03/12/2024 07:06 GMT+7 | Văn hoá
"Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam" - đó là một phần nội dung trong bản quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Và những ngày qua, nội dung này lại đang được chúng ta nhắc tới - khi vào ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.
Thực tế, trong đời sống văn hóa những năm qua, chúng ta cũng nhiều lần nhắc tới khái niệm "đô thị di sản", dù chưa có một định nghĩa chính thức và có giá trị pháp lý về loại hình này.
Dù vậy, ở một chừng mực, định nghĩa của GS Hoàng Đạo Kính về mô hình này là định nghĩa được nhiều người sử dụng: "Đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy".
Theo cách hiểu ấy, đô thị di sản là hình thức cao hơn so với "đô thị có di sản", khi tính chỉnh thể của nó được nhấn mạnh, đặc biệt là yếu tố vật thể và phi vật thể nằm trong mối quan hệ không thể tách rời.
Cũng khá thú vị, trong một tham luận về đô thị di sản, GS Hoàng Đạo Kính từng khẳng định: "Huế, duy nhất ở nước ta, cho đến hôm nay là đô thị như vậy". Cho dù, học giả này cũng nhắc tới "nguy cơ nhãn tiền" về việc đô thị di sản này chuyển thành đô thị có những di sản.
***
Thực tế, những năm gần đây, cộng đồng đã được thấy nhiều tín hiệu vui gắn với những gì thuộc về di sản tại Thừa Thiên - Huế. Đó là việc trùng tu nhiều kiến trúc quan trọng thuộc khu vực Đại Nội, là đề án "Huế - Kinh đô áo dài", là việc lập quy hoạch đôi bờ sông Hương hay cả mục tiêu trở thành "thành phố xe đạp"...
Và nhìn lại, Thừa Thiên - Huế cho đến giờ vẫn là địa phương có nhiều di sản thế giới nhất Việt Nam, với 8 trường hợp (thuộc các loại hình) được UNESCO công nhận. Xa hơn thế, nơi này còn là sự đan xen của nhiều loại hình di sản khác nhau: Kiến trúc triều Nguyễn, kiến trúc Pháp thuộc địa, các làng nghề truyền thống, cảnh quan thiên nhiên - và đặc biệt là rất nhiều tập tục, truyền thống, tri thức dân gian...đang tồn tại ở dạng phi vật thể.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của... tất cả những thành phần di sản ấy đương nhiên cho phép chúng ta nuôi hy vọng về một "đô thị di sản" tiêu biểu và đặc sắc nhất Việt Nam. Còn ở chiều ngược lại, thực tế cũng đã chứng minh: Đó là một bài toán không hề đơn giản về kinh nghiệm, tư duy và đặc biệt là ngân sách - điều luôn là trở ngại lớn với những địa phương vốn...không giàu như vùng đất cố đô này.
Để rồi bây giờ, khi trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, với vị thế mới và những cơ chế đặc thù mới, rõ ràng Huế đang có những vận hội mới để xây dựng một "đô thị di sản" đúng với tiềm lực của mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất