Góc nhìn 365: Kỳ vọng về "nhịp cầu" lý luận phê bình

26/11/2024 07:12 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 23/11 vừa qua, tọa đàm "Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng, giải pháp" đã diễn ra tại TP.HCM.

Tại sự kiện này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đã có những phân tích về thực trạng tình hình lý luận phê bình trong văn học nghệ thuật ở TP.HCM hiện nay. Theo đó, dù có một số biến chuyển tích cực, lĩnh vực này trong thời gian qua vẫn còn một số điểm yếu cả về chất lượng và số lượng.

Thực ra, bên cạnh phân tích của các chuyên gia trong tọa đàm, từ hàng ghế của khán giảvà công chúng thưởng thức nghệ thuật, chúng ta cũng có thể cảm nhận rõ phê bình văn học nghệ thuật hiện nay đang kém đi phần sôi động.

Sự hạ nhiệt trong hoạt động phê bình có lẽ đến từ việc tâm lý chung của công chúng ngày nay đang quen dần với những "review nhanh" phát triển cùng thời đại công nghệ thông tin.

Góc nhìn 365: Kỳ vọng về "nhịp cầu" lý luận phê bình - Ảnh 1.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Ở thời điểm hiện tại, trên các nền tảng mạng xã hội, ta có thể thấy vô vàn các thước phim "review" tất tần tật mọi thứ, trong đó có những sản phẩm văn học nghệ thuật. Ưu điểm của loại hình "phê bình nhanh" này là nhấn mạnh vào yếu tố nghe nhìn, thu hút người xem - nghe, thể hiện cảm xúc trực tiếp... Kiểu phê bình này thành công nhờ hiệu ứng lan tỏa, gây được sự tò mò cho công chúng.

Còn nhớ, với hiện tượng phim Đào, phở và piano vừa qua, đã từng có ý kiến cho rằng: Thành công về doanh thu của bộ phim này được khởi phát từ một thước phim "review" trên nền tảng mạng xã hội.

Trong khi đó, mọi tác phẩm phê bình đều cần có độ lùi nhất định, để quan sát đánh giá, và những phân tích này không chỉ giúp cho công chúng nhìn nhận tác phẩm mà còn giúp những người làm sáng tạo nghệ thuật thấy được phản hồi của công chúng, rút ra những kinh nghiệm quý báu cho những sáng tạo kế tiếp.

Do đó, những tác phẩm, bài viết phê bình nghệ thuật thường khá trực diện, sâu sắc, đòi hỏi có nền tảng kiến thức học thuật. Trên cương vị một nhà phê bình nghệ thuật, đội ngũ những người làm công tác này không chỉ cần có kiến thức mà còn cần sự công tâm, sòng phẳng và không thiên kiến.

Vì những lý do đó, đôi khi mối quan hệ giữa nhà sáng tạo và nhà phê bình không được "cơm lành canh ngọt". Nhưng nó không phải là mối quan hệ mâu thuẫn mà là bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển.

Để nền văn học nghệ thuật phát triển sôi động bên cạnh nhiều yếu tố khách quan, vẫn cần một nền phê bình văn học nghệ thuật sôi động, vừa đảm bảo tính thời sự vừa đảm bảo yếu tố học thuật, đủ sức nhìn nhận được cái hay, cái dở của tác phẩm và chỉ cho công chúng cái hay, cái dở đó.

Trong thời buổi mà các tác phẩm văn học nghệ thuật tiếp nhận nhiều xu hướng trên thế giới, đa dạng, phong phú về hình thức, cách thể nghiệm... nhà phê bình văn học nhiều khi phải là "bộ lọc" đầu tiên, người đầu tiên can đảm đọc, xem, nghe… để có thể bắc một nhịp cầu đến công chúng.

Cũng như, khi xuất hiện tranh cãi xung quanh một tác phẩm nghệ thuật, công chúng rất cần nghe tiếng nói của chuyên gia, nhà phê bình. Những tiếng nói này giúp cân bằng lại tình huống, tránh để cho những tranh cãi đi quá xa, vượt khỏi khuôn khổ văn học nghệ thuật.

Trong tiến trình phát triển một nền công nghiệp văn hóa, hãy tin chắc rằng chúng ta không thể thiếu sự song hành của phê bình. Với tốc độ vận động của các hình thức, loại hình nghệ thuật như hiện nay, công chúng kỳ vọng ở giới phê bình sự nhanh chóng hơn, kịp thời hơn mà vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp, sâu sắc.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm