14/03/2013 07:30 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Khi Messi hai lần vung chiếc chân trái kì diệu lên sút bóng ở hiệp một, trước mặt anh có quá nhiều cầu thủ Milan. Nhưng ngay cả khi những cánh cửa kiên cố nhất được dựng lên, nó vẫn chừa một khe hở cho ánh sáng của các thiên tài lọt qua. Thứ ánh sáng đã đưa Barca trở về từ địa ngục.
Giành lại sự sống...
Hẳn là đã có một cuộc “phẫu thuật thẩm mỹ” cho cả Barca và Messi. Chẳng ai nhận ra bộ mặt thiếu sinh khí của họ như tại San Siro. Giờ thì ai cũng hay, cũng tự tin, thanh thoát và đầy trách nhiệm. Roura đã ra dáng một HLV, đã đề ra những thay đổi đấu pháp thông minh và các học trò thực thi hiệu quả. Barca tấn công trên diện rộng, khoáng đạt, sẵn sàng sút xa, tạt bóng và đón lõng những pha bóng văng ra để uy hiếp tiếp. Chiến thuật ấy khiến Milan rối loạn trong triển khai bóng, nhưng không khiến họ rối loạn trong phòng thủ. Cần một chiến binh siêu việt hơn tất cả để cụ thể hóa ưu thế về thế trận và Messi lại “hiện ra” để làm cái việc khó nhất trong bóng đá: Ghi bàn mà không cần cơ hội rõ rệt!
Nhanh hơn những gì đối thủ kịp suy nghĩ, đấy là bàn thứ nhất. Messi đã đặt lòng sau các pha bật tường trung lộ chóng mặt mà rất nhiều người Milan chưa kịp hình dung điều gì tiếp theo thì Abbiati đã vào lưới nhặt bóng. Ở bàn thứ hai, khi Mexes biết Messi sẽ sút, anh không đủ sức để cản Leo. Messi có thừa kĩ thuật và tinh ranh để sút qua chân các hậu vệ. Từ lúc ấy, Barca đã làm chủ tất cả: Thiên thời, địa lợi nhân hòa. Chẳng gì cản nổi họ nữa.
Messi khỏe, và thế là đủ!
Để sáng tạo cần sự tự do và cảm xúc tích cực, trong thể thao, để chơi sáng tạo còn cần cả yếu tố thể chất. Chúng ta không phải Messi để biết trạng thái tinh thần của anh nhưng có thể tận hưởng sự sáng tạo khi xem Messi đá, nghĩa là Messi đang khỏe khoắn. Anh có mặt khắp nơi, Milan dường như không căng thẳng vì điều ấy khi họ đã bắt chết anh 2 tuần trước. Nhưng Messi đã nghỉ ngơi 60 phút tại Liga cuối tuần rồi và anh chơi khác xa vài trận trước. Cái việc tưởng như rất đơn giản để Messi bùng nổ trở lại là cho anh nghỉ ấy, lại trở thành việc khó làm của Pep, của Tito và cả Roura, cuối cùng Roura cũng đã làm. Khi Messi khỏe, anh xem quả bóng là bạn và muốn bảo nó bay đi đâu cũng được.
Milan biết Messi đáng sợ nhưng có lẽ họ cho rằng mình hiểu bài của Messi. Số 10 Barca ấy thực chất không phải là người khó bắt bài, có rất nhiều đội bóng bắt được cái bài như bóng đá vỉa hè ấy của anh: Rê bóng bằng má ngoài chân trái, quặt bóng đổi hướng để chuyền hoặc sút. Messi di chuyển thế nào và kết nối với ai, cũng đã có quá nhiều người hiểu. Nhưng đấy là khi anh mỏi mệt. Nếu sung sức, những kĩ năng tổng hợp của Messi được phát lộ đầy đủ và anh biến thành một thứ vũ khí hạt nhân: Nhanh hơn tất cả nửa bước chân, nửa giây suy nghĩ, một cú rướn người hay một cái chớp mắt quan sát. Vậy là thành bàn.
Bổ khuyết cho tất cả
Khi Alba ghi bàn khép lại trận cầu với Milan, người giành bóng từ sân nhà và phát động tấn công là Messi. Khi cần, anh năng nổ di chuyển từ vị trí tiền vệ phòng ngự tới trung phong cắm, đều đặn và vui vẻ như một cậu bé thích chạy từ nhà đến trường mỗi ngày. Messi giúp Busquets giành bóng, giúp Xavi và Iniesta luân chuyển bóng, hỗ trợ Alves và Alba phối hợp biên và sau cùng là trở về với vị trí “số 9” ảo. Barca không thể sống thiếu anh.
Tiki-taka là một ma trận các đường chuyền, nhưng chỉ có một đích đến sau cùng là Messi, người hiện thức hóa đỉnh cao của tiqui-taca. Thoắt ẩn, thoắt hiện, như một bóng ma với đối phương và như một thiên thần bảo hộ cho cả đội. Chẳng phải lúc nào anh cũng thành công, nhưng chưa ai ở Barca trách anh cả. Họ hiểu, Messi luôn làm hết sức, chỉ cần anh còn thở. Đêm San Siro, Messi biến mất, hôm qua, anh tái sinh. Không ai kiên cường như anh, trước những trọng trách với Barca, trước các đòi hỏi và chỉ trích đến vô lí về những cú đúp, hat-trick, và hãy nhớ lại những chuyến bay vượt đại dương từ Nam Mỹ về thứ Sáu và chủ nhật Messi đã xông ra sân. Nếu cần tinh thần chiến đấu, mới mẻ và trẻ trung? Messi là đáp án.
Đây mới là hai bàn thắng bằng bóng sống đầu tiên của Messi trước các đại diện từ Calcio. Sẽ còn nữa. Khi Niang bị cột dọc từ chối bàn thắng, Barca nên cám ơn thần may mắn, nhưng vị thần ấy nếu hiện hữu, có lẽ cũng thấy mình làm thế là phải đạo, để tất cả còn được có cái may mắn là xem Messi ra sân, trong đó có cả ông.
Huỳnh Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất