Kinh nghiệm tổ chức Asiad của các nước châu Á: Quan trọng nhất là tránh lỗ!

02/04/2014 13:40 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Thực tế cho thấy mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng các quốc gia chủ nhà Đại hội thể thao châu Á – Asiad đều gặp khá nhiều khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí bỏ ra để tổ chức Đại hội.

Theo báo cáo quyết toán của BTC Asiad 1998, chi phí tổ chức Á vận hội năm đó là 2,67 tỷ baht (tương đương khoảng 86,8 triệu USD). Trong khi đó, tổng doanh thu do Á vận hội mang về là 2,73 tỷ baht (tương đương 88,8 triệu USD), trong đó chủ yếu là các hợp đồng tài trợ (chiếm 40%), bản quyền truyền hình bán cho các đài truyền hình châu Á (480 triệu baht), tiền bán vé, xổ số...

Tuy nhiên, trên thực tế trước đó, để chuẩn bị cho Asiad 1998, Thái Lan đã chi tới 19,3 tỷ baht (627,7 triệu USD) đầu tư cho cơ sở hạ tầng liên quan tới Asiad, gồm 3 khu phức hợp thể thao, các làng VĐV cũng như nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở viễn thông.

4 năm sau, khi Hàn Quốc đứng ra đăng cai Asiad 2002, con số chi phí tổ chức được công bố ban đầu là khoảng 182,5 tỷ won (tương đương 167,4 triệu USD). Thế nhưng trên thực tế, tổng số vốn đầu tư mà Hàn Quốc bỏ ra vượt xa so với con số trên.

Busan đã chi tới 3.140 tỷ won (2,9 tỷ USD) tiền đầu tư trực tiếp vào Asiad 14, bao gồm xây 12 sân vận động, nâng cấp và cải thiện các hạ tầng thể thao vốn có, xây các làng VĐV cũng như nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ cho Asiad.

Tuy nhiên, doanh thu chỉ đạt 243,4 tỉ won (223,2 triệu USD), trong đó, tiền thương mại chiếm 36% tổng doanh thu, đứng đầu là quảng cáo, rồi đến tiền bán vé và tiếp thị - bằng 7,7% số tiền đã bỏ ra.

Trong khi đó theo báo cáo, Qatar đã sử dụng hết 2,8 tỷ USD cho công tác chuẩn bị và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho Asiad 2006 - gấp khoảng gần 30 lần so với số tiền thu về. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ Qatar chỉ phải bỏ ra 40% số tiền này. 60% còn lại được tài trợ bởi Samsung Electronics -  đơn vị tài trợ chính cho Á vận hội 2006 và các ông vua dầu mỏ Qatar - những người đi vào lịch sử Asiad khi tuyên bố (và thực hiện): Qatar sẽ đài thọ toàn bộ chi phí cho 30 thành viên của mỗi quốc gia tham dự ngày hội thể thao lớn nhất châu lục.

Năm 2010, khi Asiad 16 được tổ chức tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), ông Vạn Khánh Lương, Chủ tịch thành phố Quảng Châu, tuyên bố tổng chi phí cho Asiad và Asian Para Games năm đó khoảng 122,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 17 tỷ USD), trong đó 109 tỷ cho cơ sở hạ tầng, 6,3 tỷ cho các địa điểm thi đấu và 7,3 tỷ cho việc tổ chức các môn thi đấu tại Asian Games.

Đại hội thể thao châu Á lần này đã đem lại cho các nhà tổ chức khoản doanh thu quảng cáo lên đến 3 tỷ nhân dân tệ (454 triệu USD), lập kỷ lục doanh thu về quảng cáo,trong đó lớn nhất là tập đoàn xe hơi Quảng Châu (khoảng 600 triệu tệ), hãng điện tử Samsung Electronics và công ty sản xuất đồ thể thao 361 Degress (200 triệu tệ).

Ngoài ra, Á vận hội 2010 cũng đã kêu gọi được khá nhiều nhà tài trợ khác như China Mobile, China Telecom, China Southern Airlines, công ty Internet Netease, TCL, và tập đoàn bia Đài Loan.

Để bù đắp chi phí tổ chức Asiad Incheon năm nay (khoảng 1,62 tỉ USD), BTC Á vận hội của Hàn Quốc cũng đã kêu gọi được khá nhiều nhà tài trợ. Trong đó, đáng kể nhất là hãng điện tử hàng đầu thế giới Samsung đã tiếp tục hợp đồng trong vai trò là nhà tài trợ chính của Incheon 2014. Giá trị hợp đồng không được tiết lộ nhưng theo Korea Times thì sẽ cao hơn so với các kỳ Á vận hội trước đó.

Ngoài ra, còn có một số nhà tài trợ khác như hãng hàng không Korean Air , thương hiệu đồng hồ lừng danh thế giới của Thụy Sĩ - Tissot hay SK - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Hàn Quốc…

Hương Thùy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm