Chelsea bay cao nhờ phép toán của Conte

28/11/2016 18:31 GMT+7 | Chelsea

(giaidauscholar.com) - Có một câu đã rất nhiều người nói tới khi nhắc về bóng đá. Đó là “bóng đá không phải là phép toán”.

1. Câu nói ấy đúng, nhất là khi chúng ta chứng minh nó bằng tam giác Tottenham - Arsenal - Chelsea. Arsenal thắng Chelsea, Arsenal hòa Tottenham, nhưng chẳng có phép toán bắc cầu nào để Tottenham cũng thắng Chelsea cả.

Song, ở đâu đó, trong bóng đá, vẫn có những phép toán. Antonio Conte nói rằng: “Nếu đá như đã từng đá trước Arsenal và Liverpool, chúng tôi đã thua Tottenham rồi”. Câu nói ấy chẳng phải là một dạng phép toán bắc cầu sao? Và nó lại còn được nói bởi một HLV lành nghề nữa thì điều đó càng cho thấy bóng đá tồn tại những phép toán riêng của nó.

Đã tồn tại những phép toán như thế, để Chelsea không thua Tottenham như đã thua Arsenal, và từ đó, vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Premier League. Ai cũng nhận ra Chelsea thay đổi hẳn diện mạo kể từ sau trận thua Arsenal đáng nhớ kia. Và đó chính là kết quả của những phép toán mà Conte đã thực hiện, những phép toán mà bất kỳ HLV nào cũng phải vắt óc vì nó khi hành nghề.

2. Người ta nói, bóng đá là trò chơi của 11 con người đối diện 11 con người với quả bóng là tâm điểm. Điều ấy là hiển nhiên rồi. Nhưng với các HLV, bóng đá là một chuỗi các phép toán nhân sự, đặc biệt dồn vào 10 cá nhân phía trên thủ môn, 10 quân cờ mà chỉ cần một sắp xếp đến từ phép tính chưa kỹ lưỡng, HLV có thể trả giá.

Kể từ thời bóng đá sơ khai, với tâm niệm tất cả lao lên phía trước đến nay, đã có biết bao nhiêu sơ đồ chiến thuật được sáng tạo ra, được cải tiến thêm và mỗi phát kiến ấy là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm, tri thức, chiêm nghiệm các phép toán mà những HLV đã phải tổn hao nhiều công sức. Tất cả đều dựa trên nền tảng 3 tuyến: Phòng ngự - hỗ trợ - tấn công và việc tính toán cân đối nhân sự ở các tuyến làm sao cho đội bóng của mình không bị lép vế so với đối thủ ở các tình huống trên sân là một trăn trở muôn đời của những chiến lược gia. Bởi thế, sơ đồ hàng thủ 3 người tưởng đã lỗi thời bỗng lại được khai quật trở lại, và gia cố thêm bằng các mảng miếng kinh nghiệm, tri thức mới để hôm nay, nó dần dần trở thành thời thượng ở châu Âu.

Conte cũng là một trong những cá nhân trở lại với sơ đồ 3 hậu vệ đó, với những phép tính rất cụ thể của riêng mình.

* Clip trận Chelsea - Tottenham 2-1:


3. Khi Antonio Conte quyết bỏ hàng tứ vệ để thay bằng hàng thủ 3 người trong sơ đồ 3-4-3, ông cũng vẫn dựa trên nền tảng “tối thiểu hai cá nhân” ở trung tâm hàng tiền vệ, mà cụ thể là Kante và Matic. Song, khi hai cầu thủ chạy cánh (Alonso và Moses) chủ yếu chỉ hoạt động ở biên (một cách tự động lên công về thủ) và bộ 3 tuyến tấn công không có cá nhân nào phù hợp cũng như có thói quen lui về tăng cường cho tuyến giữa, Conte đã phải quay lại bài toán Bonucci như ông đã từng dùng ở Juve. Song, ở Chelsea, người đảm nhận vai trò “trung vệ tự do” ấy là Luiz, một người không có tư duy chiến thuật tốt như Bonucci ngày nào. Và đó có thể là điểm trả giá của Conte, trong phép toán còn bất toàn của ông, dù giờ này Luiz vẫn được ngợi ca sau chuỗi thắng liên tiếp 8 trận của Chelsea (7 ở Premier League và 1 ở League Cup).

Hình ảnh Erikssen vượt qua Luiz nằm sóng xoài nhìn theo bất lực để mở tỷ số cho Tottenham có thể nói lên tất cả. Phép toán của Conte với Luiz có thể tốt khi gặp đối thủ yếu. Còn với những đối thủ có lực, Luiz chính là tử huyệt.

Khi Luiz dâng lên để tăng quân số cho tuyến giữa Chelsea, Matic và Kante phải có ít nhất một người trở thành cầu thủ tổ chức tấn công nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra ở Chelsea suốt 8 trận cải cách vừa qua. Điều đó chứng tỏ, Luiz dâng lên chỉ cho đúng bài mà Conte đưa ra mà thôi, còn bài ấy có biến hóa không thì chưa chắc.

Và khi Luiz dâng lên, phía sau lưng anh luôn tồn tại khoảng trống bởi Cahill phải bó vào chơi cặp với 1 người không phải là trung vệ chuyên nghiệp (Azpilicueta). Điều đó dễ khiến Chelsea tổn thương vì đòn phản công, đặc biệt là khi họ gặp những đối thủ tinh ranh và tốc độ.

Suy cho cùng, phép toán của Conte vẫn còn bất ổn lắm, nhất là khi nó lại đang được ngụy trang dưới vỏ bọc của những chiến thắng. Mà đường thì còn dài, đối thủ phía trước vẫn còn nhiều cạm bẫy…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm