05/02/2022 11:00 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 14/2/2022, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), bảo đảm các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý.
* 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đến trường
Theo Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 3/2/2022, cả nước đã thực hiện được hơn 18,6 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là trên 165,3 triệu liều (bao gồm mũi 1, mũi 2, mũi bổ sung và mũi 3); 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82%-dưới 90%.
Về số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là trên 16,2 triệu liều (gồm mũi 1 và mũi 2 ). 37/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%; 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 23%- dưới 80% .
Độ phủ vaccine tăng cao khiến các hoạt động giao thương, đi lại, xã hội trở lại mạnh mẽ hơn. Cùng với những chuyển động tích cực trong mở cửa du lịch, ngành giáo dục cũng đã có kế hoạch mở lại toàn bộ trường học sớm.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các nhiệm vụ trọng tâm sau tết (chiều 3/2), Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đưa học sinh trở lại trường sau tết.
Theo tổng hợp, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho học sinh trung học đi học trong khoảng thời gian từ 7/2 đến 14/2; 60 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch với học sinh tiểu học, mầm non, còn Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã lên kế hoạch nhưng phải chờ việc lấy ý kiến phụ huynh để ấn định ngày đi học cụ thể.
Ngay sau Tết, Bộ GDĐT có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi. Bộ GDĐT cũng dự báo, khi quay trở lại học trực tiếp, hệ thống mầm non tư thục sẽ thiếu giáo viên.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học trong khoảng thời gian từ 7/2 đến 14/2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT, bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.
Thủ tướng cũng khẳng định, chúng ta đã đạt mục tiêu đã đề ra trong việc tổ chức Tết Nguyên đán an ninh, an toàn, an dân… Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đồng thời thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân để an toàn mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, ngày 19/1, Bộ GDĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Tại hội nghị này, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đại diện Bộ Y tế, đại diện các địa phương đã phân tích các điều kiện cần thiết cho việc mở cửa trường học, đồng thời thống nhất việc mở cửa trường học là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện tại và phải được làm sớm nhất ngay sau Tết Nguyên đán.
Ngày 24/1, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2.
Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước và thực tế Việt Nam, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
* Đảm bảo mở cửa trường học an toàn
Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ không được đến trường hoặc đến trường rất ít trong một thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như tác động nhiều mặt khác. PGS-TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng vọt theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.
Tổ chức UNICEF cũng đã có bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập… Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình, lao động trẻ em, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.
Thêm vào đó, các khảo sát cho thấy nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học là thấp hơn nhiều so với nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh - địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thời gian trước - sau thời gian thí điểm đi học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%; tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%...
Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT, việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “sống chung với COVID-19”.
Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng, cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ, việc cho trẻ em đi học là rất cần thiết, chính quyền, nhà trường và gia đình không nên quá lo lắng.
Chính quyền và nhà trường, cha mẹ cũng nên phối hợp để hoạt động dạy và học được thông suốt, tránh tình trạng hôm trước cho trẻ đi học, hôm sau có dịch sợ quá đóng cửa luôn. PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, quan tâm tới quyền lợi và mong muốn của con trẻ nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, không chỉ là chuyện mở cửa trường học, mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh. Do đó, các các địa phương, các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường.
Minh Duyên (tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất