11/11/2021 07:08 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Cuối cùng, những lùm xùm quanh giếng cổ làng Đường Lâm (Hà Nội) đã khép lại với quyết định xử phạt được công bố vào hôm qua 10/11.
Nằm trong khuôn viên đình Mông Phụ (Đường Lâm), chiếc giếng này thuộc khu vực bảo vệ cấp 1 của Di tích Quốc gia Làng cổ Đường Lâm. Theo thời gian, giếng đã lên rêu và mang đậm vẻ cổ kính. Tuy nhiên, những ngày qua, khi tới đây thực hiện bộ phim hài Tết “Chuyện làng Bồm”, phía đoàn phim đã tự ý tô vẽ và đắp bột màu, biến giếng cổ thành một giếng đá ong mới tinh để làm bối cảnh.
Bức xúc trước tình trạng ấy, chiều 7/11, người dân địa phương đã kéo tới đình Mông Phụ yêu cầu đoàn làm phim chấm dứt tình trạng trên.
Để rồi, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, phía xâm phạm đã phải chính thức lên tiếng nhận lỗi và cam kết hoàn trả lại nguyên trạng của giếng cổ Đường Lâm. Không chỉ vậy, phía chính quyền địa phương cũng vừa xử phạt 2 triệu đồng với họa sĩ của đoàn làm phim, người đã trực tiếp thực hiện việc “tô vẽ” nói trên.
Ở đây, người viết không muốn nói nhiều tới sai phạm của đoàn làm phim, khi mọi thứ đã quá rõ ràng theo Luật Di sản văn hóa. Nhưng, từ sự bức xúc của người dân địa phương và dư luận, chúng ta hãy cùng nhìn sang câu chuyện chung về những chiếc giếng cổ.
Không chỉ nằm ở những làng cổ đã trở thành di tích như Đường Lâm hay những điểm du lịch được biết tới như Cự Đà, Bát Tràng, hàng trăm, hàng ngàn chiếc giếng cổ khác vẫn tồn tại quanh Hà Nội. Đơn giản, đó chính là những “thiết chế văn hóa” quan trọng và cổ xưa nhất của các cộng đồng làng xã phía Bắc - để rồi cùng với cây đa và mái đình, giếng nước từ lâu vẫn được coi là biểu tượng quan trọng nhất của mỗi ngôi làng.
Không chỉ phục vụ nhu cầu cấp nước, giếng cổ - như lời giới nghiên cứu - đã hình thành quanh nó cả một hệ giá trị tâm linh thật sự. Ngoài vai trò của một không gian dù nhỏ, nhưng lại luôn có khả năng trở thành nơi gặp gỡ của cộng đồng, giếng nước trong tâm thức người Việt cũng là nơi sâu nhất của một ngôi làng và gắn với những giá trị thiêng liêng nhất. Và bởi thế, dù là hình tròn, chữ nhật, bán nguyệt hay bát giác, dù có thành xây bằng gạch, bằng đá ong, xếp đá hay giếng đất đơn sơ, những chiếc giếng cổ ấy luôn có những giá trị đặc biệt bởi lớp trầm tích văn hóa hình thành theo thời gian của mình.
Thế nhưng, cơn lốc đô thị hóa những năm gần đây khiến nhiều giếng làng ở ngoại thành Hà Nội đang dần bị rơi vào quên lãng. Khi việc xây dựng hệ thống nước sạch bắt đầu “phủ sóng” tới các làng quê, giếng làng vẫn tồn tại nhưng không còn giữ được vị trí đặc biệt của mình. Như KTS Phạm Thanh Tùng (Hội KTS Việt Nam) chia sẻ trong một cuộc tọa đàm, ở nhiều nơi, “thiết chế văn hóa” bị coi là đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Và, nếu may mắn vượt qua được những chi phối từ cơn sốt đất, giếng làng cũng chỉ được lưu giữ chủ yếu nhờ sự trân trọng, tiếc nuối ở lớp người ở độ tuổi trung niên trở lên.
Một số cuộc khảo sát ngắn tại các huyện quanh Hà Nội như Phú Xuyên, Đan Phượng, Thường Tín... cho thấy: một lượng lớn giếng làng từng có tại các địa phương này đã bị xóa bỏ hoặc chuyển đổi sang những chức năng khác hoàn toàn. Rất có thể, tình trạng ấy sẽ còn kéo dài, như một hệ quả từ sự thay đổi trong nhịp sống hiện đại.
Vài tháng trước, báo giới đã nhắc nhiều tới việc người dân xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) cùng vận động và đóng góp hàng trăm triệu đồng để phục dựng, tôn tạo giếng cổ Trọt Quan trên quê hương mình. Đó là một mốc son, nhưng chắc chắn không dễ có điều kiện lặp lại nhiều, trong việc giữ gìn và bảo tồn giếng cổ. Trước mắt, sự giáo dục và trao truyền niềm tự hào về giếng cổ tại các cộng đồng làng xã vẫn là hi vọng lớn nhất trong câu chuyện này...
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất