhà” của mình, sau khi lần đầu tiên họ vô địch ở một lục địa khác với trường hợp của Tây Ban Nha tại Nam Phi cách đây 4 năm.
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất