03/01/2011 14:24 GMT+7 | Âm nhạc
Ảnh do nghệ sĩ cung cấp
* Không phải chờ tới tận năm 2010, giấc mơ đưa âm nhạc Việt Nam ra... biển lớn đã được ”mơ” từ khá lâu rồi. Vì sao Hà Anh Tuấn tiếp tục một giấc mơ mà trong đó có thể gặp... “ác mộng”?
- Thật ra, “biển” là trong tư tưởng của mỗi người thôi, đó là điều mà tôi nhận ra sau khoảng thời gian vừa qua. Không phải chờ đến khi là một nghệ sĩ lớn được quốc tế biết đến mới là ra... biển lớn. Tôi theo đuổi và thực hiện giấc mơ âm nhạc của mình đến bây giờ là để ra biển trong suy nghĩ và khát vọng của bản thân. Album Cocktail bằng tiếng Anh lần này cũng vậy, là một bước tiếp theo để biết rằng mình không chỉ cố gắng vùng vẫy và thỏa mãn với những gì mình đã có.
* Điều gì khiến Hà Anh Tuấn tự tin theo đuổi và "hiện thực hóa" giấc mơ này?
- Động lực chính là từ những người yêu mến và ủng hộ tôi. Có thể suốt đời này, có người sẽ nói Hà Anh Tuấn mãi mãi là người đi học trong âm nhạc Việt Nam, cũng hoàn toàn không có vấn đề gì. Tôi không theo đuổi âm nhạc vì bất cứ một danh hiệu hay một sự xưng tụng nào cả. Cái tôi mong muốn nhất là mình được mọi người ủng hộ để tiếp tục đi học và theo đuổi những cái mới, văn minh và hiện đại trong âm nhạc. Thế đã là đủ hạnh phúc để tiếp tục đi...
* Anh có nghĩ tới yếu tố “kinh tế” khi thực hiện dự án này? Bởi tôi cho rằng, nếu để bán đĩa, ca sĩ Việt không nên liều lĩnh ra đĩa tiếng Anh?
- Nếu nói về “kinh tế” thì nghệ sĩ ở Việt Nam không nên sản xuất CD, vì tình trạng nghe lậu nhiều quá. Đáng buồn thay là một số công ty tên tuổi lớn cũng đang kiếm lợi nhuận bằng việc cho tải về miễn phí âm nhạc của của nghệ sĩ và bỏ qua một yếu tố rất quan trọng về thương hiệu: đạo đức doanh nghiệp. Ngay cả khi nghèo nhất, tôi cũng không thể ủng hộ suy nghĩ và cách làm này.
Còn về tiếng Anh, tôi lại nghĩ đừng nên lo lắng quá về vấn đề được xem là khó khăn này. Hãy nhìn thế hệ trẻ sau tôi, các bạn ấy đang được hưởng thụ nền giáo dục tốt và kỹ lưỡng. Các bạn nghe nhạc quốc tế và yêu âm nhạc Việt Nam cũng chính vì có một nền tảng kiến thức giáo dục hiện đại. Thế thì không có lý do gì mà âm nhạc Việt Nam lại không tự tin giới thiệu và hòa vào dòng chảy âm nhạc quốc tế ngay tại mảnh đất này. Không thể ước mơ nó thành công rực rỡ đối với cộng đồng quốc tế, nhưng hãy cứ hy vọng nó đáp ứng được ít nhất nhu cầu của những người nghe thuộc thế hệ mới - những người luôn mong đợi điều văn minh và mới mẻ hơn.
* Hình dung của tôi về một Hà Anh Tuấn trong âm nhạc: khôn ngoan, thông minh và năng động. Điều đó có đúng?
- Cảm ơn chị, tôi xem đây là một lời khen (cười). Tôi thích sự chuyển động có hiểu biết để không đi sai đường và cực đoan, mù quáng.
* Nhưng dường như sự khôn ngoan, thông minh và năng động đã khiến anh đi một con đường âm nhạc đầy khám phá mới mẻ song không đại chúng?
- Tính đại chúng là mong muốn của tất cả người làm nghệ thuật. Nhưng nếu chỉ nhìn vào đấy và xem nó là một chuẩn mực duy nhất để cố gắng thì khó mà làm nghệ thuật lắm. Bởi vì chắc chị phải đồng ý với tôi rằng, để di chuyển một nhóm nhỏ sẽ dễ dàng hơn là cả một tập thể đông người. Sáng tạo và tìm tòi là phải chuyển động, và nếu chấp nhận hy sinh số đông và “rủ rê” số ít trước, thì chúng ta mới có những con đường mới. Những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị đã chia sẻ với tôi như thế, và tôi xem đó là tâm niệm của mình.
* Năm 2009, Hà Anh Tuấn xuất hiện trong đề cử giải Âm nhạc Cống hiến ở hai hạng mục, nhưng rốt cuộc lại ra về tay trắng. Cảm giác của anh khi đó thế nào?
- Tôi chưa bao giờ xem các giải thưởng âm nhạc là một cuộc đua. Vì thế tâm trạng trước hay sau khi công bố giải thưởng đều như vậy. Được mời và vinh danh đã là hạnh phúc và tự hào rồi. Nếu có Cúp mang về thì có cớ để đãi bạn bè một bữa tiệc mà thôi. Còn sống và làm việc mà vì thành tích và giải thưởng thì dễ bị ảo tưởng và lạc hậu lắm. Mà thật lòng, đôi khi, được mời đến biểu diễn thích hơn là được đề cử (cười).
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất