Góc nhìn 365: Từ phở đến… phở Nam Định

04/06/2024 06:59 GMT+7 | Văn hoá

"Rất khó có tên gọi nào bao quát hết tính chất và đặc trưng của Phở Nam Định, Tôi nghĩ, chỉ cần đặt tên thật ngắn gọn là… Phở Nam Định, còn mọi nội dung sẽ phụ thuộc vào phần mô tả diễn giải". Đó là ý kiến của PGS Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) về tên gọi tương lai của "di sản" Phở Nam Định, trong một cuộc hội thảo cuối tuần qua.

Cần nhắc lại, việc xây dựng hồ sơ đưa Phở Nam Định vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cũng đã được địa phương này triển khai từ rất sớm.

Như những gì được chia sẻ, phở đã có từ rất lâu đời tại thành Nam. Đơn cử, theo nhà báo Trần Duy Hưng (sinh ra tại huyện Nam Trực), chỉ riêng làng Vân Cù tại địa phương này đã có những người đầu tiên làm nghề phở vào đầu thế kỷ 20.

Để rồi, qua hơn 100 năm phát triển, làng Vân Cù hiện có đến 70% số lao động đang làm nghề bán phở ở cả nước và ở nước ngoài. Tương ứng, người làng Vân Cù hiện tạo lập được 105 quán phở (trong đó có những chuỗi quán tại Hà Nội) và 20 cơ sở sản xuất bánh phở, hàng ngày cung cấp khoảng 80% lượng bánh phở tiêu thụ ở Hà Nội.

Góc nhìn 365: Từ phở đến… phở Nam Định - Ảnh 1.

Phở Nam Định. Ảnh: Internet

Hoặc, theo thống kê của bảo tàng Nam Định, hiện địa phương này có khoảng 300 cửa hàng bán phở phân bố khắp 10 huyện, thành phố, trong đó có những cửa hàng đã qua 2 - 3 thế hệ theo nghề, với tuổi đời từ 30 - 50 năm. Đồng thời, theo sự phát triển của phở, Nam Định cũng hình thành nhiều dòng họ và nhiều làng bán phở, trong đó có những xã có tới gần 600 người bán phở như Nam Thái, Đồng Sơn.

Từ khi xuất hiện, nghề làm phở ở Nam Định chỉ thấy "thăng", chưa thấy "trầm" - nhận xét của nhà báo Trần Duy Hưng cho thấy sức sống của "thương hiệu" Phở Nam Định, tại địa phương này và cả mọi đô thị lớn trên toàn quốc.

***

Lịch sử, cũng như những số liệu được dẫn, khiến ta tin rằng mỗi bát phở tại Nam Định là rất nhiều số phận, câu chuyện và tri thức dân gian.

Nói cách khác, đó cũng chính là những yếu tố tạo nên một di sản văn hóa, kể từ những bí quyết riêng để chế biến phở, sự trao truyền theo các thế hệ để tạo thành "bản đồ Phở Nam Định" trên cả nước, rồi cả cách thưởng thức - khi đã có những ý kiến khẳng định: Phở là cầu nối gắn kết con người, gắn kết cộng đồng. Bởi, dù là người thành Nam đi xa lâu ngày trở về, hoặc bạn bè thân thích tìm tới Nam Định, phía "chủ nhà" vẫn thường mời đi thưởng thức phở.

Thực tế, nhiều năm qua, một số loại hình ẩm thực đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng (Tây Ninh); nghề muối Ba Khía (Cà Mau), nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre), nghề làm nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng). Phở Nam Định, với những gì đang có, cũng cho thấy tiềm năng để xuất hiện trong danh sách này.

Và nhìn rộng hơn, khi một thành phố khác là Hà Nội cũng đang lên kế hoạch lập hồ sơ xếp hạng cho "Phở Hà Nội", chúng ta cũng đã bước đầu thấy những tín hiệu vui về ý tưởng trình UNESCO xét danh hiệu Di sản thế giới cho "Phở Việt Nam", như nhiều chuyên gia từng đề xuất.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm