29/05/2019 07:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Sở Văn hóa thông tin TP HCM vừa có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng đề xuất bảo tồn một phần cây cầu đường sắt Bình Lợi để phát triển du lịch và phục vụ nghiên cứu về đường sắt.
Là cây cầu đầu tiên bắc ngang sông Sài Gòn, cầu sắt Bình Lợi được xây năm 1902 với nhịp tĩnh khá thấp (gây cản trở giao thông thủy) và đã xuống cấp trầm trọng. Hiện tại, để thay thế nó, một cây cầu sắt mới đã được xây dựng và sẽ hoàn thành trong tháng sau.
Một cây cầu gắn với lịch sử thành phố cần được bảo tồn thay vì tháo bỏ - ý tưởng ấy thật ra không mới và đã từng xuất hiện ở nhiều địa phương, với những “kịch bản” khác nhau.
5 năm trước, tại Hà Nội, khi quy hoạch tuyến đường sắt đô thị vượt sông Hồng, ngành giao thông cũng đã đưa ra ý tưởng di dời hoặc bỏ hẳn cầu Long Biên hiện tại để xây dựng một cây cầu mới . Ý tưởng ấy nhận về những phản ứng gay gắt từ phía dư luận và chuyên môn. Để rồi, sau rất nhiều cuộc họp, cây cầu tương lai được “đẩy” ra cách đó 75 mét, trong khi Long Biên dự kiến sẽ được bảo tồn thành một cây cầu đi bộ vượt sông Hồng.
Hoặc, năm 2016, khi cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập, người ta cũng không thể đếm hết những lời than tiếc dành cho cây cầu được xây dựng năm 1904 này. Được coi là một biểu tượng của Biên Hòa, đã có những ý kiến đề nghị thành phố nhặt “xác” những nhịp cầu cũ còn lại để sử dụng tại một vị trí thích hợp, sau khi một cây cầu mới được xây nên. Tương tự, khi được tháo dỡ vào tháng 4 vừa qua, cây cầu sắt Phú Long nối giữa TP.HCM và Bình Dương cũng nhận về những lời xuýt xoa tiếc nuối bởi “tuổi thọ” 106 năm của mình.
Thậm chí, có độ tuổi chỉ bằng… một nửa những cây cầu nói trên, cầu Nguyễn Văn Trỗi (xây năm 1965) tại Đà Nẵng cũng từng được hủy bỏ kế hoạch tháo dỡ để nghiên cứu dần trở thành một cây cầu đi bộ bắc qua sông Hàn trong tương lai.
Không có gì lạ trước những câu chuyện vừa kể. Dưới lớp vỏ công năng nối 2 bờ sông, những cây cầu ấy mang trong nó lịch sử, ký ức và bao giá trị văn hóa khác của mỗi đô thị. Như cách ví von của nhiều nhà văn, đó là những cây cầu nối con người với con người, nối thời gian với thời gian và cần được bảo tồn như một “chứng nhân” quan trọng của từng thành phố.
***
Trở lại câu chuyện cầu Bình Lợi. Rõ ràng, việc các cơ quan chức năng chủ động đề xuất bảo tồn (một phần) cây cầu này là một động thái rất tích cực trong xu thế bảo tồn hiện nay. Nhưng câu chuyện chưa dừng tại đó.
Nhìn sang những trường hợp đã có, ta sẽ thấy một thực tế: dù đã được lên kế hoạch bảo tồn, nhiều cây cầu cổ vẫn chưa thể trở thành một điểm nhấn văn hóa đúng nghĩa, so với giá trị lịch sử của mình. Bởi đơn giản, đó là công việc đòi hỏi một lộ trình dài, với sự tính toán và đầu tư hợp lý.
Chắc chắn, một cây cầu đi bộ không thể hình thành chỉ từ việc… ngừng cho xe cơ giới lưu thông. Kèm với nó phải là những câu chuyện về quy hoạch, bố trí tiện ích, tôn tạo cảnh quan để thu hút du khách… đi lên nó.
Giống như, để hình thành cầu đi bộ Long Biên, nhiều chuyên gia từng đề xuất cải tạo chợ đầu mối hoa quả và không gian xanh ở 2 đầu để trở thành những điểm đến hấp dẫn. Hoặc với cầu Ghềnh, nếu dự định dựng lại một phần cây cầu được triển khai, chắc chắn công trình ấy phải gắn kết với dải đất Cù Lao Phố - vốn là thương cảng sầm uất nhất Đàng Trong ở thế kỷ XVIII, nghĩa là bản thân khu vực này phải được tôn tạo và bảo tốn sao cho hợp lý.
Bảo tồn một phần cây cầu mới chỉ là phần khởi đầu cho những nỗ lực cần có sau đó, để kiến trúc này thật sự trở thành với văn hóa bản địa, với vùng đất và con người mà nó đang tồn tại. Và những trường hợp đó không thể áp dụng cách bảo tồn cứng nhắc với tư duy bao cấp, mà cần có cơ chế hợp lý để thu hút các nguồn lực khác nhau của xã hội.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất