05/09/2017 20:16 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi về âm nhạc, nghệ sĩ guitar Tuấn Hùng (ban nhạc Bức Tường) tiết lộ, anh đã là “fan” của tờ báo Thể Thao & Văn Hóa từ khi còn là một cậu bé. Và điều này đã ảnh hưởng nhiều đến sở thích, thẩm mỹ của anh khi lớn lên. “Những thứ mà sau nhiều năm vẫn không thay đổi” – anh cho hay.
Không mua nhanh... sẽ hết báo!
* Khi người ta bé, người ta thường đọc “Nhi đồng”, “Thiếu niên tiền phong”, “Hoa học trò” hay “Mực tím” chứ?
- Đúng vậy, nhưng bên cạnh những tờ báo Thiếu niên, Nhi đồng như những bạn bè cùng lứa, tôi đã được tiếp xúc với các tờ báo thể thao, những tờ nguyệt san bóng đá của Long An, Sông Bé và cả những tờ báo liên quan tới văn hoá như Thể thao & Văn hóa... Tất cả là do bố tôi là người rất yêu thích thể thao và âm nhạc mua về. Khi bố đi công tác dài ngày, thói quen đọc báo đã khiến tôi chủ động đi tìm mua báo tại các sạp báo gần nhà. Tôi nhận thấy những gì đến với mình từ nhỏ có ảnh hưởng nhiều tới sở thích, thẩm mỹ của mình khi lớn lên sau này, những thứ mà qua nhiều năm không thay đổi.
Ở thời ấy, khi mà thông tin còn hạn chế, thiếu thốn nên có được một tờ báo, tôi đã không bỏ qua bất cứ một chuyên mục nào của Thể thao & Văn hóa. Thậm chí, có những mục tôi còn đọc đi đọc lại. Và có lẽ mục mà tôi ưa thích nhất lúc đó là tin tức bóng đá thế giới, những bài viết về các cầu thủ.
* Hồi đó anh ở Hải Phòng, thì mua báo TT&VH như thế nào nhỉ
- Hồi ấy thường thì 10 giờ sáng, tôi mới có báo (do mất thời gian vận chuyển báo từ Hà Nội xuống Hải Phòng) và tôi cũng phải mua nhanh vì chậm thì sẽ hết “veo”. Sau này lên Hà Nội học tập và làm việc, tôi vẫn duy trì thói quen mua báo đến mức có hẳn một hàng báo quen ở ngã tư Quán Sứ - Lý Thường Kiệt. Vui vui là mỗi lần nhìn thấy tôi từ xa, cô bán báo liền rút sẵn tờ báo quen thuộc ra rồi đưa! (cười tươi)
* Thế còn âm nhạc thì sao?
- Thể thao & Văn hóa đã cho tôi những tin tức khá đầy đủ về đời sống âm nhạc Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó là những bài phân tích bình luận sâu sắc nhưng khách quan.
Và điều khiến tôi thích nhất khi đọc Thể thao & Văn hóa ở mảng văn hóa giải trí chính là tờ báo không chạy theo đưa tin “giật gân” showbiz để “câu khách” như nhiều tờ báo khác.
* Vậy cảm xúc của anh khi đọc những bài báo của Thể thao & Văn hóa viết về Bức Tường và vị thủ lĩnh Trần Lập của các anh trong nhiều năm qua?
- Dường như là một cái duyên, khi tờ báo yêu thích nhất của mình lại quan tâm và viết nhiều về ban nhạc của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được sự đồng hành, chia sẻ thông tin của Thể thao & Văn hóa từ nhiều năm nay, đặc biệt những bài viết về vị thủ lĩnh Trần Lập với một góc nhìn nhân văn và tình cảm. Nhất là Thể thao & Văn hóa đã truyền tải chính xác những gì mà Trần Lập và Bức Tường muốn hướng đến.
Năm 2017, cái duyên lại tới với Thể thao & Văn hóa khi ban nhạc Bức Tường và những người bạn của chúng tôi đã được đề cử, rồi chiến thắng ở hạng mục “Chương trình của năm” với Đôi bàn tay thắp lửa. Còn nhớ, 11 năm trước, khi giải “Âm nhạc cống hiến” , cả ban nhạc Bức Tường khi đó đã ngồi xem và tự bảo nhau: liệu bao giờ, chúng ta mới có dịp bước lên bục vinh danh của giải thưởng này? Khi ấy, Trần Lập nói với anh em: “Đừng nghĩ xa quá, nhưng cũng đừng nghĩ rằng mọi chuyện trong cuộc sống đều là không thể. Chúng ta hãy cứ lao động, hãy làm việc hết mình, biết đâu cái ngày ấy sẽ đến trong tương lai”.
Đêm nhận giải “Âm nhạc cống hiến” (25/4/2017) là một đêm đầy xúc động với tôi. Ngay lúc lên sân khấu, đại diện cho ê-kíp chương trình “Đôi bàn tay thắp lửa” để nhận chiếc cup Cống hiến, tôi đã giật mình khi nhớ tới câu hát trong sáng tác cuối cùng của Trần Lập với Bức Tường: “Tuổi 20 ta như con chim tung cánh bầu trời, bay cao vòng rộng tự tin...”
Vào giữa năm 2014, khi chuẩn bị đóng gói bài để thu Album Đất Việt, Lập có bàn với anh em: lần này album sẽ ra mắt đúng 20 năm thành lập, nên mình cố gắng làm một bài kỷ niệm đi, và thế là Tuổi 20 ra đời. Trước đó hàng chục năm, sau khi đã chinh chiến ngang dọc Nam, Bắc, anh em bắt đầu nghĩ tới những giải thưởng, để sau này có thứ bày trong “phòng truyền thống của Ban nhạc”, nhưng quả thật mông lung và xa vời.
Lúc ấy, Trần Lập thường khích lệ mọi người cứ tiếp tục, giữ lửa, cống hiến vì sự đam mê và vì khán giả. Tuy vậy, có lẽ bên trong con người anh, mong muốn được bước lên đỉnh vinh quang luôn cháy bỏng đến cồn cào.
Thế nên, trên sân khấu Cống hiến lúc bấy giờ, tôi đã kịp chia sẻ: “Giá tôi có thể đánh đổi tất cả mọi thứ để anh ấy (Trần Lập) có thể ở đây. Tôi tin ở nơi đó anh ấy đang mỉm cười kiêu hãnh”.
Chiếc Cup “Âm nhạc cống hiến” sau đó đã được chúng tôi đặt trang trọng tại 1995 Buctuong Story, như là một sự ghi nhận chính thức của xã hội về Trần Lập và Bức Tường yêu quý
“Chúng tôi vẫn thế, yêu cái đẹp, sống thật…”
*Nói đến năm tháng, Bức Tường cũng đã trải qua con số 20 năm của tuổi tác, cũng đã có nhiều những đổi thay. Anh có thể nói gì về những biến chuyển trong một “cơ thể” 20 tuổi ấy? Chắc hẳn, có những lúc, có những điều khó thích nghi hoặc hòa nhập với thế giới xung quanh chứ?
- Chúng tôi đã từng “mỏi”, từng phải dừng lại giữa chừng để tìm lại cho mình những giá trị thật sự của bản thân, và đến khi quay trở lại với âm nhạc năm 2010, điều đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến là: “Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta cần làm những gì để được chấp nhận? Phải mạnh dạn thay đổi để hoà nhập, để được yêu thích và để được tiếp tục cống hiến...”.
Vì trong 4 năm Bức Tường tạm nghỉ (2006-2010), mọi thứ xung quanh thay đổi nhiều, từ công nghệ trình diễn, thu âm, kinh doanh âm nhạc và gu thưởng thức của khán giả. Tuy sự thay đổi nào cũng gây ra 2 luồng ý kiến, nhưng rất may mắn là khán giả vẫn yêu mến chúng tôi, vẫn cho chúng tôi những cơ hội được sáng tạo, được cống hiến hết mình.
* Và cho đến lúc này, với dự án gần nhất của các anh thì 1995 Buctuong Story cho thấy các anh đang tiếp tục đặt những viên gạch để truyền - nối cảm hứng về một tinh thần của tuổi trẻ không bao giờ bị “thoái hóa”. Nhưng để làm được điều này, trước hết, các anh sẽ phải tự giữ được sức sống cho bản thân. Các anh làm điều đó như thế nào?
- Chúng tôi vẫn thế, yêu cái đẹp, sống thật, luôn muốn làm và hướng đến những điều tốt đẹp, văn minh. Sau khi thủ lĩnh Trần Lập ra đi, chặng đường của Bức Tường phía trước rất nhiều khó khăn. Chúng tôi không đặt cho mình những mục tiêu xa xôi mà sẽ có từng việc làm cụ thể, thực hiện trọn vẹn những ước nguyện còn dang dở của Trần Lập, để âm nhạc của Bức Tường tiếp tục được vang lên và làm thêm nhiều điều ý nghĩa hơn nữa đối với cộng đồng.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
“Đối với tôi, việc Thể thao & Văn hóa tiếp tục duy trì được truyền thống từ nhiều năm qua - góc nhìn chân thực, khách quan bên cạnh những bài phân tích sâu sắc - sẽ luôn là yếu tố hấp dẫn nhất với độc giả. Và tôi hi vọng mình sẽ vẫn luôn được “thưởng thức” những bài báo như vậy trong tương lai” – chia sẻ của guitarist Trần Tuấn Hùng. |
An Yên (thực hiện)
35 năm TT&VH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất