'Hà Nội 1967 - 1975' là minh chứng cho sự kiên cường Việt Nam

21/10/2021 07:35 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

(giaidauscholar.com) - Sau triển lãm ảnh Hà Nội 1967 – 1975 của nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt do Viện Goethe tại Việt Nam, Manzi Space Art và công ty Nhã Nam tổ chức hồi tháng 10/2020, cuốn sách cùng tên cũng đã được NXB Thế giới và Nhã Nam ấn hành ngay sau đó.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021: Tình yêu lớn trong 'mùa Covid'

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021: Tình yêu lớn trong 'mùa Covid'

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 của Báo Thể thao & Văn hóa đã chính thức thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng bao gồm Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.

Để rồi, gần một năm sau, khi giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 khởi động, sách ảnh Hà Nội 1967 – 1975 đã có tên trong danh sách đề cử chính thức ở hạng mục “Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội”. Lễ trao giải và triển lãm dự kiến diễn ra vào 14h ngày 28/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Còn nhớ, trong cuộc tọa đàm trực tuyến được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách vào năm ngoái, khi nói về Thomas Billhardt và những bức ảnh của nhiếp ảnh gia “đồng hương”, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam cho biết: “Đến Việt Nam vào thời chiến, Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu mà ông còn đứng về phía lẽ phải. Nhiệm vụ Thomas Billhardt tự đặt ra cho mình là những thứ ông đem trở về nước Đức không chỉ là những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim mà ông đã tiếp nhận được ở Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam

Sau khi hay tin cuốn sách được đề cử giải thưởng, là người khởi xướng triển lãm và in sách, ông Wilfried Eckstein tiếp tục bày tỏ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):

- Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia xuất sắc của Đức và tác phẩm của ông có một số mối liên hệ ý nghĩa với Việt Nam. Vì vậy, lẽ tự nhiên Viện Goethe sẽ tìm cơ hội để tôn vinh ông và các tác phẩm của ông, đồng thời giới thiệu tuyển tập các bức ảnh phong phú của ông cho khán giả Hà Nội.

Chú thích ảnh
Hầm trú ẩn được Thomas Billhardt chụp năm 1968 tại Hà Nội

* Những bức ảnh của Thomas Billhardt trước khi được Viện Goethe tuyển chọn trưng bày tại Việt Nam đã được giới thiệu, trưng bày ở nhiều nơi chưa, thưa ông?

- Các bức ảnh đều do bà Vũ Trâm từ Manzi Art Space phối hợp với Camerawork, Berlin tuyển chọn. Một số bức ảnh đã được trưng bày tại các triển lãm khác nhau ở Đức và bên ngoài nước Đức. Nhưng triển lãm Hà Nội 1967-1975 và cuốn sách ảnh do Nhã Nam liên kết ấn hành - là duy nhất và chỉ dành cho Hà Nội.

Chú thích ảnh
Một bức ảnh của Thomas Billhardt trong sách ảnh Hà Nội 1967-1975

* Theo ông, ở nước Đức và trên thế giới, những bức ảnh của Thomas Billhardt được biết đến như thế nào trong quá khứ và hiện tại?

- Thomas Billhardt là một nhà thám hiểm phê bình với những phán đoán nhạy bén về các tình huống khủng hoảng trên thế giới. Các phóng sự ảnh của ông là minh chứng cho thái độ phê phán này. Thông qua các bức ảnh và ảnh chụp trẻ em nói riêng, nhiếp ảnh của ông trở thành một phương tiện truyền tải sự đồng cảm và đoàn kết trong những hoàn cảnh khủng hoảng như nghèo đói và chiến tranh. Billhardt là một tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh quốc tế và Đức.

Chú thích ảnh
Hai em bé đội mũ rơm ở Hà Nội năm 1968 qua góc máy của Thomas Billhardt

* Khi xem được những bức ảnh của Thomas Billhardt chụp về Hà Nội, cảm xúc của ông thế nào? Ông hình dung như thế nào về một Hà Nội xưa kia qua những bức ảnh ấy?

- Triển lãm tập trung vào những năm chiến tranh nhưng không nói về sự tàn phá. Những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc của sự dịu dàng, vui vẻ, các cảnh chơi đùa và học tập. Các bức ảnh tập trung vào phẩm giá của cuộc sống hàng ngày ngay cả trong thời gian cuộc sống bị đe dọa.

Những bức ảnh nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả trong những lúc nguy cấp, cảm giác về cộng đồng và sự bình an vẫn tồn tại. Những bức ảnh ấy minh chứng cho sự kiên cường của người dân Việt Nam.

* Ông đã trực tiếp gặp Thomas Billhardt lần nào chưa? Và suy nghĩ của ông về sự gắn bó của Thomas Billhardt với Hà Nội là gì?

- Tôi đã gặp Thomas Billhardt ở Đức và ở Hà Nội. Thomas Billhardt yêu Hà Nội. Lần đầu tiên đến Hà Nội (năm 1967), lúc đó ông 30 tuổi. Đó là hành trình thứ hai của ông đến một đất nước xa lạ - trước khi ông đến Cuba.

Tôi nghĩ, mặc dù chiến tranh chống Mỹ đã hiện diện rất nhiều khi Thomas Billhardt đến thăm Hà Nội, nhưng ông không thể không yêu Hà Nội và con người nơi đây. Vì ông đã cảm nhận được phong cách sống và chứng kiến ý thức cộng đồng ở Hà Nội.

Chú thích ảnh
Hình ảnh đôi nam nữ dân quân được Thomas Billhardt chụp tại Hà Nội năм 1968

Do đó, ông đã quay trở lại hàng chục lần nữa và vẫn luôn trung thành với tình yêu của mình. Tôi chắc chắn rằng ông ấy sẽ trở lại Hà Nội ngay sau khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi. Và ông sẽ chụp rất nhiều bức ảnh về Hà Nội ngày nay.

Có rất nhiều người Đức có tình cảm sâu sắc và tích cực đối với Việt Nam. Tôi từng biết một nhiếp ảnh gia Tây Đức đã chụp ảnh miền Nam Việt Nam trong chiến tranh, ông ấy cũng có tình cảm rất thân thiết với Việt Nam. Và còn rất nhiều người Đức yêu mến Việt Nam, yêu mến con người, đất nước và phong cách sống nơi đây và muốn đến gần với Việt Nam hơn nữa.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Gương mặt đặc biệt

“Thomas Billhardt là một trong những nhà nhiếp ảnh đặc biệt nhất ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Những tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.

Nghệ thuật nhiếp ảnh của ông hình thành và lan tỏa vào thời kỳ trước sự bội thực kỹ thuật số. Đó là những bức ảnh khiến người ta không thể quên, luôn hiển hiện ra trước con mắt của tâm trí. Những bức ảnh của ông bắt thế giới phải tự soi lại mình và đồng thời cho thấy hy vọng vẫn tồn tại. Chúng kể cho ta nghe về sự bất công xã hội trên thế giới, về sự nghèo đói, về sự đau khổ, về chiến tranh, nhưng cũng về cuộc sống của con người và nụ cười của họ” – Lời giới thiệu sách Hà Nội 1967 – 1975.

ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967 – 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt (Đức)

2. Bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín

3. Cuốn sách Tay chơi (NXB Trẻ) của Mai Lâm

Huy Thông - Ngọc Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm