Đội tuyển Hà Lan: Thành công nhờ... khúc côn cầu

20/06/2014 10:34 GMT+7 | Bảng B

(giaidauscholar.com) - Chiến thắng 5-1 gây sốc của Hà Lan trước nhà ĐKVĐ World Cup Tây Ban Nha tuần trước gợi nhớ về một thời kỳ huy hoàng. Một khi người Hà Lan đã làm chủ trận đấu thì họ sẽ khiến cho những đội bóng hay nhất trên thế giới trông như thể đang chơi bóng bằng guốc gỗ.

Lý do để Hà Lan trở thành quyền lực của làng túc cầu được cho là nhờ phương pháp huấn luyện siêu việt, nền chính trị tiến bộ và thậm chí là địa hình thấp hơn mực nước biển.

Bí quyết chiến thắng nằm ở... khúc côn cầu

Tuy nhiên, điều khiến cho Hà Lan trở thành một đối thủ đáng sợ có lẽ là vì truyền thống thành công trong môn thể thao ít được chào đón hơn: Khúc côn cầu trên cỏ. Tuần trước trong khi hàng triệu tín đồ bóng đá hướng sự chú ý đến World Cup tại Brazil thì những người yêu thích khúc côn cầu trên cỏ bị mê hoặc bởi giải vô địch khúc côn cầu thế giới FIH tổ chức ở Hà Lan.

Đội tuyển nữ chủ nhà lập kỷ lục 7 lần vô địch thế giới trong khi đội nam giành huy chương bạc. Kết quả này duy trì truyền thống thành công đáng tự hào của môn thể thao này tại Hà Lan, và ngày một nâng tầm ảnh hưởng đối với bóng đá kể từ thập kỉ 1960. Huấn luyện viên Louis van Gaal mang đến Brazil hai cựu cầu thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp trong ban huấn luyện.

Cựu ngôi sao Edgar Davids nói: “Nếu bạn nhìn lại nhiều năm trước, chúng tôi có thế nói với các bạn rằng khúc côn cầu đã có ảnh hưởng lớn tới các trận đấu tại Hà Lan ra sao”. Mặc dù 2 môn này đều có bóng, lưới, 22 cầu thủ chạy dọc sân nhưng giữa chúng không có nhiều điểm chung. Khúc côn cầu vừa cần di chuyển ở tốc độ cao nhất vừa dùng gậy điều khiển quả bóng nhỏ. Nhưng nhìn từ nền tảng thì chúng ta có thể biết được tại sao nó có tầm ảnh hưởng.

Cội nguồn của bóng đá tổng lực

Sân của khúc côn cầu chỉ bằng 70% sân bóng đá, cùng với việc dùng gậy làm hạn chế không gian của các cầu thủ khiến phẩm chất quyết định phải là di chuyển không bóng thông minh và kiểm soát bóng lão luyện. Bóng cũng hiếm khi rời mặt đất nên để đưa bóng đến khung thành thì gần như hoàn toàn bằng cách rê bóng tốc độ và kết hợp chuyền bóng nhanh. Tất cả các cầu thủ phải kiểm soát được bóng một cách thoải mái khiến cho lâu nay việc hoán đổi vị trí là một trong những chiến thuật cần thiết nhất.

Điều này nghe có vẻ rất quen, bởi vì chúng là những đặc trưng cơ bản của bóng đá Hà Lan từ thập kỷ 1970 khi Johan Cruyff dẫn đầu đội tuyển màu Da cam làm người hâm mộ choáng ngợp bởi khả năng chuyền bóng nhanh, chiếm ưu thế kiểm soát bóng và di chuyển không ngừng. Cựu huấn luyện của đội khúc côn cầu nữ Marc Lammers cho rằng sẽ không quá lời nếu bảo cuộc cách mạng bóng đá tổng lực bắt nguồn từ khúc côn cầu trên cỏ ở Hà Lan bởi khúc côn cầu thời đó là tốc độ, sáng tạo, kỹ năng cá nhân, hoán đổi vị trí thường xuyên và bóng đá học được từ sự cách tân đó khi nhiều thế hệ HLV tìm cảm hứng ở môn thể thao này như Cruyff thường hay đến sân theo dõi và học hỏi.

Lammers mô tả Van Gaal là người luôn tìm cách để có được 2% tiến bộ trong các đội bóng của ông ấy vì thế ông muốn biết tại sao Hà Lan luôn giành chiến thắng ở môn khúc côn cầu.

Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm