GS, KTS Nhật Bản Ejima Akiyoshi: Người giữ nguyên gốc cổng làng cổ Mông Phụ

16/03/2017 21:25 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Giáo sư - kiến trúc sư Ejima Akiyoshi (Nhật Bản) – ông đã tham gia 17 đợt nghiên cứu, tu bổ tại làng cổ Đường Lâm. Con người đặc biệt giành tâm huyết nghiên cứu công trình kiến trúc cổng làng Mông Phụ - một di sản của làng cổ Đường Lâm(Sơn Tây, Hà Nội), đã trao tặng mô hình cổng làng Mông Phụ (tỉ lệ 1/10) bằng gỗ quý của Nhật Bản cho Bảo tàng Hà Nội chiều nay (16/3).

Chia sẻ lý do tại sao chọn cổng làng Mông Phụ để phục dựng, GS – KTS Ejima Akiyoshi nói: “Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996, cách đây đã 21 năm và đã tham gia rất nhiều đợt điều tra, tu bổ các công trình trình kiến trúc ở Việt Nam, như nhà cổ Hội An, nhà cổ dân gian tiêu biểu ở Bắc Ninh... và nhiều tỉnh ở Việt Nam. Trong quá trình đó, bản thân tôi đã tham gia vào quá tình điều tra và tu bổ tích cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm). Quá trình tu bổ có phục dựng lại toàn bộ kiến trúc cổng làng Mông Phụ, nhưng 2 cánh cổng đã bị mất đi... 

Trên cơ sở hỏi ý kiến của những người dân làng, và làm những mô hình nhỏ để phục dựng lại hai cánh cổng, sau đó lại hỏi ý kiến của các cụ trong làng xem những chi tiết như vậy có chính xác không? Thì tôi đã tìm ra được nguyên bản, tức là hình ảnh khác gần với nguyên gốc của cổng làng này. Tuy nhiên, so với các địa phương khác ở Việt Nam, với làng cổ Đường Lâm, tôi đã mất hơn 5 trời trong quá trình tu bổ nhà dân gian cũng như tu bổ cổng làng Mông Phụ".


GS – KTS Ejima Akiyoshi chia sẻ lý do phục dựng cổng làng Mông Phụ

“Ở Nhật Bản có phương pháp phục dựng lại mô hình của các công trình kiến trúc tiêu biểu được công nhận là di sản văn hóa, bằng việc đưa ra những mô hình theo tỉ lệ 1/10. Chính vì thế, tôi lựa chọn phương pháp này và lựa chọn cổng làng Mông Phụ, một trong những công trình tôi tham gia tu bổ mang tính tiêu biểu nhất để phục dựng lại. Bằng cách này, tôi hy vọng phổ biến rộng rãi phương pháp bảo tồn những giá trị tốt đẹp cho Việt Nam” – GS, KTS Ejima Akiyoshi cho biết.

“Việc tu bổ di tích ở địa phương rất quan trọng, nhưng nếu di tích chỉ ở địa phương thì không phải ai cũng có thể biết đến nó. Chính vì thế, sau khi về nước, tôi đã dành thời gian để phục dựng lại một mô hình cỡ chỉ 1/10 của cổng làng Mông Phụ, với mục đích tặng cho Việt Nam để có thể trưng bày ở một bảo tàng, nơi có đông đảo người dân Việt Nam đến tham quan và có thể hiểu được cấu trúc cơ bản của một kiến trúc gỗ, của một di tích mang tính chất tiêu biểu của kiến trúc gỗ của Việt Nam. 

Thông qua mô hình này, tôi muốn nó trở thành giáo trình trực quan cho những sinh viên và những nhà nghiên cứu kiến trúc biết về quy trình xây dựng cũng như tu bổ hoặc cụ thể là kiến trúc gỗ truyền thống như thế nào?” -  GS, KTS Ejima Akiyoshi nhấn mạnh thêm.

Theo GS, KTS Ejima Akiyoshi, ông mất hơn 1 năm để hoàn thành mô hình cổng làng Mông Phụ, trên cơ sở các số liệu đo đạc rất công phu, tỉ mỉ. Cổng làng Mông Phụ được phục dựng theo thỉ lê 1/10 bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản và gỗ ramin (Đông Nam Á) làm cột tròn. Mô hình được phục dựng với kích thước rộng 90, sâu 60 cao 63, bằng 1/10 so với kích thước thật. Các cấu kiện rất chi tiết có thể tháo ra, lắp vào phục vụ tập huấn tu bổ, giảng dạy... “Đây là hoạt đông mang tính chất tình nguyện của tôi và tôi hy vọng phương pháp phục dựng kiểu này này sẽ được truyền tải, phổ biến ở Việt Nam” – GS Ejima Akiyoshi kể lại.


Mô hình cổng làng Mông Phụ có thể tháo rời từng chi tiết để phục vụ công tác tập huấn, giảng dạy


Sau đó lại lắp lại nguyên trạng công chúng thăm quan, chiêm ngưỡng

GS, KTS Ejima Akiyoshi tốt nghiệp khoa kiến trúc ĐH Điện cơ khí Tokyo, sau đó công tác tại phòng thiết kế kiến trúc Nikko. Từ năm 1996 đến nay GS,KTS  Ejima Akiyoshi hợp tác với ĐH Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) và là chuyên gia cao cấp hướng dẫn trùng tu nhà cổ ở Việt Nam nói chung và Đường Lâm nói riêng.

Năm 2008, ông nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa của Bộ VH, TT&DL. Ejima Akiyoshi đặc biệt tâm huyết với dự án bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm. Ông đã sang Việt Nam hướng dẫn tu bổ 17 lần, lần ngắn nhất là 8 ngày, lần dài nhất là 8 tháng. Ông nói: “Đường Lâm là nơi tôi có  khoảng 5 năm trời gắn bó. Ban đầu có nhiều thứ chưa quen, nhưng những người dân Việt Nam, đặc biệt các cán bộ quản lý di tích nơi đây là nhiệt tình giúp đỡ, để tôi có thể truyền đạt những kinh nghiêm của của mình, trên cơ sở học tập lại những đặc trưng văn hóa của địa phương. Tôi có những tình cảm sâu sắc và biết ơn về sự hỗ trợ đó”.

Với những cống hiến và thành công đáng ghi nhân, năm 2014, GS, KTS Ejima Akiyoshi và nhóm thực hiện dự án bảo tồn  di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm đã được tổ chức Khoa học, Văn hóa và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh, trao giải thưởng danh dự về bảo tồn di sản văn hóa khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 

Đặc biệt, trong số 5 di tích của làng cổ Đường Lâm được UNESCO trao giải thưởng danh dự về bảo tồn di sản văn hóa năm 2013, có cổng làng Mông Phụ- một trong những cổng làng cổ nhất Việt Nam (được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1553 - thời vua Lê Thần Tông).

Có mặt trong buổi lễ tiếp nhận, GS, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, chia sẻ: “Nếu cổng làng Mông Phụ chẳng may có sự cố nào đó, từ mô hình này, chúng ta có đủ số liệu, mô hình để phục dựng lại gần như 100%. Mô hình này chính là một tấm lòng của giáo sư, kiến trúc sư Nhật Bản đối với di sản văn hóa Việt Nam”.

Do tuổi đã cao, lần này GS – KTS Ejima Akiyoshi sang Việt Nam trao tặng mô hình cổng làng Mông Phụ cần vợ đi cùng để hỗ trợ. GS, KTS Ejima Akiyoshi và vợ sẽ trở lại thăm làng cổ Đường Lâm trong ngày mai (17/3) sau đó lên đường về Nhật Bản.

Hoài Thương


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm