Bóng đá châu Á ở Olympic 2012: Chưa thể nói chuyện đẳng cấp

04/08/2012 06:38 GMT+7 | Bóng đá Olympic

(TT&VH Cuối tuần)- Nhân mùa Olympic, chứng kiến các đội châu Á làm mưa làm gió ở Anh mà ngậm ngùi cho bóng đá Việt Nam, Cà phê bóng đá đã gặp ông Phan Anh Tú để nghe ông chia sẻ tâm sự.

* Bóng đá tại đấu trường Olimpic 2012, mới qua hai lượt trận vòng bảng, ta thấy các đội bóng đến từ châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE thi đấu rất thành công. Đặc biệt tuyển Nhật đã có hai trận thắng liên tiếp, bao gồm trận thắng Tây Ban Nha, ứng viên nặng ký cho chức vô địch. Xin ông cho những nhận xét về “hiện tượng châu Á” tại Olimpic 2012.

- Mặc dù mới trải qua hai lượt trận vòng bảng, nhưng chúng ta đã được xem các đội Olympic Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE chơi hay như thế nào. Đội Nhật đã thắng hai trận trước Tây Ban Nha và Maroc, chắc chắn giành vé vào tứ kết. Hàn Quốc sau khi thủ hòa Mexico đã thắng Thụy Sĩ 2-1, gần như có suất vào tứ kết, còn UAE mặc dù thất bại nhưng để lại lối chơi vô cùng ấn tượng trước các đối thủ mạnh như Uruguay, có mặt các ngôi sao quốc tế như (Luis) Suarez, (Edison) Cavani…

Điều đáng nói là việc các đội châu Á thi đấu ngang ngửa với những đối thủ lớn. Chúng ta được chứng kiến các cầu thủ Nhật Bản thi đấu rất khôn ngoan và hợp lý, có thể được ví như đội tuyển Đức ở châu Á vào thời điểm này. Họ chơi rất có tổ chức, biết cách làm việc tập thể nên hỗ trơ nhau rất tốt trong tấn công cũng như phòng thủ, giúp hạn chế được nhiều sự thua thiệt về sức mạnh cơ bắp. Các nguyên tắc chiến thuật được chấp hành triệt để và bài bản với hiệu quả rất cao biết chắt nhờ việc chiu từng cơ hội. Dù chơi không lấn lướt đối thủ, nhưng họ vẫn biết khống chế thế trận và giành chiến thắng khi cơ hội đến. 



Các cầu thủ Olympic Nhật Bản đã gây cú sốc lớn khi đánh bại Tây Ban Nha và vào tứ kết trước một lượt trận- Ảnh Getty

Trong khi đó, Hàn Quốc bao giờ cũng là đội bóng chơi ngoan cường nhờ thể lực dồi dào ko thua kém các đối thủ Châu Âu hay Nam Mỹ. Bóng đá Tây Á mà đại diện là UAE đến Olympic lần này cho thấy sự tiến bộ đáng kể. Họ không còn chơi bóng tự phát và ngẫu hứng thái quá, dựa nhiều vào kỹ thuật cá nhân nữa, mà thay vào đó là sự tính toán rất có ý đồ, giúp họ có thể làm chủ thế trận trước một đối thủ mạnh như Olympic Uruguay. Đây là điều hiếm thấy vì các đội bóng Trung Đông luôn coi bóng đá Nam Mỹ là hình mẫu để học tập. Cuối cùng họ vẫn chịu thất bại bởi đẳng cấp của các cá nhân cầu thủ Uruguay hay Anh.

* Liệu có thể nói rằng bóng đá châu Á đã đạt tới một đẳng cấp mới, không còn quá thua sút so với các đối thủ châu Âu, Nam Mỹ, hay cả châu Phi, ít ra là ở trình độ Olympic?

- Sự tiến bộ nhanh của bóng đá châu Á là không thể phủ nhận, nhưng sẽ là quá sớm nếu nói về vấn đề đẳng cấp. Những bất ngờ ở Olympic 2012 có lẽ mang tính phong độ nhiều hơn. Những nước có nền bóng đá phát triển không quá chú trọng thành tích ở các nội dung trẻ, mà tập trung vào sự rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cầu thủ. Thêm vào đó, đa phần các cầu thủ trẻ, dù xuất phát từ đâu, đều thiếu kinh nghiệm trận mạc, nên mọi chuyện đều có thể xảy ra. Còn ở những sân chơi lớn thực sự như World Cup, những nước có nền bóng đá phát triển ở châu Âu hay Mỹ Latin vẫn chiếm thế thượng phong. Cuối cùng thì đẳng cấp của họ cũng lên tiếng cho đến kết thúc giải.

Để đạt được một đẳng cấp mới sẽ cần nhiều yếu tố, chứ không chỉ qua một trận thắng, cơ bản có ba đòi hỏi chính. Thứ nhất là con người, với cơ bản là tố chất thể lực tốt, sẽ chịu ảnh hưởng cả bởi di truyền, chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Thứ hai là vấn đề đào tạo và bồi dưỡng, được quyết định bởi sự phát triển của phương pháp huấn luyện và sức mạnh của nền kinh tế. Cuối cùng, một nền bóng đá muốn bước lên đẳng cấp khác cần môi trường để phát triển bóng đá đỉnh cao.

Từ đó có thể thấy bóng đá châu Á đang thiếu gì. Các nước có nền kinh tế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước A-rập không thua kém ở yếu tố thứ hai, nhưng ở yếu tố thứ nhất và thứ ba họ còn phải nỗ lực nhiều.



Dù bị loại sớm, UAE đã để lại ấn tượng ở giải với những trận đấu quả cảm trước Uruguay và Anh- Ảnh Getty

* Việt Nam từng gặp UAE ở giải vô địch châu Á, chúng cũng không đến nỗi thua kém lắm. Nhưng bây giờ Olympic UAE đã chơi rất hay, còn Việt Nam vẫn giẫm chân tại chỗ, nếu không nói là tụt lùi. Ông nghĩ gì về hy vọng cho bóng đá nước nhà qua sự tiến bộ của các đội châu Á ở Olympic?

- Chúng ta từng thi đấu với các đội bóng A-rập, trong đó có UAE..., và có những trận đấu ngang ngửa với họ, như tại Asian Cup 2007, thậm trí cả có cả trận thắng được Hàn Quốc, như ở vòng loại Asian Cup 2003 với bàn thắng của (Phạm) Văn Quyến, và cũng từng gây khó khăn cho đội Nhật Bản ở trận đấu giao hữu gần đây. Nhưng cũng dễ nhận thấy đấy là những trận đấu nhất thời mà ta có được phong độ tốt hơn đối thủ. Nhưng để có được một thành tích ổn định và bền vững trước các đối thủ như thế, chúng ta cũng cần phải có đẳng cấp ngang họ.

Nói về đẳng cấp chúng ta có thể so sánh nền bóng đá của Việt Nam với các nền bóng đá phát triển ở châu Á dựa trên ba yếu tố tạo nên đẳng cấp như đã phân tích ở phần trên. Yếu tố con người nhìn chung tầm vóc và thể lực của cầu thủ chúng ta còn thua kém các nước Đông Bắc Á và A-rập. Yếu tố thứ hai là công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng lại phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế, chúng ta cũng thua sút. Yếu tố thứ ba là môi trường để các cầu thủ có thể phát triển là các giải vô địch quốc gia và khu vực, chắc cũng ko thể so sánh với giải vô địch quốc gia của Nhật, Hàn Quốc, khi tính chuyên nghiệp của họ cao hơn. Các huấn luyện viên, cầu thủ ngoại, vốn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bóng đá bản địa, đến làm việc ở đó cũng có chất lượng, đẳng cấp cao hơn, nhiều người đã thành danh tại châu Âu và Nam Mỹ.

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam đang phải vật lộn với quá trình chuyên nghiệp hóa. Các huấn luyện viên, cầu thủ nước ngoài đến giải quốc gia của ta đa số là “hàng dạt” sau khi không thể tìm được đường đến các giải lớn khác ở châu Á, thậm chí có cả những cầu thủ đường phố không được đào tạo và giáo dục đầy đủ, nhiều khi gây ra tác hại hơn là làm lợi cho bóng đá Việt Nam. Những giải khu vực như AFF Cup hay SEA Games cũng chẳng danh giá gì trong bối cảnh Đông Nam Á vẫn là vùng trúng của bóng đá thế giới.

*Cám ơn ông

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm