'Hà Nội... ngày... tháng... năm' và cuộc 'hồi xuân' của một nhà hát công lập

29/11/2018 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Một lần nữa, nhà hát ca múa nhạc Thăng Long "biểu dương lực lượng", nhưng theo cách rất khác so với "Hà Nội - Xưa và nay" một năm trước. 

NSƯT Tấn Minh: 'Chúng tôi không dựng vở chỉ để… đi thi'

NSƯT Tấn Minh: 'Chúng tôi không dựng vở chỉ để… đi thi'

Chuyện những vở diễn đạt huy chương vàng rồi rơi cảnh “đắp chiếu, bỏ kho” là điều không lạ ở những đơn vị nghệ thuật quốc doanh. Nhưng, với Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long của NSƯT Tấn Minh, họ đang gắng thoát khỏi lối mòn này với một tư duy riêng.

Đêm công diễn vở kịch hát Hà Nội...ngày...tháng...năm của nhà hát ca múa nhạc Thăng Long gần như kín chỗ. Đúng như NSƯT Tấn Minh tự tin, chưa biết lãi như thế nào nhưng lỗ thì ... không sợ. 

Tài chính là câu chuyện đáng bàn với vở diễn này. Dù tất nhiên, không chỉ riêng nhà hát Thăng Long mà đơn vị nào tổ chức show cũng mong "cháy vé". Nhưng đối với Nhà hát Thăng Long, kết quả khả quan về doanh thu đóng vai trò như "cơn mưa ngày nắng hạn", là điều kiện cần để tập thể do NSƯT Tấn Minh dẫn dắt tiếp tục với con đường "tự chủ", thoát khỏi "bầu sữa" Nhà nước. 

Trên thực tế, với hiệu ứng còn dư âm từ Hà Nội xưa và nay hồi năm ngoái, nhà hát Thăng Long có đủ cơ sở để tự tin khán giả sẽ tiếp tục tin tưởng quay trở lại với họ.

Về khía cạnh nghệ thuật, Hà Nội...ngày...tháng...năm được "bảo chứng" bởi một HCV tại Liên hoan nghệ thuật toàn quốc 2018, cùng "cơn mưa" huy chương và giải thưởng cho những nghệ sĩ tham gia. Khi mang ra công diễn, vở diễn đã được "nới rộng" từ 70 phút đến 2 tiếng. 

Với 3 phần rõ rệt, chương trình gợi cho khán giả những xúc cảm về một thời kỳ không thể quên của Hà Nội với đầy đủ khía cạnh: từ hào hoa, thanh lịch đến những đổ nát chiến tranh và cả cách người Hà Nội mạnh mẽ vượt qua đau thương mà đứng dậy. Những ca khúc về Hà Nội quen thuộc của các nhạc sĩ Dương Thụ, Phan Huỳnh Điểu, Trần Tiến,... được lồng ghép hài hoà, cùng với đó là sáng tác "mới toanh" của Dương Cầm đã lấy làm tựa đề cho cả vở diễn.

Chú thích ảnh
NSƯT Tấn Minh song ca với ca sĩ Khánh Linh 

Hà Nội... ngày... tháng... năm tiếp tục là phép thử của Nhà hát Thăng Long. Nhưng không giống như sản phẩm trước Hà Nội xưa và nay vốn đóng vai trò như màn "chào sân" trong nỗ lực đổi mới. Hà Nội... ngày... tháng... năm là "cuộc chơi" của lớp tài năng trẻ thuộc nhà hát.

Trong cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hoá ít ngày trước, giám đốc NSƯT Tấn Minh khẳng định anh đặt niềm tin và tạo điều kiện hết sức cho những người trẻ, dẫu còn những thứ chưa chỉn chu. 

Điều này thể hiện rõ nhất ở đội hình "ra quân" của nhà hát trong lần này. Không có một gương mặt nào thuộc hàng "gạo cội", ngoại trừ đích thân NSƯT Tấn Minh. Nếu so với Hà Nội xưa và nay hồi năm ngoái sẽ thấy ngay sự khác biệt khi tiết mục được coi là đặc sắc nhất  - Hoá vàng đã được đặt vào tay NSƯT Thanh Thanh Hiền. 

Chú thích ảnh
Hà Nội...ngày...tháng...năm là cuộc "ra quân" của tài năng trẻ Nhà hát Thăng Long

Và minh chứng rõ ràng nhất cho niềm tin vào lứa thế hệ trẻ của NSƯT Tấn Minh là việc giao trọn vẹn phần âm nhạc cho nhạc sĩ Dương Cầm. Năm ngoái, Hà Nội xưa và nay cũng chính Dương Cầm tham gia làm nhạc nhưng vẫn có sự đồng hành của NSƯT Mạnh Tiến.

Bởi vậy, nếu Hà Nội xưa và nay được NSƯT Tấn Minh khẳng định là cuộc "biểu dương lực lượng", nhằm giới thiệu đến công chúng những nghệ nhân tài năng của nhà hát để cho thấy họ "ăn đứt đơn vị tổ chức nghệ thuật tư nhân", thì Hà Nội... ngày... tháng... năm lại là cuộc "diễu binh" của những tài năng trẻ, thế hệ được kỳ vọng sẽ đưa nhà hát "hồi xuân". 

Dương Cầm với sự chỉn chu và cầu toàn của mình, cùng các nghệ sĩ trẻ của nhà hát Thăng Long như Đông Hùng, Khánh Linh,... đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ và có thể nói là không khiến NSƯT Tấn Minh cũng như đa phần khán giả thất vọng.

Chú thích ảnh

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp của những "người ngoài". Biên đạo múa Trần Ly Ly bằng kinh nghiệm của mình cũng thể hiện dấu ấn rõ nét với những phần múa được dàn dựng công phu, hợp lý.

Đặc sắc nhất phải kể đến tiết mục múa Hà Nội 12 ngày đêm đã khắc hoạ rõ nét những đổ nát, đau thương của một Hà Nội dưới thời kỳ mưa bom bão đạn. Đây cũng chính là điểm sáng lớn nhất của đêm diễn.

Tiết mục múa "Hà Nội 12 ngày đêm"

Hồng Nhung là ca sĩ khách mời duy nhất trong đêm diễn. "Cô Bống" thể hiện 2 ca khúc Phố à phố ơi và Về với đông. Đáng tiếc, vì lý do sức khoẻ mà diva đã không có phần thể hiện trọng vẹn, chị bị hụt hơi và hát không rõ lời. 

Được biết, Hồng Nhung đã phải vào viện một ngày trước đêm công diễn, huỷ tất cả show từ trong đến ngoài nước vì vấn đề sức khoẻ nhưng riêng với nhà hát Thăng Long diva vẫn tham dự để tròn vai. Ngay sau chương trình, Hồng Nhung lại phải tiếp tục nhập viện. 

Chú thích ảnh
Hồng Nhung 

Cùng với đó, dù còn những hạt sạn nhỏ về âm thanh, ánh sáng nhưng buổi diễn đã thành công và một lần nữa, tiếp thêm sức mạnh cho tập thể Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. 

Một số hình ảnh trong chương trình: 

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

 

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

          Hà My. Ảnh: BTC cung cấp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm