Biến tấu World Cup: Hãy bỏ lại cơn bão sau lưng, Hà Lan

07/07/2014 13:51 GMT+7 | Tứ kết

(giaidauscholar.com) - Tôi kiếm tìm; tôi chiến đấu, vì một con đường vượt thoát.  

Để lật ngược lại định mệnh của mình

(trích ca khúc Final Destination của ban nhạc Hà Lan Within Temptation)

1. Bao nhiêu người sẽ tiếc nuối Costa Rica sau thất bại trước Hà Lan? Không ít. Bởi chúng ta mơ mộng; chúng ta thích sống an toàn nhưng chúng ta luôn mơ về những cuộc nổi loạn. Costa Rica, nếu vào bán kết, sẽ tạo ra một cuộc nổi loạn của Trung Mỹ, nhưng cuộc nổi loạn ngẫu hứng thường sẽ chỉ còn mang lại sự hỗn loạn. Mà một World Cup thì không bao giờ nên trở thành một sự kiện hỗn loạn.

Bao nhiêu người sẽ nói Hà Lan chơi không đẹp mắt như họ đã từng, hay ít ra như cách họ đấu với Tây Ban Nha và Australia? Cũng không ít. Nhưng ở một sàn đấu chỉ có 7 bước là tới thiên đường, người ta không thể chỉ đến đó và mua vui. Người ta phải đến để sống cả ước vọng của mình, đặc biệt là khi ước vọng ấy đã được nuôi dưỡng bao nhiêu thập niên nay rồi.

Tờ L’Equipe số ra sáng ngày 06/07/2014, một ngày sau thất bại của Pháp trước Đức, có một câu rất hay: World Cup là nơi 32 đội bóng thi đấu và 31 kẻ thất bại. Có ai muốn đứng chung chỗ với kẻ thất bại ấy không? Có kẻ nào từ chối chiến thắng chỉ vì nó (cứ cho là) được ban xuống bởi thánh thần, kiểu như cách Apollo cố tình lái mũi tên của Paris vào gót chân của Achilles?

2. Nhưng sẽ vẫn có những người, vì một vị kỷ cá nhân nào đó, cho rằng Hà Lan đã không thể hiện được họ hoàn toàn xứng đáng cho cuộc chinh phục lần này. Họ còn nuối tiếc hình ảnh dong dỏng cao của Cruyff ngày nào, với một Hà Lan chơi như bão tố, chơi cuồn cuộn trước mọi đối thủ. Họ còn tôn thờ một thần tượng còn sống, một thần tượng đã được phong thánh: Thánh Johan Cruyff.

Chúng ta không có quyền quên đi những huyền thoại bởi đơn giản, họ là một phần của lịch sử, thứ mà mỗi chúng ta chống lưng mình để sống. Nhưng nếu cứ đắm chìm với những quá khứ, chúng ta không bao giờ có thể tạo ra nổi những giá trị mới. Nếu người Hà Lan chỉ vì quá tôn sùng Rembrandt, họ sẽ làm gì có Van Gogh? Nếu người Hà Lan chỉ vì quá tôn sùng Van Gogh, họ sẽ làm gì có Maurits Escher? Và nếu chỉ tôn thời một thời vàng son của Cruyff, họ sẽ còn thất bại đến bao giờ?

Louis van Gaal không cần được phong thánh. Nhưng ông cần được ghi nhận là người đầu tiên đưa Hà Lan lên ngôi vô địch thế giới. Chặng đường khó khăn ấy, ông đã đi đến những cột mốc cuối, với sự thực dụng đến lạnh lùng, mà điển hình là cách ông tung Tim Krul vào sân ở những phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai để đương đầu với cuộc đấu súng luân lưu với người Costa Rica.

Đơn giản, Louis là người hiểu rất rõ giá trị của hiện tại và tương lai, giá trị của cơ hội. Ông đã bỏ lại cơn bão của quá khứ oai hùng nhưng thiếu hiệu dụng ở sau lưng, để bắt đầu một số mệnh mới cho người Hà Lan, một số mệnh mà nếu ông thành công, rồi ông cũng sẽ được tín đồ túc cầu Hà Lan phong thánh.

3. Hà Lan không chỉ có Rembrandt. Hà Lan không chỉ có Van Gogh. Hà Lan không chỉ có Spinoza. Hà Lan cũng không chỉ có Cruyff. Hà Lan còn rất nhiều con người khác, với những cá tính khác, lao động theo cái cách không cần được ghi nhận bằng cái danh “nghệ sỹ” hão huyền.

Điều Hà Lan còn chưa có lúc này, chỉ là chức vô địch World Cup. Và bởi thế, họ cần con người phù hợp, tính cách phù hợp để đạt được mục tiêu ấy.

Hãy cùng họ, bỏ lại hình ảnh của cơn bão da cam ở lại sau lưng…

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm