17/07/2014 13:15 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Joachim Loew từng tuyên bố rằng ông hâm mộ triết lý bóng đá của Pep Guardiola. Nhưng sau chiến công của Loew trên đất Brazil thì có lẽ đến lượt Guardiola cũng cần rút ra những bài học từ chính người đồng nghiệp của mình..
Giống như Pep, vị HLV trưởng ĐT Đức có cái tôi rất lớn. Đã không ít lần, Loew phớt lờ dư luận. Nhưng rốt cuộc để thành công, Loew vẫn cần phải thay đổi.
Tiki-taka không phải là tất cả
Trong 4 trận đấu đầu tiên tại World Cup 2014, Die Mannschaft gần như là một bản sao của Bayern Munich. Từ sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1, cho đến cách vận hành lối chơi theo triết lý tiki-taka với Lahm ở trung tâm hàng tiền vệ. Đấy là thứ không khiến ai phải bất ngờ. Bởi như đã nói ở trên, Loew từ lâu đã ngưỡng mộ thứ bóng đá đưa người Tây Ban Nha lên đỉnh thế giới. Nhất là khi chính ông đã 2 lần phải trực tiếp nếm mùi lợi hại của tiki-taka.
Tiki-taka được xây dựng dựa trên 2 nền tảng cơ bản là: kiểm soát bóng và pressing giành lại bóng trong thời gian ngắn nhất (dưới 6 giây). Nhưng xét cho cùng, hai yếu tố ấy cũng đều phục vụ một mục tiêu: đảm bảo sự chắc chắn trong lối chơi. Không cho đối phương có bóng, nghĩa là đội chơi tiki-taka giảm thiểu nguy cơ bị tấn công. Nhưng điều đó chỉ đúng trong những năm đầu của kỷ nguyên tiki-taka. Giờ đây, các đối thủ không cần cố chạy đua về thời lượng kiểm soát bóng, nhưng vẫn có thể kết liễu các đội bóng tiki-taka bằng những miếng đánh trực diện ở tốc độ cao.
Không những thế, việc chơi với đội hình luôn dâng cao càng khiến các đội bóng theo đuổi tiki-taka trở nên dễ tổn thương. Nhất là khi mọi đối thủ đều đã nắm rõ cách chống chọi với lối chơi này. Ngoài ra, việc thực hiện quá nhiều đường chuyền, đặc biệt là theo chiều ngang và trả ngược lại cũng khiến tiki-taka mất đi sức công phá trước những hàng phòng ngự đông người. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà mùa giải vừa qua đã chứng kiến sự thất bại ở những cấp độ khác nhau của những đội bóng coi tiki-taka là kim chỉ nam như Barcelona, Bayern Munich hay Tây Ban Nha.
Khi sự thay đổi là cần thiết
Tuyển Đức của Loew cũng không phải ngoại lệ. Trong 4 trận đầu tiên tại Brazil, Die Mannschaft cũng đã bộc lộ không ít điểm yếu và có những thời điểm nhất định phải sống trong sợ hãi. đặc biệt là ở 2 cuộc đối đầu với Ghana và Algeria. Nhưng may mắn cho tuyển Đức là Loew đã kịp nhận ra vấn đề. Kể từ vòng tứ kết, vị HLV 54 tuổi này đã có cách tiếp cận trận đấu khác hẳn. Ông đã chuyển từ sơ đồ 4-1-4-1 sang 4-2-3-1 với 2 tiền vệ phòng ngự để bảo đảm an toàn hơn cho đội nhà. Bên cạnh đó, Loew cũng không đặt nặng chuyện kiểm soát bóng. Trong cả 2 trận đấu với Pháp và Brazil, Đức đều không cầm bóng nhiều hơn đối thủ. Thay vào đó, Đức cố gắng đưa bóng đến cầu môn của đối phương nhanh hơn. Thống kê cho thấy số đường chuyền dài và trung bình của Đức tại Brazil nhiều gấp 3 lần số đường chuyền ngắn. Số quả tạt của Đức khá cao, trung bình lên tới 21 lần/1 trận. Thứ duy nhất mà Loew giữ lại liên quan đến tiki-taka là cách bố trí quây bắt, pressing ngay trên phần sân đối thủ.
Mùa trước, Guardiola đã tôn sùng tiki-taka đến mức cực đoan. Hệ quả là Bayern Munich đã sụp đổ hoàn toàn trong cả 2 trận đấu với Real Madrid. Còn Guardiola thì chỉ biết bất lực chịu trận, mà không thể xoay chuyển tình thế. Rõ ràng, sau thất bại thảm hại của Tây Ban Nha ở World Cup 2014, Guardiola càng có lí do để mà đánh giá lại hiệu quả của tiki-taka. Có lẽ đã đến lúc Pep cần cải tiến tiki-taka như cách Joachim Loew đã làm, thay vì tiếp tục vào vai một con chiên tử vì đạo.
Đức Phan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất