23/03/2021 10:45 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Thông tin về việc Hà Nội có thể bỏ ga metro (tàu điện ngầm) C9 tại Hồ Gươm đang gây sự chú ý đặc biệt.
Cụ thể, trong tuần qua, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu 3 phương án liên quan tới ga ngầm dự kiến này. Theo đó, vắn tắt, phương án 1 yêu cầu điều chỉnh thiết kế để ga C9 không nằm vào vùng bảo vệ của Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn; phương án 2 giữ nguyên quy hoạch cũ và phương án 3 đề nghị bỏ hẳn ga C9 trên tuyến đường này.
Đây là lần đầu tiên, Hà Nội tính tới phương án bỏ ga C9, sau rất nhiều tranh luận và phản biện từ giới chuyên môn.
Kể từ khi được đề xuất xây dựng vào năm 2006, ga ngầm C9 đã trải qua tròn 15 năm gây tranh cãi bởi vị trí đặc biệt nhạy cảm của nó, khi nằm sát không gian di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm. Dù từng được điều chỉnh một lần, địa điểm được chọn hiện tại (cách mép Hồ Gươm khoảng 10 mét và rất gần các kiến trúc Tháp Bút, đền Bà Kiệu...) vẫn khiến nhiều người lo ngại về các tác động tới địa chất và hệ sinh thái tại đây trong quá trình thi công, vận hành.
Bên cạnh đó, với sức tải lớn, việc lượng khách từ tuyến metro được “đổ bộ” trực tiếp ngay tại khu trung tâm Hồ Gươm cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc và phá vỡ không gian đặc thù của Hồ Gươm. Bởi thế, không chỉ các chuyên gia, Bộ VH,TT&DL cũng đã từng vài lần có công văn đề nghị Hà Nội điều chỉnh vị trí ga C9.
Từ tất cả những lo lắng ấy, có thể thấy việc tính tới khả năng bỏ ga C9 như của Hà Nội là một động thái tích cực: Chúng ta ưu tiên tuyệt đối cho việc bảo vệ di sản và không chấp nhận những phương án giao thông tiềm ẩn khả năng tác động xấu tới Hồ Gươm.
***
Nhưng, ai cũng biết, việc bỏ ga C9 chỉ là lựa chọn cuối cùng. Bởi, sẽ là lãng phí và đáng tiếc, nếu Hà Nội xây dựng một tuyến tàu điện ngầmđi qua khu vực Hồ Gươm nhưng lại không tạo ra bất cứ hiệu ứng tích cực nào cho không gian này.
Tại nhiều di tích trên thế giới, sự xuất hiện của những ga metro là rất phổ biến. Bên cạnh việc giúp du khách tiếp cận di tích một cách thuận tiện, nhanh chóng và đúng giờ, đó cũng là giải pháp để giảm lượng xe cơ giới, tránh ô nhiễm môi trường và mở ra thêm những không gian cho người đi bộ. Có nghĩa, vấn đề nằm ở quy hoạch và thiết kế kĩ thuật, để tìm sự hài hòa giữa việc bảo tồn di tích và thiết lập phương tiện giao thông hiện đại này.
Thực tế, trong những năm qua, một số ý tưởng điều chỉnh ga C9 cũng đã được nhắc tới, với những vị trí khác tại khu vực phía sau tượng đài Cảm tử quân, trước tượng đài Lý Thái Tổ hay trước nhà Bưu điện. Để rồi, các ý tưởng này đều khó khả thi bởi nhiều lý do về vị trí chật hẹp, yếu tố thẩm mỹ hoặc giá đất bồi thường cao.
Nhưng, việc khắc phục nhược điểm này không phải bất khả thi. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: Do những ràng buộc về kĩ thuật và hướng tuyến, cái khó của ga C9 là việc chỉ có thể “quẩn quanh” tìm một vị trí quanh trục đường Đinh Tiên Hoàng. Và để giải quyết tận gốc vấn đề, cần điều chỉnh “nắn” lại hướng tuyến metro qua Hồ Gươm cho phù hợp hơn.
Theo đó, thay vì đi xuyên khu phố cổ qua Hồ Gươm, tuyến metro từ vườn hoa Hàng Đậu nên được đi vòng ra đường Trần Nhật Duật, tiếp đó qua Nguyễn Hữu Huân hoặc Trần Quang Khải trước khi nhập về hướng tuyến cũ để ra phố Trần Hưng Đạo. Nếu thay đổi theo hướng này, ga C9 có thể đặt ở vườn hoa Con Cóc hoặc cuối phố Trần Nguyên Hãn. Và, khoảng cách 200- 400 mét đi bộ vừa đủ giữ được sự yên tĩnh của mặt hồ, vừa tạo khoảng lùi để phân tán hành khách từ ga ra những hướng khác nhau.
Ở thời điểm mà sự tồn tại của ga C9 được đặt ra, mọi đề xuất và phương án điều chỉnh vị trí của công trình này có lẽ đều xứng đáng để được xem xét tổng thể – cho dù nó sẽ khiến chúng ta phải kéo dài thêm thời gian chờ đợi. Nhưng, với giá trị của Hồ Gươm, việc chờ đợi ấy là một sự kiên nhẫn hợp lý cần thiết.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất