Góc Yến Thanh: 'Lạnh gáy' không, Pháo thủ?

28/12/2014 14:05 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Trong màn mưa mù mịt phủ kín London, Arsenal đã thực sự cảm nhận được nỗi sợ hãi. Như ám ảnh về bóng tối của quá khứ. Như cú đấm bay vèo qua mang tai. Như thoáng lạnh gáy bởi họng súng trừng phạt kề sẵn trong những phút cuối cùng.

Trong một thế trận dễ thở, trước một đối thủ hầu như chẳng có chút phản kháng nào đáng kể, Arsenal đã làm gì? Tất cả đều muốn hỏi: Điều gì đã xảy ra với Giroud vậy? Vì sao một cầu thủ biết tiết chế và không hề hung hãn trên sân cỏ lại có một cách phản ứng quá nghiệp dư như thế?

Sanchez một mình gác vác bao trận nữa?

Có thể đó chỉ là phản ứng sợ hãi tức thời của một cầu thủ vừa trải qua chấn thương. Nhưng xa hơn, đó chính là sự dồn nén nguy hiểm. Một hành động cá nhân có thể khiến cả một tập thể phải trả giá. Thay vì ung dung nhận quà, các Pháo thủ đã tự đẩy mình vào một hiểm họa không đáng có. Rất may chiếc thẻ đỏ đã không tạo ra một bước ngoặt nào đó ảnh hưởng tới thành quả. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nó lại nói lên những yếu kém mà Arsenal chưa thể sửa chữa. Nông nổi và thiếu bản lĩnh. Thiếu khôn ngoan và đề cao "cái Tôi" một cách không cần thiết. Trong trò chơi của những người đàn ông, kẻ mạnh không phải lúc nào cũng dùng nắm đấm. Trước một sự cố, họ cũng chẳng thể hiện một cái lắc đầu ngán ngẩm. Chí ít, họ mỉm cười...

4-3-3 hay 4-1-4-1, điều đó sẽ chẳng thể quan trọng nếu so với yếu tố con người. Một lần nữa, các CĐV lại thấy một Alexis Sanchez thật tuyệt. Nhưng cũng một lần nữa, họ sẽ cảm thấy lo sợ về viễn cảnh đội bóng một người. Ngôi sao người Chile có thể gánh vác đội đến bao lâu nữa? Anh có thể chấn thương hay quá tải không? Và vì sao vẫn luôn là anh, người chạy tới chạy lui mọi điểm nóng, qua người, kiến tạo, ghi bàn và chiến đấu cật lực cho đến những giây cuối? Lời khen của "Giáo sư" Arsene Wenger dành cho chàng chiến binh là dễ hiểu. Có điều, bóng đá không phải là môn đối kháng một chọi một. Sự tổng hòa của tình đoàn kết, sự hỗ trợ, hay cả tinh thần dám hy sinh mới làm nên chiến quả. Đó là điều không quá khó hiểu đối với các tín đồ túc cầu giáo.

Bài toán tiền vệ

Đã có chút ngạc nhiên khi Rosicky được đá chính. Việc QPR không phải là đối thủ quá nguy hiểm chỉ là một lý do giải thích điều này. Sự thật, trên băng ghế dự bị, Wenger chỉ còn Coquelin (hay Chambers?) có thể vừa đánh chặn vừa kiểm soát ổn ở khu trung tuyến. Còn lại, ông có tới 3 cái tên sẵn sàng vào sân để săn bàn: Walcott, Podolski, và Joel Campbell. Nếu Flamini hay Cazorla gặp vấn đề, chắc chắn Arsenal sẽ phải thay đổi rất nhiều về chiến thuật. Vấn đề rất rõ: The Gunners đang rất cần một vị trí trụ đúng nghĩa. Điều này lý giải vì sao cả đội đã đột nhiên mất nhịp ngay sau chiếc thẻ đỏ. Không ai cầm nhịp, không ai điều tiết tốc độ, và cũng chẳng có ai khiến đối phương phải e dè bởi những nhát kiếm phía sau. Hệt như một dàn giao hưởng lạc nhịp vì không có người chỉ huy, các Pháo thủ không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải đá theo bản năng. Sức ép mà QPR tạo ra trong những phút cuối thực ra không phải bởi những ngón đòn độc đáo hay mạnh mẽ nào hết. Nó tới khi chính Arsenal đã bộc lộ nỗi sợ quá nhanh. Khi nỗi sợ hãi ập đến, chẳng ngạc nhiên khi sự tỉnh táo lập tức giảm theo cấp số nhân.

Khi một đội bóng sở hữu quá nhiều cầu thủ có thiên hướng tấn công, việc kiểm soát được thế trận sẽ là một bài toán khó. Chưa nói đến sự cứng cỏi và an toàn của hàng thủ, chỉ riêng việc Arsenal mất cân bằng ở nhiệm vụ phòng thủ tuyến hai cũng đã là một mối nguy lớn. Đã có thời, Giáo sư người Pháp tạo ra một tập thể hảo hạng với kiểu chơi “bất khả xâm phạm” ở cự ly 15m trước vòng cấm. Nhưng lúc đó ông có Petit và Vieira, những đặc nhiệm thực thụ. Còn bây giờ? Không khó để nhìn ra một chiến thuật quá đơn giản mà các đội lớn luôn dùng để đánh bại The Gunners: Tìm mà diệt, bẻ gẫy xương sống đối thủ!

Chừng nào Arsenal chưa giải được bài toán ấy, họ vẫn sẽ phải “lạnh gáy” bởi những viên đạn xèo đầu.

Yến Thanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm