Quy tắc ứng xử: Có nên 'bêu tên' người có hành vi phản cảm?

07/02/2017 07:17 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng ở Hà Nội” đang gây ra những tranh luận trái chiều quanh ý tưởng: Phê bình công khai những cá nhân (và tập thể) có hành vi không đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện tại, các cơ quan soạn thảo đang lấy ý kiến của cộng đồng về dự thảo này (qua trang web của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội) trước khi tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện.

Sự quyết liệt cần thiết!

Trước đó, với những bức xúc về sự “lệch chuẩn” trong văn hóa ứng xử Thủ đô, nhiều người đã gọi bộ Quy tắc sắp ra đời này là “hương ước” cần thiết để lấy lại nét văn hóa của người Hà Nội trong truyền thống.

Và, trong cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), chuyên gia đầu ngành về xã hội học, Hà Nội học đều khẳng định: ý tưởng “bêu tên” của cơ quan soạn thảo trước hết cho thấy sự quyết liệt cần thiết để dự thảo thật sự phát huy hiệu quả trong đời sống.

“Nhìn về động cơ, cũng như quá trình chuẩn bị, việc quyết tâm hiện thực hóa bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội đáng ghi nhận. Thực tế, thời gian qua, những vấn đề ứng xử công cộng của người Hà Nội đang gặp rất nhiều vấn đề” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ.


Hình ảnh những cô gái trẻ ăn phản cảm tại một trung tâm điện máy tại Hà Nội khiến dư luận bất bình thời gian qua.

“Từ chuyện nhân viên nhà nước kẹp cổ tiếp viên hàng không để bạn đánh tới chuyện cán bộ đánh người cao tuổi, rồi giẫm hoa, bún “mắng”, cháo “chửi”... đang cho thấy những dấu hiệu lệch chuẩn nghiêm trọng của văn hóa ứng xử của người Thủ đô”- ông Bình nói - “Bên cạnh đó, những hành động xả rác, đi vệ sinh bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng... chúng ta đều gặp hàng ngày”.

Theo phân tích của ông Bình, nhìn lại nội dung được nhắc tới trong dự thảo, các vấn đề “lệch chuẩn” được đưa ra đều được dự thảo Bộ quy tắc ứng xử tiếp cận khá bài bản. Và nếu có biện pháp tốt để thực hành, những điều khoản này đều hứa hẹn giúp cách ứng xử của người Hà Nội đàng hoàng, văn minh hơn.

Đồng tình với quan điểm của ông Trịnh Hòa Bình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, (Giải thưởng lớn Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội) chia sẻ thêm: “Những hành vi phản cảm được thống kê, tôi đều từng bắt gặp trong những năm tháng sống cùng Hà Nội. Khi văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang đi xuống trầm trọng, việc “nắn chỉnh” là chủ trương quyết liệt cần thiết.

Nhưng cần cẩn trọng

Tuy đồng thuận với sự quyết liệt cần có của dự thảo, hai chuyên gia này vẫn bày tỏ sự băn khoăn với ý tưởng “bêu tên” người vi phạm.

Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy tắc sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

“Trong quá khứ, đã có lúc chúng ta từng áp dụng biện pháp mạnh với những người phản cảm trong ăn mặc, điển hình là việc cắt quần ống loe của những người bị “gắn nhãn” “ăn chơi” tại Nhà hát lớn, trước mặt mọi người những năm 1960” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng chia sẻ. “Nhìn lại, đó là biện pháp mang tính miệt thị. Bây giờ, để dẹp những hành vi bị coi là không đẹp, chúng ta nên cẩn thận để tránh sa vào những cách xử lý cũng mang hơi hướng miệt thị nơi cộng cộng”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích thêm: Bản quy tắc ứng xử chỉ hàm nghĩa khuyến cáo chứ không phải văn bản luật. Ngoài trừ những hành vi vừa phản cảm vừa vi phạm pháp luật, phía quản lý không có quyền vi phạm quyền nhân thân.

Bởi vậy, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, việc công bố thông tin cá nhân của người vi phạm bộ quy tắc ứng xử mang tính bất khả thi, đồng thời rất khó đạt được sự đồng thuận của dư luận. Và, những người soạn thảo dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cũng không nên đặt quyền hạn quá lớn lên bộ quy tắc. Bởi nếu không, tình trạng các quy định chồng lấn, không rành rẽ, không rõ người chịu trách nhiệm thực hiện sẽ khiến Bộ quy tắc khó đi vào đời sống.

Tuy vậy, các chuyên gia đều ghi nhận thái độ cầu thị của Hà Nội khi cho lấy ý kiến cộng đồng về Bộ quy tắc ứng xử. Nói như lời nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, dù đang trong quá trình hoàn thiện, việc góp ý cho dự thảo cũng khiến người Hà Nội thấy trách nhiệm của mình trong việc chung tay xây dựng “hương ước” của Thủ đô.


Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm