Không chỉ ở SVĐ, bóng đá mới sống

08/10/2014 13:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Không phải tự nhiên bóng đá được ví như thứ ngôn ngữ toàn cầu, có chức năng và khả năng kết nối triệu triệu trái tim. Bóng đá không đơn thuần là thành tích hay phục vụ nhu cầu giải trí, mà nó sẽ ý nghĩa hơn, khi tìm đến những ngõ ngách khác của cuộc sống, đi vào bệnh viện, đến trường học, các viện dưỡng lão, cô nhi viện và đến với người nghèo…

Tóm lại, bóng đá còn có thể đi ra ngoài cầu trường.

Sống để cho đâu chỉ nhận riêng mình

“Một đôi lần, tôi đã đọc được ở đâu đó trên các ấn phẩm của Thể thao & Văn hoá hối thúc làng bóng đá Việt Nam cần hành động, chung tay chia sẻ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Nó khiến chúng tôi băn khoăn, áy náy, khi những gì mình làm được chẳng đáng là bao so với những thứ đã nhận”, ông Nguyễn Văn Sỹ, cựu danh thủ “thế hệ vàng”, đương kim HLV trưởng XSKT.Cần Thơ, chia sẻ.

Chuyện cũ rồi nhưng vẫn phải nhắc lại, khi một bộ phận (không phải tất cả) các HLV, cầu thủ thuộc hàng sao số, nhận lót tay tiền tỷ, lương hàng trăm triệu/tháng, nhưng chỉ chia sẻ rất ít, thậm chí là không hề chia sẻ, với xã hội. Ví như vào thời điểm dịch sởi hoành hành ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc, đã không một ai trong giới bóng banh tìm đến các bệnh viện để chung tay với cộng đồng, dù họ có thể dễ dàng làm điều cực kỳ giản đơn ấy.

Điều này là rất khó chấp nhận với một xã hội văn minh, và có lẽ đã đến lúc, chúng ta phải hối thúc họ. Chúng tôi còn nhớ là khi đội tuyển Việt Nam tập trung tại Nha Trang để chuẩn bị AFF Suzuki Cup 2012, toàn bộ BHL đã rất tích cực tham gia công tác thiện nguyện (hướng về các mái ấm tình thương, cô nhi viện), nhưng không ít tuyển thủ lại thờ ơ, hoặc chỉ tham dự cho có. Không lẽ cuộc sống hối hả đến độ khiến họ chỉ biết nghĩ tới bản thân?!

“Không có ý lên mặt, giáo dục hay định hướng ai cả, vì những gì chúng tôi đã và đang làm chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là so với các thế hệ cầu thủ bậc cha chú, thì những “ngôi sao” bây giờ thậm chí còn kém cỏi hơn về ý thức chia sẻ trách nhiệm cộng đồng. Dễ hiểu, bởi đến nghề nghiệp của họ mà họ còn không tôn trọng nữa cơ mà. Họ chỉ hành động khi được (hay bị) hối thúc, nhắc nhở”, đấy là một ý kiến.

Và hãy cho thật nhiều để nhận lại

Kể từ khi các ý tưởng xuất hiện, rồi buổi “họp trù bị” diễn ra rất nhanh sau đó, cho đến lúc này, chương trình thiện nguyện tại Cần Thơ do Tập đoàn An Biên JSC và Công ty TNHH Nhà nước MTV XSKT Cần Thơ (đơn vị chủ quản của CLB XSKT.Cần Thơ), cùng các cơ quan báo đài…, tổ chức, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. “Nghe tin có chương trình ý nghĩa quá, tôi xin đăng ký một suất luôn”, nghệ sỹ Hoàng Sơn nói.

Với một sự kiện từ thiện thì càng thu hút được sự quan tâm của dư luận thì càng tốt. Tất nhiên, nói như HLV Lê Huỳnh Đức, một người cũng rất tích cực trong những hoạt động cộng đồng, phải làm sao cho sự giúp đỡ đến với chính tay người nhận và đối tượng được nhận cảm thấy ấm lòng. “Làm từ thiện nói thì dễ, nhưng khó lắm! Không cẩn thận là lại phản tác dụng ngay”, cựu danh thủ “thế hệ vàng” Lê Huỳnh Đức nhận định.

Sau khi các bài báo của chúng tôi và đồng nghiệp lên trang, rất nhiều các danh thủ ở mọi miền Tổ quốc đã chủ động liên lạc và ngỏ ý muốn là một phần trong sự kiện này.

Từ Khánh Hoà, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu được, tôi sẽ có mặt ở Cần Thơ từ ngày 10/10 luôn. Anh em làm tôi háo hức quá”. Trong khi đó, HLV Đoàn Hoàng Sơn, cựu tuyển thủ Olympic Việt Nam, cũng hứa chắc chắn sẽ góp mặt để cùng chung tay với đồng nghiệp.

Theo kế hoạch, hôm nay (8/10), BTC trận đấu tam giác “An Biên & Những người bạn”, Cựu cầu thủ Cần Thơ và Liên quân PV – HLV, giám sát, trọng tài đang làm nhiệm vụ tại VCK U21 Báo Thanh Niên 2014 sẽ bắt đầu khảo sát những địa chỉ đỏ cần giúp đỡ. Đó là Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi & nhiễm chất độc dioxin Cần Thơ, cũng như gia đình cựu HLV Nguyễn Văn Tốt, người không may bị tai biến từ 5 năm qua.


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm