27/02/2020 08:02 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) năm nay ngẫu nhiên đúng vào thời điểm cả nước đang cùng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong cuộc chiến này, các thầy thuốc của chúng ta đang gánh trên vai tất cả hi vọng của cộng đồng. Họ thực sự là những người anh hùng.
Thay cho những lời chúc mừng họ, tôi lại muốn nhắc tới bộ phim Thầy lang - một tác phẩm điện ảnh của Ba Lan. Nhân vật chính trong phim, Rafal Wilczur là một giáo sư y khoa nổi tiếng của Ba Lan, có một cuộc sống thành đạt và một gia đình hạnh phúc. Để rồi chỉ sau một đêm, cuộc đời ông đã rẽ sang lối khác...
Đó là thời điểm người vợ mà Rafal rất mực yêu thương bỏ ra đi. Ông bị mất trí nhớ, lang thang và dừng chân tại cối xay bột của lão Krokop. Chứng kiến cậu chủ Wasil bị tàn tật, hàng ngày sinh hoạt rất khó khăn, tình thương con người cũng như “bệnh nghề nghiệp” trong ông trỗi dậy. Với tình thương yêu ấy, cùng với chuyên môn sẵn có, ông đã chữa trị thành công, giúp cậu chủ Wasil trở lại bình thường. Bản thân ông sau ca chữa bệnh ấy cũng tìm lại được chính mình...
Thầy thuốc phải như thế: Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, những ca bệnh hiểm nghèo, thiên chức nghề nghiệp trong họ sẽ trỗi dậy để ra tay giúp đỡ, không phân biệt bệnh nhân đó là ai.
***
Nói về thầy thuốc, tôi nhận thấy điều mà mọi người hay nhắc đến việc nghề này có thu nhập cao, được tôn trọng, không sợ thất nghiệp… Có lẽ những quan niệm ấy cũng chỉ là một góc nhìn.
Thực tế hiện nay cho thấy, nghề “Thầy thuốc” không hẳn chỉ toàn màu hồng. Đọc báo, chúng ta đều biết: Nghề này không hiếm gặp những ca phẫu thuật kéo dài hàng giờ liên tục không nghỉ, không hiếm thời điểm phải làm việc liên tục nhiều ngày. Thêm vào đó, phải kể tới cả những áp lực về tinh thần từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Là con người, chắc chắn ai cũng sẽ mệt mỏi và cực kỳ căng thẳng trong những thời điểm ấy.
Câu chuyện về những bác sĩ Việt Nam đang tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, cũng như tấm gương của 6 y bác sĩ đã hi sinh vì dịch SARS tại bệnh viện Việt - Pháp cách đây 17 năm, là ví dụ điển hình.
***
Tôi đọc được chia sẻ của một bác sỹ rằng: Sinh lão bệnh tử đó là quy luật của đời người. Cuộc đời con người từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay, có biết bao nhiêu khó khăn thử thách phải trải qua và gánh chịu. Trong đó, bệnh tật là một trong những khó khăn lớn nhất của đời người phải vượt qua. Người có vinh hạnh hay trách nhiệm lớn lao - được chia sẻ với con người trong những thời khắc khó khăn đó và được xã hội tôn vinh - đó chính là “Thầy thuốc”.
Cũng chính nhờ cái thời khắc “chiến thắng bệnh tật, giành lại sự sống” này, rất nhiều bệnh nhân luôn ghi nhớ và mong muốn thể hiện tấm lòng biết ơn với các thầy thuốc. Có thể là những món quà ý nghĩa, cũng có khi là những sản vật quê, chứa đựng tình người...
Giữa những món quà ấy, tôi muốn nhắc lại một trường hợp đặc biệt, với lá thư gửi các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy của hai bệnh nhân Trung Quốc cuối tuần qua. Bức thư gắn với là câu chuyện của gia đình anh Li Zichao đến từ Vũ Hán (Trung Quốc). Hai cha con anh bị nhiễm Covid-19, sau khi được đưa vào chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, đã khỏi bệnh và xuất viện.
Vô cùng cảm kích trước những nghĩa cử tốt đẹp của các bác sỹ và nhân viên bệnh viện, anh đã viết thư cảm ơn với những lời tốt đẹp: “… Chúng tôi hiểu rằng chính lòng tốt của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ trái tim của chúng tôi: Cảm ơn Việt Nam! Cảm ơn tất cả các bác sĩ và điều dưỡng trong Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc chúng tôi rất tốt...
Chúng tôi khắc ghi tận đáy lòng về chuyên môn điều trị và việc cẩn thận cho thuốc của các bạn dành cho chúng tôi. Đặc biệt, bác sĩ đã cho ba tôi uống thêm 10 ngày thuốc khi ông xuất viện. Sự tử tế và hành động cẩn thận như vậy khiến chúng tôi thật cảm động…”
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin mượn những lời cảm ơn từ gia đình anh Li Zichao để làm món quà gửi tới các y bác sĩ của chúng ta, những người đang thực thi thiên chức mà xã hội giao cho mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất