17/09/2020 06:35 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Chúng ta vừa bước qua một thời điểm đặc biệt – thời điểm kỉ niệm tròn 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Cột mốc ấy vừa diễn ra vào ngày hôm qua 16/9 – cho dù, những hoạt động kỉ niệm ngày mất của tác giả Truyện Kiều sẽ còn kéo dài hết năm 2020.
Và, cũng cần nhắc lại, Nguyễn Du là một trong số các danh nhân Việt Nam được UNESCO tôn vinh trên toàn thế giới. Cụ thể, năm 2013, nhân kỷ niệm 250 năm Nguyễn Du tổ chức này đã thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia cùng tổ chức vinh danh ông và 92 nhân vật khác trong 2 năm 2014- 2015. Tất cả những nhân vật này đều được coi là có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới thế giới cũng như khu vực.
... Đáng nói, theo tiêu chí của UNESCO, các danh nhân được đưa vào danh sách phải có đóng góp lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên - xã hội và thông tin. Đặc biệt, trong nhiều năm gần đây, UNESCO đã “siết” lại tiêu chí về thời gian, theo đó việc kêu gọi thế giới kỷ niệm danh nhân phải trùng với bước tuổi 50 so với năm sinh hoặc năm mất của danh nhân đó.
Nói cách khác, ngoài những di sản để lại, các nhân vật nằm trong danh sách được UNESCO và các quốc gia thành viên tôn vinh còn cần gặp thêm với một chút “duyên” về thời điểm kỉ niệm.
Trước trường hợp của Nguyễn Du, Việt Nam cũng đã có 2 danh nhân được UNESCO tôn vinh theo hình thức này là Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi vào năm 1980 (nhân kỉ niệm 600 năm sinh) và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990 (nhân kỉ niệm 100 năm sinh).
Đặc biệt, danh nhân thứ tư của Việt Nam được UNESCO chọn vinh danh là câu chuyện còn khá mới. Cụ thể, hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An cùng với 48 hồ sơ khác đã được Hội đồng chấp hành của UNESCO thông qua vào năm 2019. Và theo kế hoạch, các sự kiện kỉ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân này (1370 – 2020) sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay, bao gồm lễ kỷ niệm cùng các hoạt động trưng bày về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của ông với nền giáo dục nước nhà.
***
Thực tế, việc UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh nhà giáo Chu Văn An ít nhiều vẫn chưa được dư luận chú ý. Một phần, điều này đến từ việc sự kiện này mới chỉ được bắt đầu từ hơn một năm qua. Một phần khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động tôn vinh của UNESCO cũng đã phải thay đổi kế hoạch, so với dự kiến.
Nhưng, nếu nhìn ngược lại đời sống văn hóa- giáo dục Việt Nam, chúng ta cũng không khó nhận thấy: Từ rất lâu, danh nhân Chu Văn An đã mặc định được coi là biểu tượngmẫu mực cho tài năng và nhân cách của người thầy giáo - và rộng hơn là cho những gì tốt đẹp, thuần khiết nhất trong lịch sử giáo dục.
Minh chứng cho điều này chính là một sự kiện từng diễn ra cách đây gần... 10 năm, khi các chuyên gia của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) từng đề nghị các cơ quan chức năng có văn bản chính thức công nhận nhà giáo Chu Văn An là người thầy muôn đời của nền giáo dục Việt Nam - kèm theo đó là nghi thức sinh viên các trường sư phạm dâng hương và tuyên thệ trước tượng thầy Chu Văn An khi mới vào trường và lúc tốt nghiệp, cũng như đăt tượng hoặc hình ảnh kèm tiểu sử thầy Chu Văn An tại phòng truyền thống các trường học.
Dù chưa trở thành hiện thực vì nhiều lý do, ý tưởng trên vẫn nhận được sự đánh giá cao của nhiều nhà chuyên gia và sử học, với lời khẳng định: Trên thực tế, thầy Chu Văn An là “vạn thế sư biểu" trong lòng dân tộc Việt từ bao đời nay.
Để rồi bây giờ, khi UNESCO chính thức vinh danh Chu Văn An, với lời khẳng định rằng triết lý giáo dục của ông có giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện tại, chẳng có lý do gì mà chúng ta lại không hưởng ứng và mở rộng tầm hiểu biết tới cộng đồng về một cái tên như thế...
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất