Liên hoan chầu văn: Nườm nượp xem 'lưng Thánh'

06/10/2013 12:17 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Hướng về bàn thờ mẫu trong phần lớn thời gian, toàn bộ các thanh đồng đều quay lưng lại người xem khi thực hành các diễn xướng của mình. Phía dưới, khán giả vẫn rướn cổ theo dõi, chen chúc nhau trong rạp Công nhân.

1. Cảnh tượng lạ đời ấy diễn ra trong 2 ngày tổ chức vòng chung khảo Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội (4, 5/10). Tầng 1, rồi tầng 2 rạp Công nhân kín đặc người. Trước đó, LH từng dự kiến được tổ chức tại khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội nhưng phải thay đổi vào giờ chót vì  lo không đáp ứng nổi lượng người xem.

"Đành lòng vậy. Rạp Công Nhân phù hợp để tổ chức biểu diễn. Nhưng, sân khấu hộp thì lại khác biệt nhiều so với không gian đặc thù của nghi lễ chầu văn" - GS Ngô Đức Thịnh, thành viên BTC, nói. Trên sân khấu, hệ thống bàn thờ mẫu và Tam Phủ được dựng lại "y như thật" so với các điện thờ. Ở giữa, chiếu của các Thanh đồng được đặt theo hướng quay lưng về khán giả.

"Hơi hạn chế để người xem quan sát, nhưng tôi thấy hoàn toàn hợp lý. Bởi, đây là một buổi diễn xướng nghi lễ tâm linh, thanh đồng phải quay về hướng bàn thờ Mẫu, thay vì quay lại biểu diễn cho khán giả xem như các giá đồng "cách điệu" của sân khấu chèo" - nhạc sĩ NSƯT Hạnh Nhân, thành viên Ban cố vấn của LH, nhận xét thêm.


2. Trong LH, đa phần các thanh đồng bước ra sân khấu đều là những "đồng cựu", từng có nhiều năm tham gia nghi lễ diễn xướng tâm linh này.

Tưng bừng với những giá đồng trên sân khấu, các lớp diễn xướng đều nhận về tiếng vỗ tay và reo hò phấn khích từ người xem. Tuy nhiên, theo đánh giá của GS Ngô Đức Thịnh, "chất lượng chuyên môn" của các giá đồng này cũng chỉ ở mức... chấp nhận được, chứ không đạt tới độ đặc sắc như khi biểu diễn trong các điện thờ.

"Trong không gian sân khấu như thế này thì tạm đành chấp nhận điều đó thôi. Hãy cứ coi đây là một dịp quảng bá và giúp người xem hiểu đúng về bản chất nghi lễ chầu văn." Nhạc sĩ Hạnh Nhân nói thêm "Khi hiểu rồi, mỗi người đều có thể tìm đến các phủ, đền để xem hầu đồng trong không gian đích thực". . Tuy nhiên, theo lời ông, bản thân các giá đồng được biểu diễn cũng còn vài điểm cần bàn về chất lượng.

"Chẳng hạn, có một giá đồng đã... phối cả lời bài dân ca Lào Hoa đẹp Chăm pa trong phần biểu diễn. Đã đành, nghệ thuật luôn có sự phát triển và tiếp biến theo thời gian. Nhưng, thay vì kết nối làn điệu không liên quan gì tới nhau ấy, phía biểu diễn sử dụng âm hưởng từ các điệu sơn ca của dân tộc Mông, Dao, Thái... thì sẽ phù hợp với bản chất của những giá đồng hầu Mẫu Thượng Ngàn".  Nhạc sĩ Hạnh Nhân nói.

Tối 5/10, LH đã kết thúc với việc Hội đồng giám khảo trao tặng bằng khen cho 10 nhóm thanh đồng và cung văn (biểu diễn âm nhạc) có mặt. Nhưng xa hơn, lượng khán giả nườm nượp đổ về rạp Công Nhân mới là điểm nhấn đáng chú ý nhất tại LH lần này.  Sự thật, điều ấy không có gì là lạ - khi trong vài lần biểu diễn "chính thức hóa" gần đây, hầu đồng đều rơi vào cảnh tượng này. Như nhận xét của một số nhà nghiên cứu, sau một thời gian bị cấm, hầu đồng đang tìm lại  "thời hoàng kim" của mình, trước những nhu cầu tâm linh phức tạp và đa dạng trong một xã hội hiện đại nhiều khủng hoảng.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm