18/08/2017 06:18 GMT+7 | SEA Games 29
(giaidauscholar.com) - Thể thao Đông Nam Á tụt khá xa so với mặt bằng chuyên môn châu lục, chứ chưa nói đến thế giới và cũng vì sự "biến chất" trong nhiều thập kỷ qua do nạn "vơ vét" huy chương của nước nhà, nên SEA Games thường bị cả giới chuyên môn, lẫn báo chí gọi là cái... "ao làng". Ấy vậy nhưng trong thể thao, nhất là thể thao đỉnh cao đôi khi bơi ra "biển lớn" chưa chắc đã khó bằng... bơi ở "ao"!? SEA Games 29 đang diễn ra tại Malaysia là minh chứng.
1. Đã có rất nhiều những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan được các nhà quản lý chuyên môn nhắc tới trước giờ SEA Games 29 khai mạc khi đề cập tới chỉ tiêu Vàng. Theo đó, để đạt được một suất trong Top 3, đoàn Thể thao Việt Nam cần phải vượt qua những khó khăn ấy và giành từ 49 đến 59 HCV dù có đến 471 VĐV dự tranh 276 nội dung của 32 trong tổng số 38 môn thi.
Đó là con tính chuyên môn và có vẻ như đã được "làm nhẹ" đi phòng bất trắc, bởi kể từ sau SEA Games 22 trên sân nhà vào năm 2003 tới nay, kỳ Đại hội thể thao khu vực nào cũng đầy khó khăn, nhưng chung cuộc, thể thao nước nhà vẫn có một suất trong 3 vị trí đầu của bảng xếp hạng huy chương. Hơn thế, với một kỳ Olympic thành công ngoài mong đợi cùng thực lực lẫn sự đầu tư lớn từ ngân sách, Thể thao Việt Nam "dư sức" giữ được vị thế quen thuộc của mình trên đất Mã.
Chỉ có điều, thể thao và nhất là thể thao đỉnh cao chưa bao giờ đúng như... phép cộng số học thông thường! Trình độ chung của Thể thao Việt Nam đứng vào hàng đầu khu vực là điều không thể phủ nhận, nhưng với từng VĐV, từng môn thi, từng cuộc đấu... cái ưu thế đó chưa chắc đã được cụ thể hóa bằng những tấm huy chương như kỳ vọng.
SEA Games 29 và những cuộc tranh tài ở môn bắn cung là thế. Tấm HCV "chờ đợi", "mở hàng" mà báo giới nhắc đã không đến vào ngày khai cuộc. Nhà vô địch SEA Games Nguyễn Tiến Cương không còn là chính mình ở nội dung "ruột" cung 3 dây cá nhân nam. Cũng ở nội dung này của nữ, dù đã làm nên bất ngờ lớn, các cung thủ Việt Nam đành chấp nhận 2 ngôi á quân cá nhân và đồng đội.
2. Từ khả năng đế thực tế trong thi đấu thể thao chuyên nghiệp là một khoảng cách lớn, chịu nhiều sự tác động mà không ai, kể cả những người trong cuộc có thể nói trước được điều gì. Thực tế của đội tuyển bắn cung hoàn toàn có thể là thực tế của các đội tuyển khác của đoàn Thể thao Việt Nam trong những ngày tới đây.
Và bóng đá nam cũng chẳng là ngoại lệ. 2 trận thắng tưng bừng "đúng với kịch bản" trước U22 Timor Lester và U22 Campuchia giúp U22 Việt Nam đứng vững ở ngôi đầu bảng B, quan trọng hơn, được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch. Tuy nhiên, ở một bảng đấu có đến 6 đội, thì về lý thuyết ngay cả khi có được 12 trên tổng số 15 điểm tối đa, nguy cơ bị loại vẫn có. Còn trên thực tế, kể cả thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng có thắng nốt đội được đánh giá yếu hơn là U22 Philippines vào ngày 20/8 tới, mà lại để thua U22 Indonesia cùng U22 Thái Lan trong 2 trận đấu cuối, thì vẫn cứ phải dừng bước... ngay từ vòng đấu bảng, nếu không có bất ngờ đột biến nào khác.
Phân tích như thế để thấy rằng, hai chiến thắng đậm đà cũng chỉ mới là màn chạy đà khá tốt của U22 Việt Nam mà thách thức thực sự vẫn còn ở phía trước. SEA Games chỉ là giải đấu khu vực và cũng chỉ là sân chơi trẻ, nhưng chưa bao giờ là dễ dàng, bởi nếu dễ dàng thì chúng ta đã chẳng phải ôm giấc mơ Vàng dài đến hơn nửa thế kỷ!
Vậy mới nói, bơi "ao" cũng khó là thế khi mà chính chúng ta còn chưa thực sự thoát khỏi cái "ao" ấy cơ mà.
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất