GS Nguyễn Lân Dũng: 'Tình yêu văn chương góp phần vun đắp đạo đức xã hội’

16/12/2013 08:37 GMT+7

(giaidauscholar.com) - "Giọt nước tràn ly lâu rồi chứ không phải bây giờ mới tràn" - GS Nguyễn Lân Dũng xót xa khi trò chuyện với TT&VHCuối tuần nhân vụ việc hàng trăm người nhảy vào cướp của khi xe chở bia gặp tai nạn.

Sự việc xảy ra vào khoảng 14h ngày 4/12 ở khu vực vòng xoay Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Xe tải chở 1.300 thùng bia Tiger do tài xế Hồ Kim Hậu điều khiển đã gặp tai nạn, các thùng bia và lon bia lẻ rơi vãi xuống đường. Hàng trăm người đã dừng xe lại cướp đi 90% số bia dù cho tài xế van xin và trước sự bất lực của những người chứng kiến có lương tâm.

Sự việc này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về văn hóa sống của xã hội. TT&VH Cuối tuần có cuộc trò chuyện với GS-TS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nhân vụ việc chấn động dư luận này.

"Đói cho sạch, rách cho thơm"

* Chắc GS đã nghe đọc thông tin hàng trăm người xông vào hôi của khi chiếc xe tải chở 1.300 thùng bia gặp nạn ở Biên Hòa, Đồng Nai cuối tuần qua. Báo chí đưa tin rất nhiều và dư luận cũng cực kỳ bức xúc.

- Thay vì bức xúc, đúng hơn thì nên dùng từ nhục nhã. Xấu hổ cho cả đất nước. Đọc thông tin trên các trang mạng Việt Nam đã xấu hổ, đọc sang các trang mạng nước ngoài còn xấu hổ hơn nữa. Hơn 90 triệu dân trong nước nghĩ gì? 4 triệu kiều bào ta ở nước ngoài sẽ nghĩ gì? Bè bạn quốc tế khi biết thông tin này sẽ nghĩ gì? Những câu hỏi đó khiến tôi và mọi người có lương tri vô cùng day dứt.

Tôi nghĩ, sau sự việc này, bố mẹ phải hỏi con cái, thầy cô phải hỏi học trò, lãnh đạo phải hỏi quần chúng nhân dân, một câu rằng: "Có thấy nhục không?".

Người ta đã kêu gọi trên mạng là "Ai có lương tâm thì đưa tiền trả lại cho người lái xe", tôi rất đồng ý. Trong vụ này, người lái xe chắc chắn phải chịu trách nhiệm bồi thường, mà nếu không đủ thì có thể bị xử phạt. Tội nghiệp người ta lắm. Tai nạn xảy ra là bất hạnh, nếu không có vụ hôi của thì tài xế cũng đã phải chịu trách nhiệm về tai nạn với Công ty vận chuyển và Hãng bia rồi. Còn nếu phải đền bù thì lấy đâu ra ngần ấy tiền?

* Nếu lấy cái nghèo để lý giải cho những người hôi của thì e ngụy biện. Ai biết trong số những người nhảy vào hôi của kia, ai nghèo, ai không, thậm chí có người còn khá giả thì sao? Nhiều người sẵn sàng dựng chiếc xe máy, một tài sản đáng giá hơn mấy thùng bia, ngay giữa đường không ai trông coi để nhảy vào lấy bia, thì chắc cũng không thiếu thốn lắm đâu.

- Tôi cũng nghĩ chẳng phải vì nghèo. Đó là bia, những lon bia còn nguyên vẹn, có phải gạo rơi vung vãi đâu mà nói là lấy vì cái ăn, cái đói. Có người không uống bia mà lấy về để bán đấy chứ. Thậm chí còn lấy cả xe ba gác ra để chở bia về. Họ kiếm lợi trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Người xưa nói "Miếng ăn là miếng nhục". Ở Việt Nam, vẫn có những người thường đi ăn chực đám cưới. Nhà trai thì tưởng là khách nhà gái, nhà gái thì tưởng khách nhà trai. Hóa ra là chẳng phải của nhà nào, phong bì mừng cưới thì trống rống. Nếu người ta phát hiện được thì có phải là xấu hổ và nhục nhã không? Ăn mãi thì chủ nhà hàng cũng phải nhận ra chứ?

Tài sản không phải của mình mà có cơ hội thì một số người có tâm lý là lấy càng nhiều càng tốt. Ở trường tôi chẳng hạn, các giảng viên có quyền lợi là được phân nhà để ở. Hồi đó, cả hai vợ chồng tôi đều có tiêu chuẩn, nhưng chúng tôi đã có nhà do Viện quân y 108 cấp cho vợ tôi nên suất của tôi nhường cho giảng viên khác. Và chính trường cũng đã yêu cầu rất rõ "Ai có nhà rồi thì nên nhường cho những người khác khó khăn hơn".

Nhưng nhiều giảng viên không thế, dù có nhà rồi, thậm chí có cả nhà cho thuê, nhưng họ vẫn nhận suất phân nhà. Chẳng lẽ họ không biết chữ để đọc được yêu cầu của nhà trường? Họ là ai? Là trí thức chứ không phải người không có học, nhưng thấy lợi trước mắt thì đều cố làm. Ngôi nhà được phân họ không ở, nhận được giấy tờ nhà là bán ngay. Tất nhiên nhà đất là thứ rất đáng giá.

Các cụ nói "Đói cho sạch, rách cho thơm", ở đây, người ta không đói, cũng không rách, mà lại thối tha đi hôi bia do xe gặp tai nạn. Sao lại xấu xa đến thế! Vô cảm đến mức độ không chỉ cần lên án, mà theo tôi đã đến lúc phải có hình phạt.

Sự thất bại của giáo dục

* Lâu nay, thỉnh thoảng vẫn có một vụ hôi của trên đường phố khiến báo chí và dư luận lên án, nhưng vụ việc lần này, số tài sản nhiều, số người tham gia cướp của cũng quá nhiều. Dư luận đã gọi đó là "quốc nhục" chứ không phải một nỗi nhục đơn lẻ nữa. Phải chăng giọt nước đã tràn ly?

- Theo tôi thì nước tràn từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới tràn. Sự việc lần này thể hiện hai điều đáng xấu hổ: pháp luật không nghiêm và sự thất bại của giáo dục. Pháp luật không nghiêm vì sự việc xảy ra không phải ở đồng không mông quạnh mà ở đường phố lớn, nhiều xe cộ qua lại. Nghe nói đã có người gọi điện cho cơ quan chức năng nhưng họ lại có mặt quá muộn, không kịp để cứu xe chở bia trước cảnh bị cướp giữa đường.

Còn về giáo dục, tôi không nói về giáo dục nghĩa hẹp trong nhà trường, tôi nói về giáo dục nghĩa rộng: gia đình, nhà trường, xã hội.

* Nói đến giáo dục, phải chăng cách ứng xử đẹp "thương người như thể thương thân" mà trẻ em Việt Nam vẫn thường được học chỉ là sáo rỗng? Nhất là qua những sự việc hôi của giữa đường, niềm tin về điều đó càng sứt mẻ.

- Giáo dục phải bằng tấm gương chứ không phải lời nói. Lý thuyết giáo dục phải đứng vững được trong môi trường, trong hoàn cảnh xã hội thì mới có sức sống. Người lớn, nhất là những người có chức có quyền mà không gương mẫu thì lớp trẻ sao mà không hư? Con của gia đình những người tử tế thì làm sao mà đi ăn cướp được? Tôi vẫn thường suy nghĩ như thế.

Những người thầy tốt tạo ra các thế hệ học trò tốt. Lứa đầu tiên của trường Thực nghiệm của thầy Hồ Ngọc Đại, mới đây kỷ niệm 35 năm. Thầy Đại nói, Ngô Bảo Châu và Nguyễn Lân Hiếu (bác sĩ) là 2 học trò tiêu biểu của trường Thực nghiệm. Các học trò khác hỏi: "Còn ai nữa không thầy?". Thầy Đại trả lời: "Còn tất cả, mỗi người trong các em đều có cống hiến trong lĩnh vực của mình".

Bây giờ, tôi thấy có một thế hệ mất đi niềm vui thích đọc sách, tìm tòi, khám phá, chỉ học theo cách đọc chép giáo điều. Tôi hay nói chuyện dạy văn học văn, người ta bảo: "Ông Dũng thì biết gì về chuyện đó mà nói?". Nhưng ở Việt Nam, có thể nói ít ai nhận được nhiều thư viết tay bằng tôi vì tôi chuyên giải đáp khoa học trong hàng chục năm qua cho nhiều báo, nhiều đài truyền thanh, truyền hình.Tôi thấy rất nhiều người viết chữ quá xấu, viết sai chính tả và ngữ pháp một cách thậm tệ. Đó chính là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam, trong đó có môn văn.

Tôi nghĩ tình yêu văn chương góp phần vun đắp đạo đức xã hội. Dạy văn ở phổ thông có hai vai trò chính: Một là, giúp học sinh viết đúng, viết hay. Hai là, thổi vào tâm hồn các em niềm yêu thích văn chương, giúp các em có thêm hiểu biết và có thêm lòng nhân ái. Giờ đây trẻ con đọc rất nhiều nhưng không biết chọn lọc và còn chọn lch lạc. Thường chỉ ham mê truyện tranh, truyện chưởng, truyện trinh thám.... Sách văn học, sách phổ biến kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội thì các em ít thích đọc.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm