11/02/2025 06:13 GMT+7 | Văn hoá
Chùa Vẽ tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bất ngờ gặp hỏa hoạn vào rạng sáng 10/2 - đó là sự kiện nổi bật trong dòng thời sự chủ lưu vừa qua. Theo những thông tin ban đầu, dù không gặp thiệt hại về người nhưng phần mái và một phần lớn kiến trúc gỗ của ngôi chùa này đã bị thiêu rụi.
Không ngạc nhiên, khi vụ cháy này khiến cộng đồng bất ngờ và tiếc nuối: Chùa Vẽ là công trình kiến trúc cổ giàu giá trị (được cho là xây dựng từ 3 thế kỷ trước) và đã được công nhận Di tích quốc gia từ cách đây 30 năm.
Ở thời điểm hiện tại, những thiệt hại của chùa Vẽ còn đang tiếp tục được kiểm đếm. Tuy nhiên, rõ ràng, việc một số kiến trúc gỗ - cộng cùng nhiều hiện vật có giá trị - bị hủy hoại là một tổn hại lớn của di tích quốc gia này, cả từ góc độ giá trị văn hóa lẫn nghiên cứu khoa học.
Và nếu nhìn lại, trong những năm gần đây, việc các di tích có giá trị tại trên toàn quốc thiệt hại vì hỏa hoạn cũng không phải là chuyện lạ.
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Đơn cử, chỉ trong năm 2024 vừa qua, 3 vụ cháy lớn đã gây hư hại nặng cho các chùa Thuyền Lâm (Huế), Phật Quang (Hà Nam) và Phổ Quang (Phú Thọ). Trong đó, chùa Phổ Quang là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cũng là nơi lưu giữ bảo vật quốc gia là Bệ đá hoa sen thời Trần (cũng bị nứt vỡ một góc trong vụ cháy).
Xa hơn, vào năm 2022, đó là vụ cháy phá hủy phần hậu cung cùng một số hiện vật của đền Phụ Quốc (Di tích quốc gia tại Bắc Ninh), và đặc biệt là vụ cháy gây hư hại một phần mái ngói của Quốc Tử Giám tại Huế.
Rồi, nếu kể rộng hơn, chúng ta có thể nhắc tới các vụ hỏa hoạn năm 2015 tại chùa Bút Tháp (Di tích quốc gia đặc biệt tại Bắc Ninh) và tại chùa Long Sơn - ngôi chùa được cho là thuộc top cổ nhất Hải Phòng. Hoặc cho đến giờ, vụ cháy chùa Dơi (Di tích quốc gia Sóc Trăng) năm 2007 vẫn được cho là 1 trong những vụ cháy gây thiệt hại nhất, vì hủy hoại phần chính điện của ngôi chùa thuộc loại có giá trị nhất miền Tây…
Sẽ còn nhiều điều để nói thêm về các vụ cháy di tích - cũng như vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại chùa Vẽ ở Bắc Giang. Nhưng chắc chắn, như lời nhiều chuyên gia, những di tích sử dụng hệ kiến trúc gỗ này thường có một đặc điểm chung: Vô cùng nhạy cảm với hỏa hoạn do phần gỗ khô lâu năm và quét sơn dễ bắt lửa.
Ở một góc độ khác, các công trình này (thường gắn với tín ngưỡng, tôn giáo) đa phần sử dụng tường bao và phân bố theo từng cụm cấu trúc lệch nhau, nên dễ gây khó khăn khi xe cứu hỏa cần tiếp cận trong sự cố.
Có nghĩa, việc phòng chống hỏa hoạn luôn phải là một hạng mục quan trọng việc bảo tồn các di tích cổ nói chung. Đó không chỉ là chuyện về lắp đặt hệ thống phòng cháy, đảm bảo an toàn tối đa về đường điện hay hạn chế đưa những đồ cúng tiến dễ bắt lửa vào di tích, mà còn là yêu cầu rất cao về ý thức của cộng đồng lẫn người trong cuộc, để có thể hạn chế hỏa hoạn từ bất cứ lý do gì…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất