'Ngọc bất trác bất thành khí'

21/01/2014 11:10 GMT+7 | V-League

(giaidauscholar.com) - Công Vinh đang là chân sút số 1 Việt Nam, ở cả góc độ hiệu suất ghi bàn cũng như trên mặt bằng các cầu thủ chuyên nghiệp.

Có lẽ, với cách làm như hiện nay, phải mất rất lâu nữa bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra một Công Vinh thứ 2. Đấy là sự thật khá đau lòng, dù bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã bước vào mùa giải 14, dù vẫn có thể sản sinh ra một số tiền đạo có phẩm chất đặc biệt bằng hoặc hơn Vinh.

Tất cả đều biết Công Vinh không phải là cầu thủ “thần đồng”, như Văn Quyến. Thậm chí, trong những ngày đầu gia nhập lò đào tạo trẻ SLNA, Công Vinh bị lẫn trong đám đông về kỹ năng chơi bóng cũng như về hạn chế hình thể. Các HLV trẻ Nghệ An đến nay vẫn nhớ hình ảnh Lê Công Vinh “mình hạc xương mai” mà đã có những cái lắc đầu ái ngại.

Công Vinh cũng không phát tiết sớm như Văn Quyến. Phải 18 tuổi mới được gọi vào đội 1, 22 tuổi mới bước ra ánh sáng,ban đầu với VCK U21, rồi JVC Cup 2013, rồi dự bị cho Văn Quyến, Thanh Bình ở SEA Games 22 (2003).

Tóm lại, sự nghiệp của Công Vinh là cả quá trình dài không ngừng lao động và vươn lên chứ không hề được trải hoa hồng. Sự phấn đấu có lúc âm thầm, có lúc bừng khởi, Vinh lầm lũi vượt qua, tựa như những cây sim vẫn cho dàn quả tím ngắt mỗi mùa ở mảnh đất Quỳnh Lưu đầy gió Lào và đất đỏ.

“Ngọc bất trác, bất thành khí”, với bóng đá Việt Nam càng phải nằm lòng câu này. Có lẽ, không cần phải phân tích dài dòng, cũng cho thấy bóng đá Việt còn quá nhiều cạm bẫy để khiến cho một tài năng bóng đá không thể phát triển.

Lâu nay, các tài năng bóng đá, ngoài khả năng rèn luyện và vươn lên hạn chế, các CLB còn chưa tạo nên một môi trường với những thành tố cơ bản của bóng đá chuyên nghiệp, để giúp cho cầu thủ không đánh mất mình.

Tại sao cả một nền bóng đá, với hàng nghìn cầu thủ chỉ mỗi Công Vinh đang có hình hài của một cầu thủ chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế (châu Á thì đúng hơn)?

Bởi vì, chỉ Công Vinh là không ngừng trau dồi, cả phẩm chất đá bóng và trình độ ứng xử của một ngôi sao. Các cầu thủ U19 của bầu Đức tạo nên tín hiệu lạc quan, bởi họ cũng  đang được rèn giũa để thành người, trước khi thành một cầu thủ. Không thành NGƯỜI trước, thì khó tạo nên những giá trị kỳ vĩ và bền vững, chẳng riêng gì bóng đá. Đến thời điểm này, Công Vinh cũng phải không ngừng lao động, sáng tạo, nếu không muốn giảm thiểu giá trị.

Công Vinh và học viện bóng đá của bầu Đức đang trong cảnh “riêng một góc trời”, ấy là nỗi đau của cả nền bóng đá chưa chú trọng vào công tác đào tạo cầu thủ thành những người hữu ích ngay từ trẻ.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm