Vì sao Andy Murray không bao giờ thuộc nhóm bộ tứ?

08/09/2015 20:21 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Tay vợt người Scotland vừa bị Kevin Anderson đánh bại ở giải Mỹ mở rộng.

Andy Murray thua 7-6 (5), 6-3, 6-7 (2), 7-6 (0) dưới tay hạt giống số 14 Anderson ở vòng 4 giải Mỹ mở rộng hôm thứ Hai, lần bị loại sớm nhất của anh ở một giải Grand Slam trong 5 năm qua (anh thua ở vòng 3 cũng giải Mỹ mở rộng năm 2010). Đây lại một nỗi thất vọng nữa với Murray, người từng chiến thắng 2/3 Grand Slam mà anh thi đấu từ cuối năm 2012 tới giữa 2013.

Nhưng còn hơn thế, trận thua nêu ra câu hỏi lớn về khái niệm “Bộ tứ” vẫn được nói tới lâu nay trong làng banh nỉ ở nội dung đơn nam, một nhóm gồm Murray, Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic, được coi là những người cùng đẳng cấp. Trên thực tế, Murray chưa bao giờ thực sự bằng vai phải lứa với các tay vợt lớn đó, và cơ hội để anh đạt tới tầm vóc như thế không còn nhiều.

Dưới đây là 4 lý do giải thích cho nhận định nói trên.

1. Murray có số Grand Slam bằng với Stan Wawrinka

Chúng ta có thể chỉ cần nêu mỗi lý do này. Bạn không thể so sánh Murray với các thời đại khác (chẳng hạn, Murray chỉ có số Grand Slam bằng với Sergi Brugera), vì những thời đại tennis trước không tồn tại nhóm bộ tam hay bộ tứ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể so sánh Murray với những người cùng thời, như Wawrinka.

Tay vợt người Thụy Sĩ chơi khá hay và sự nghiệp của anh chủ yếu giao động từ hạng 25 tới 15 cho tới khi giành 2 Grand Slam. Đây sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất chống lại Murray. Bất chấp thành tích ở các giải Masters 1000 của họ có ra sao, huyền thoại không được làm nên ở Cincinnati, mà phải ở New York.

Trước chức vô địch đầu tiên của Wawrinka, các BLV vẫn dẫn thống kê là nhóm “Bộ tứ” giành 34/35 danh hiệu Grand Slam. Nhưng nếu bỏ tên Murray ra, thì sự áp đảo của “Bộ tam” cũng không khác là mấy. Họ đã giành 29/30 Slam (trước khi Murray vô địch lần đầu) và 34/38 (trước Wawrinka) và 36/42 (tính tới giờ). 3 người giành 32 Slam rõ ràng là ấn tượng hơn nhiều so với 4 người giành 34 chức vô địch. Chỉ một bài toán đơn giản sẽ khẳng định điều đó.

2. Anh chưa bao giờ là số 1

Nếu bạn muốn là vĩ đại, bạn phải là số 1 ít ra một lần. Murray chưa bao giờ vươn lên vị trí cao nhất của bảng xếp hạng quần vợt nam, và đáng nói hơn, anh chỉ ở vị trí số 2 được đúng 19 tuần. Một lần nữa, lại là những con tính đơn giản: Federer, Djokovic và Nadal đã ngự trị ở số 1 trong lần lượt 302, 163 và 141 tuần. Khi người tệ nhất trong “Bộ tam” đã ở số 1 nhiều gấp 7 khoảng thời gian bạn ở hạng 2, bạn sẽ không dám đặt mình ngồi cùng chiếu với họ.


3. Từ chiến thắng ở Wimbeldon, Murray bị loại ở 5/9 giải Slam từ trước bán kết

Cú ăn ba Olympic, Mỹ mở rộng, Wimbledon giai đoạn 2012-13 được chờ đợi là thời điểm cất cánh của Murray. Những người hâm mộ anh hy vọng Murray sẽ thực sự bước lên đẳng cấp của “Bộ tam” và biến nó thành “Bộ tứ”. Nhưng kể từ Mỹ mở rộng 2013, thành tích của anh ở các giải Slam là: tứ kết, tứ kết, bán kết, tứ kết, tứ kết, chung kết, bán kết, bán kết, vòng 16 tay vợt. Không một lần vô địch, 1 trận chung kết, 3 trận bán kết, 4 trận tứ kết và lần bị loại mới rồi. Với một tay vợt tầm tầm, thành tích đó thật ấn tượng, nhưng để nằm trong nhóm “Bộ tứ” thì không thể. Một trận chung kết trong 9 giải Slam có nghĩa là Murray còn kém cả Federer, người lớn hơn anh 6 tuổi!

4. Thành tích đối đầu với “Bộ tam”

Đó là những thống kê đơn giản. Thành tích đối đầu của Murray với Bộ tam lần lượt như sau: với Djokovic 9-19; với Federer 11-14; và với Nadal 6-15. Tổng cộng, anh thắng 26 và thua 48 trận với những người lẽ ra anh phải chơi ngang ngửa. Vị trí thứ 4 của Murray trong thế giới tennis, vì những lý do đó, là quá xa so với tốp ba.

Trần Trọng
Theo USA Today

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm