Dortmund vào chung kết sau 16 năm: Khi những dây thần kinh sắp đứt...

02/05/2013 07:18 GMT+7 | Đức

(giaidauscholar.com) - Dortmund một lần nữa lại khiến các khán giả phải thót tim với một trận bán kết nghẹt thở tới những phút cuối.

... thì Dortmund mới “phanh” cảm xúc của các khán giả lại. Đánh bại Real tới 4-1 ở lượt đi nhưng trong trận bán kết lượt về, đội bóng Vàng đen vẫn phải chờ tới khi trọng tài Howard Webb thổi tiếng còi mãn cuộc mới thở phào nhẹ nhõm cầm chiếc vé tới Wembley.

Dortmund quá ngây thơ?

Nếu thi đấu thực dụng hơn, Dortmund đã không rơi vào cảnh sống trong sợ hãi trong 7 phút cuối. Thông thường, với lợi thế tới 3 bàn, trong 10 phút cuối, các CLB đều giảm tốc độ trận đấu, thậm chí sử dụng tiểu xảo để câu giờ thay vì vẫn lao lên tấn công mỗi khi có bóng. Nếu áp dụng chiến thuật cù cưa này, Dortmund đã làm giảm được sự hưng phấn của Real và đội chủ sân Bernabeu sẽ khó lòng ghi được tới 2 bàn.

Thực tế, trước khi Karim Benzema khai thông bế tắc, hầu hết các cầu thủ Real, ngay cả siêu sao Cristiano Ronaldo, cũng có nhiều pha xử lý thiếu chính xác do tâm lý quá căng thẳng. Nếu HLV Juergen Klopp tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng ngự sớm hơn, kết cục trận đấu có thể đã sớm an bài. Nếu phản ứng một cách thông thường, sau khi Jose Mourinho tung Benzema và Kaka vào sân (phút 57), ông Klopp sẽ tăng cường nhân sự ngay cho hàng thủ thay vì 5 phút sau bàn thua thứ nhất mới cho “máy quét” Sebastian Kehl xung trận.

Có thể lấy Bayern làm ví dụ: Dù dẫn trước Barcelona 2-0 và có một thế trận rất an toàn, ngay từ phút 70, HLV Jupp Heynckes đã thay trung phong Mario Gomez bằng tiền vệ phòng ngự Luiz Gustavo.

Bóng đá phải như chất kích thích

Có gần 12 năm kinh nghiệm cầm quân, HLV Klopp có lẽ thừa hiểu những phương án nói trên. Với lực lượng đang có, Dortmund cũng đủ sức đá phòng ngự để bảo toàn tỷ số. Nên nhớ ở lượt đi, hàng thủ của Dortmund đã khóa chặt được gần như mọi đợt tấn công của Real và chỉ bị thủng lưới bởi một sai lầm cá nhân của Mats Hummels. Tuy nhiên, ông Klopp vẫn kiên quyết theo đuổi lối chơi tấn công cống hiến từ đầu tới phút 88 (khi bị nhận bàn thua thứ 2). Mỗi khi có bóng, Dortmund đều lao lên với tốc độ chóng mặt và ông Klopp chưa bao giờ có ý định hãm phanh các học trò.

Với ông Klopp, tỷ số, chiến thắng là điều quan trọng nhưng điều cốt lõi là phải chinh phục được khán giả: “Nếu cứ hai tuần có 80.000 người đến SVĐ mà thứ bóng đá ở đó gây ra sự chán chường thì một trong hai bên, đội bóng hoặc các CĐV, phải tìm một sân đấu mới”. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ El Pais, vị chiến lược gia này từng nói rằng chơi bóng cần phải cháy hết mình, phải biết phục vụ những khán giả đã lặn lội 800 km tới sân để cổ vũ đội nhà và tuyên bố “muốn 5 lần bóng trúng xà ngang còn hơn 4 lần định sút nhưng lại lưỡng lự rồi chẳng sút quả nào”.

Để theo đuổi triết lý của mình, ông Klopp đã chấp nhận mạo hiểm và Dortmund từng phải rơi vào những khoảnh khắc cận kề giữa cái chết và sự sống như trận bán kết lượt về vừa qua. Nhưng mặt khác, nó cũng gây cảm giác phấn khích cho khán giả, khiến họ luôn theo dõi, cổ vũ từng bước chân của Dortmund, trong cả những trận đấu mang tính thủ tục. Và nếu không có thói quen lao lên tấn công như thiêu thân này, chưa chắc Dortmund đã có thể làm nên cuộc lội ngược dòng không tưởng trước Malaga ở tứ kết.

Sự xuất hiện của một kẻ liều mạng, dám xả thân vì bóng đá đẹp như Dortmund thực sự là một làn gió mới, thổi vào thế giới bóng đá dường như đang nhàm chán đi với những toan tính quá chặt chẽ. Bất chấp kết quả của trận đấu, Dortmund chắc chắn sẽ luôn được nhớ tới bởi đã cống hiến cho khán giả một trận cầu đặc sắc và giàu cảm xúc.

Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm