Cựu tiền vệ U23 Việt Nam Nguyễn Tuấn Phong: Đời lúc nào cũng đẹp

26/03/2013 15:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - “Tui tính hết năm nay mới nghỉ, nhưng ông nhà báo này hình như muốn mình giải nghệ sớm”, trên facebook cá nhân, Nguyễn Tuấn Phong tâm sự như thể hờn dỗi với thông tin không thật chính xác đăng trên một tờ báo mạng. Tuấn Phong có lý do để trách cứ (cho vui thôi, chứ dứt khoát Phong “Bean” không giận), bởi suốt chiều dài sự nghiệp hơn 10 năm chơi bóng đỉnh cao, tiền vệ thuộc biên chế ĐT.LA đã luôn miệt mài như một con ong thợ, từng chìm xuống tận đáy của thất vọng, rồi lại vươn lên để khẳng định được chân giá trị. Trong suốt thời gian đó, Phong gần như chưa từng có tai tiếng gì.

Không sở hữu toàn bộ những danh hiệu cao quý cả ở cấp độ CLB cũng như ĐTQG, nhưng với Tuấn Phong (trái) thì sự nghiệp của anh như thế cũng không có gì phải hối tiếc. Ảnh: VSI

Có ngay viện dẫn khi lúc này, tìm thông tin về Tuấn Phong trên mạng cũng còn hiếm, hiếm đến độ đáng thất vọng với một cầu thủ còn đương thời. Nhưng, điều đó phần nào cũng cho thấy, cựu tiền vệ ĐT U23 Việt Nam không thuộc mẫu cầu-thủ-showbiz, thích những ồn ào, dù Phong “Bean” (Tuấn Phong có gương mặt khá giống với danh hài người Anh Mr. Bean nên có biệt danh như thế) hay Phong “đậu bắp” (biệt danh được gắn với cặp giò thư sinh, mảnh khảnh của Phong) có đầy thứ hơn người.

Đẹp trai, có tài, nhà lại “có điều kiện”

Về ngoại hình, Tuấn Phong có thể nói là đẹp trai, với gương mặt rất đàn ông. Trưởng thành từ đội trẻ CATP.HCM, 22 tuổi được triệu tập ĐT U23 Việt Nam đá SEA Games khi thậm chí chưa từng chơi bóng đỉnh cao, có giá chuyển nhượng vài trăm triệu đồng vào thời điểm cách đây cũng đến 10 năm, Phong hẳn cũng có tài đá bóng. Dân Sài Gòn chính hiệu, lại học Trường PTTH Bùi Thị Xuân, ngôi trường vốn là niềm mơ ước của nhiều thế hệ học sinh cùng thời, ngay giữa trung tâm quận 1, Nguyễn Tuấn Phong xem chừng được ăn học khá tử tế so với các đồng nghiệp – đồng đội theo nghề “quần đùi áo số”…

Nhưng, tại sao và như thế nào, với một cầu thủ sở hữu cái chân phải cực ngoan, lại được đứng trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp bậc nhất (thập niên đầu của thế kỷ 21) như ĐT.LA, Tuấn Phong lại cứ bình bình, hiếm thấy anh thăng hoa và cơ hội trở lại ĐTQG bị triệt tiêu, sau lần cuối cùng năm 2004? Lý do thì nhiều, trong đó phải kể đến những chấn thương (gót chân Achilles) liên tục hành hạ buộc Phong phải phẫu thuật.

Thời điểm năm 2008 có thể xem là đen đủi bậc nhất với Phong, khi ông thầy ruột Henrique Calisto lên nắm ĐT Việt Nam, Tuấn Phong lại chỉ quanh quẩn với giường bệnh, để tuột mất cơ hội trở thành nhà vô địch Đông Nam Á.

Tuy nhiên ngay cả lúc này, với bao sự kiện trọng đại đã qua đi, có những thứ Phong nắm bắt được, cũng có vô số tuột qua khỏi tầm tay…, anh cũng chẳng bao giờ phải hối tiếc, chẳng bao giờ ước thời gian quay lại. Tuấn Phong không thuộc tuýp người tin vào tướng số, mà với anh, đơn giản chỉ là cái duyên.

Lại phải nói cái duyên, Phong “Bean” có thể là một trong số những cầu thủ dễ chịu bậc nhất làng bóng đá, mỗi khi có bận tiếp xúc, ngồi trò chuyện, đá trận bóng “phủi” hay làm vài cốc bia lạnh vỉa hè. Phong chia sẻ cả tâm can về đời sống bóng đá, thật và thẳng, với sự khoan thai và chủ động hiếm có của dân quần đùi áo số.

Phải, ngày đó nếu không gắn với cái nghiệp này, không bén duyên từ quá sớm, có thể Tuấn Phong đã là một anh kỹ sư hay doanh nhân, hoặc cũng có thể trở thành một nghệ sỹ, thậm chí làm anh nhân viên phục vụ… Trong nhiều tình huống khác nhau, với khả năng ứng xử và ứng biến của một cầu thủ được ăn học tử tế, có chút hóm hỉnh, Phong “Bean” hiếm khi nào ở thế bị động.

Sự tự tin (không thái quá) của Tuấn Phong, khiến người đối diện có thể phải giật mình, nhưng ngẫm lại, thì điều đó với Phong cũng bình thường. Cái biệt danh Phong “Bean” hay Phong “đậu bắp”, nghe kể cũng đã đủ vui tai rồi.

“Ngẫm lại sự nghiệp thi đấu, tôi cảm thấy mình khá may mắn, so với rất nhiều đồng nghiệp hay đồng đội khác. Thời điểm cuối năm 2005, đội bóng cũ Ngân hàng Đông Á dính scandal trọng tài, rồi bị tước mất suất dự V-League và cuối cùng phải chuyển giao như tất cả đã biết, cũng là lúc tôi hết hạn hợp đồng.

Tất nhiên, những dự định chuyển về ĐT.LA đã có từ trước, nhưng rõ ràng có được vị trí tại đội bóng ĐKVĐ V-League là rất vinh dự. Trong màu áo “Gạch”, với HLV Calisto không chỉ là người thầy, mà còn là người cha, người đã giúp đỡ và trao cho tôi những cơ hội thể hiện mình không nề hà”, Phong nhớ lại.

Và cuộc đời là một chuỗi dây xích

Thời điểm năm 2004, tức là không lâu sau chuyển giao, đội bóng CATP.HCM phải xuống chơi hạng Nhất ở mùa giải kế tiếp đó, với “ê-kíp” GĐĐH Vũ Tiến Thành và HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh thực hiện một cuộc cách mạng triệt để về nhân sự.

Nó cũng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự tan đàn xẻ nghé của lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng, với những Việt Thắng, Ngọc Thanh, Đinh Cường, Tuấn Phong (và cả cậu em ruột tên Phú), Thái Dương, Quang Thanh... Trong khi phần lớn các đồng đội cũ ngược lên miền đất hứa Bình Dương hay Gia Lai (Việt Thắng), Phong quyết định xuôi về Long An sau gợi ý của HLV Calisto.

Cần nhắc lại rằng, ông thầy người Bồ cực thích lối chơi đơn giản mà hiệu quả của Tuấn Phong. Sau khi có chữ ký của Minh Phương, ông Calisto đã quyết kéo về Tân An bằng được cái tên Nguyễn Tuấn Phong. Bằng sự dẻo dai, Phong lên công về thủ nhịp nhàng cùng những quả tạt cực kỳ chuẩn xác bằng chân phải. Ở đội bóng mới, Phong có cơ hội lần đầu tiên trở thành nhà vô địch V-League (2006).

Trong sơ đồ 4-3-3, hoặc 3-5-2, hay nữa là 4-2-3-1 biến thể, Tuấn Phong cũng thăng hoa theo, để trở thành mắt xích không thể thiếu trong chiến tích lần thứ 2 vô địch V-League và nhiều mùa giải liên tục đứng trong tốp 3 của “Gạch”…

“Cầu thủ phục vụ chiến thuật chung của đội bóng, chứ chiến thuật chắc chắn không sinh ra để phục vụ bất cứ một ai”, Việt Thắng, một đồng đội khá thân thiết của Tuấn Phong, đã từng phát biểu như thế. Trên thực tế, đó cũng không phải là phát hiện quá thú vị của Thắng, bởi nó được nghiệm ra từ chính ĐT.LA, khi HLV Calisto đã phát triển một đội bóng thiếu ngôi sao trở thành nhà vô địch, cũng bởi yếu tố chiến thuật.

“Tại Bến Lức luôn có những cầu thủ quan trọng như Minh Phương, Tài Em hay “Luca” Antonio, nhưng không ai là không thể thay thế, tùy theo những tính toán của HLV Calisto”, Phong từng chia sẻ.

Bằng sự tỉ mỉ, cầu thị và cầu tiến, thêm ý thức chuyên nghiệp luôn được đề cao, Tuấn Phong có thể chơi bóng đỉnh cao thêm đôi ba mùa giải nữa. Nhưng có thể sau V-League 2013, anh sẽ tuyên bố giải nghệ. “Bao năm thi đấu, với đủ những thăng trầm của sự nghiệp, sẽ đến lúc phải dừng lại thôi”, Phong cười hiền, nụ cười khiến ngay cả khi người đối diện đang cảm thấy rất sầu bi cũng có thể vui ngay lên được.

Tuấn Phong, đã, đang và vẫn luôn như thế, giản dị, gần gũi, không tính toán với người và với đời. Vì với Phong, cuộc đời cũng giống như những chuỗi dây xích vậy, với mỗi người là một mắt xích, móc nối vào nhau… 

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm