26/10/2021 07:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Gần như trong cùng một tuần lễ, chúng ta liên tiếp nhận được thông tin mới về kế hoạch xây dựng các hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận các danh hiệu Di sản Thế giới tại Việt Nam.
Cụ thể, tại An Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ vừa giao địa phương này phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê. Rồi, ở lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể, Bộ VH,TT&DL cũng vừa được phép phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai lập hồ sơ trình UNESCO đối với 2 di sản: Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng và Võ cổ truyền Bình Định.
Chưa hết, tại Lạng Sơn, lãnh đạo địa phương cũng vừa có buổi họp xem xét dự thảo đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nếu thuận lợi, hồ sơ về công viên địa chất rộng gần 3850km2 tại địa phương này sẽ được hoàn thành để trình lên UNESCO vào cuối năm tới.
Chắc chắn, đó là những tin vui cho chúng ta, sau quãng thời gian u ám và căng thẳng vì dịch Covid-19 như vừa rồi. Và, nói góc độ rộng, sự quan tâm của cơ quan chức năng tới văn hóa ngay sau đại dịch cũng là một minh chứng điển hình về vị trí đặc biệt của nó, trong vai trò động lực phát triển của xã hội.
Riêng với những di sản được UNESCO công nhận, chúng ta đã có gần 3 thập niên để “làm quen” với vấn đề này - kể từ sau lần vinh danh đầu tiên với Quần thể di tích Cố đô Huế vào năm 1993. Để rồi hiện tại, với 9 danh hiệu Di sản Thế giới, 13 danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể, 7 danh hiệu Di sản tư liệu Thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Việt Nam đã có một “bộ sưu tập” khá đồ sộ và tương xứng với bề dày văn hóa - lịch sử của mình.
Cũng cần nói thêm, những thành quả đó không chỉ là câu chuyện của danh xưng. Ở nhiều trường hợp, những di sản được công nhận đã phát huy khá tốt thương hiệu của mình và trở thành động lực để vực dậy cả một nền du lịch của những địa phương đang sở hữu nó. Ngoài một Cố đô Huế đã có truyền thống từ lâu về du lịch, việc vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đang trở thành “hạt nhân” để địa phương chuyển đổi kinh tế từ “có khói” sang “không khói” là ví dụ điển hình.
Hoặc, cũng không thể phủ nhận, nhiều di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO vinh danh cũng đã phần nào thoát khỏi cảnh ngộ từng bị “bỏ quên” trong nhịp sống hiện đại và dần được quan tâm qua các dự án đầu tư, khôi phục, bảo tồn... như trường hợp của ca trù hay hát xoan Phú Thọ.
Trở lại với những di sản được đề xuất lập hồ sơ trong tuần qua. Khá thú vị, 4 cái tên ấy rải đều theo chiều dài của Việt Nam, kể từ vùng núi phía Bắc (Lạng Sơn), khu vực đồng bằng (chèo Bắc Bộ), tới miền Trung (Bình Định) và Tây Nam Bộ (An Giang).
Và, những danh hiệu được kỳ vọng ấy chắc chắn cũng sẽ là động lực phát triển lớn cho những di sản này, khi mà Lạng Sơn vẫn là một địa phương nghèo vùng cao, còn nghệ thuật chèo phía Bắc đang lận đận trên con đường tìm khán giả. Tương tự, nếu được công nhận, võ cổ truyền Bình Định sẽ là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam có liên quan tới võ thuật, trong khi toàn khu vực phía Nam hiện giờ vẫn chưa có một Di sản văn hóa Thế giới nào.
Tất nhiên, để được như vậy, chúng ta sẽ phải có một quãng thời gian dài để đầu tư xây dựng các hồ sơ với tất cả vốn kinh nghiệm từng có của mình, và xa hơn, là kế hoạch bảo tồn và phát huy các di sản ấy một cách khoa học và nghiêm túc.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất