07/07/2020 07:10 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Câu chuyện “ngồi lên san hô” của 2 ca sĩ Quang Vinh và Phạm Quỳnh Anh vừa tạm khép lại.
Vài ngày trước, trên trang Youtube cá nhân, Quang Vinh đã chia sẻ clip ghi lại hành trình trải nghiệm của mình cùng đồng nghiệp - ca sĩ Phạm Quỳnh Anh - tại bãi biển Phú Quốc. Tại đó, một chi tiết tưởng nhỏ bỗng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng: hai ca sĩ có lúc ngồi lên một khối san hô sống trong quá trình quay clip.
Lập tức, hàng loạt lời chỉ trích về hành động này đã được cộng đồng đưa ra trên không gian mạng.
Thậm chí, 2 nghệ sĩ còn nhận được sự góp ý từ Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển thuộc nhóm Cứu hộ sinh vật biển hoang dã SASA (SST) về khả năng làm tổn thương một loại sinh vật biển nhạy cảm như san hô từ sự vô ý của mình.
Để rồi, sau tất cả những ý kiến ấy, cũng tới lúc, Quang Vinh và Quỳnh Anh chính thức đưa ra lời xin lỗi về sự thiếu ý thức của mình, kèm theo đó là lời khẳng định sẽ xóa phần hình ảnh liên quan tới nó trong clip.
Câu chuyện đã có thể tạm dừng và để lại ít nhiều dư âm tích cực về sự bảo vệ của cộng đồng với san hô cũng như môi trường biển. Nhưng, để coi nó là một kết thúc hoàn hảo thì chưa đủ.
Bởi, sự thiếu ý thức mà 2 ca sĩ này gây ra không phải là trường hợp cá biệt. Đó là sự lặp lại của một câu chuyện đã diễn ra từ rất lâu, với những kịch bản muôn hình vạn trạng trong cách mà chúng ta xâm hại tới san hô.
Chỉ vài tuần trước vụ việc của Quang Vinh, vào giữa tháng 6, tại đảo Phú Quý (Phan Thiết), một chàng thanh niên còn... đi xa hơn 2 ca sĩ này. Anh bẻ một nhánh san hô còn sống đem lên bờ, quay lại clip để khoe trên không gian mạng như một chiến tích - và thậm chí, còn rất hồn nhiên “cãi cùn” khi bị cộng đồng chỉ trích.
Rồi, 1 tháng trước nữa, tại khu du lịch Hang Rái (Ninh Thuận), câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi một clip ghi cảnh bẻ san hô được đưa lên mạng. Đáng chú ý, nhân vật chính trong clip là một... hướng dẫn viên du lịch và thực hiện hành vi này trong lúc đưa du khách đi tham quan.
Còn, nếu nói tới những trường hợp gây bức xúc nhất, hẳn nhiều người sẽ còn nhớ hình ảnh những túi san hô gạc, san hô nai, san hô trứng, san hô đĩa… bị vứt ngổn ngang bên đường tại Côn Đảo vào tháng 4/2019. Đó là những bức ảnh được người đi đường bức xúc chụp lại, khi chứng kiến một đoàn du khách bẻ san hô mang về, sau đó biết tin không được phép mang những túi san hô này lên máy bay nên vứt lại một cách thản nhiên.
Như thế, chuyện xâm hại và thiếu ý thức với san hô diễn ra một cách tự nhiên, bởi rất nhiều người - gồm cả du khách lẫn phía tổ chức tour - không hề có nhận thức về việc xâm hại môi trường và các hệ sinh thái biển.
Sự thực, tại rất nhiều điểm du lịch tại Việt Nam, nạn xâm phạm san hô đã xảy ra từ lâu, như hệ quả tất yếu cho một giai đoạn mà chúng ta quá đặt nặng việc khai thác này vào mục đích sinh kế. Để rồi, đến giai đoạn hiện tại, nhiều địa phương đã quay sang tiến hành những biện pháp cấy ghép, ươm trồng san hô với hy vọng khôi phục lại phần nào nguồn tài nguyên bị tổn hại này.
Với tất cả những gì đã xảy ra, câu chuyện của những rặng san hô không thể chỉ là vấn đề của từng vụ việc đơn lẻ. Đó phải là câu chuyện của các giải pháp giáo dục và nâng cao nhận thức, để không một ai tự cho phép mình thờ ơ hoặc đứng ngoài cuộc trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên mà thiên nhiên đã mang lại cho chúng ta.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất