Hà Nội: Nhà ở thu nhập thấp có nguy cơ vào tay người giàu

16/09/2010 08:21 GMT+7 | Thế giới

Mặc dù có quy định rõ về đối tượng, điều kiện mua nhà ở thu nhập thấp, nhưng thực tế quá trình giải quyết bán nhà vẫn có nhiều bất cập ngay từ khâu nhận hồ sơ.

Người nghèo: Cửa hẹp

Mặc dù chủ đầu tư dự án - Cty Vinaconex Xuân Mai chỉ tiếp nhận hồ sơ trong hai tuần với 328 căn hộ và dù Cty này có trụ sở cách xa trung tâm Hà Nội gần 40 km nhưng lượng người đến nộp đơn vẫn đông như trảy hội.

Theo chủ đầu tư, đối tượng nộp hồ sơ đến từ nhiều quận, huyện khác nhau, với đầy đủ thành phần. Trong đó các đối tượng ưu tiên chính của thành phố như: các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ, nghệ sỹ nhân dân, giáo sư...(tương đương mức trên 90 điểm), đồng thời thỏa mãn các tiêu chí để được mua nhà chiếm số lượng không nhiều (khoảng 10% số lượng hồ sơ đã nộp).

“Tuy nhiên, trong số 1.890 hồ sơ tiếp nhận, thì gần một nửa không hợp lệ hoặc cần làm rõ, bổ sung thông tin. Số hồ sơ đạt trên 90 điểm cũng chưa đến 100 trường hợp” - Ông Đặng Hoàng Huy - Giám đốc Cty Vinaconex Xuân Mai, cho biết.

Có rơi vào tay người giàu?

Cả người dân và chủ đầu tư đều cho rằng, nhiều vướng mắc, bất cập đã phát sinh. Theo quy định, đối tượng được mua nhà thu nhập thấp là những người sống tại khu vực đô thị, trong khi thực tế nhiều trường hợp đến từ các huyện khu vực Hà Nội mở rộng, các xã ngoại thành.


Người dân đi nộp hồ sơ mua nhà thu nhập thấp . Ảnh: Hải Văn
Hay như quy định về mức bình quân thu nhập tính theo đầu người trong hộ phải thấp hơn mức bình quân của người dân Thủ đô, nhưng đến nay cụ thể mức này là bao nhiêu vẫn chưa có con số cụ thể. Điều này gây khó cho cả người dân lẫn chủ đầu tư cũng như cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

Theo Sở Xây dựng, sắp tới Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án nhà thu nhập thấp như, ở huyện Mê Linh do Tổng Cty HUD làm chủ đầu tư. Dự kiến trong tháng 10 sẽ khởi công, cung cấp trên 4.000 căn hộ.

Bên cạnh đó là các dự án như: khu nhà ở cho người thu nhập thấp khu đô thị Bắc An Khánh (Hoài Đức) do Tổng Cty Vinaconex và Tổng Công ty Handic làm chủ đầu tư với quy mô 10.000 căn hộ, dự kiến khởi công tháng 11 tới.
“Mẫu đơn phần xác nhận về hộ khẩu, nhân khẩu và thực trạng nhà phải có chữ ký của tổ trưởng dân phố và chủ tịch phường (xã). Nhưng xin được xác nhận của ông tổ trưởng lên phường, thì phường chỉ xác nhận chữ ký của tổ trưởng dân phố. Trong khi phía tiếp nhận lại cho rằng chính quyền địa phương phải trực tiếp xác nhận về tình trạng nhà ở” - Anh Hoà ở quận Hà Đông, nói.


Nhiều trường hợp có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đã có nhà thậm chí nhiều nhà trước đây nhưng nay đã bán, chuyển đến một địa bàn khác và được UBND phường, xã xác nhận là đang tạm trú tại đó và chưa có nhà ở vậy có được coi là không có nhà ở hay không?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng để xác định đúng đối tượng cần phải có hậu kiểm của công an nơi ở cũ và mới. Hơn nữa chủ đầu tư, cơ quan chức năng cũng phải xác minh xem khách hàng đã từng có nhà chưa.

Tuy vậy theo tìm hiểu của chúng tôi việc xác định này là vô cùng khó khăn. Với những thủ tục khá khó đối với người nghèo ngay khâu nộp hồ sơ, rất có thể cơ hội lại được đẩy sang các nhà đầu tư giàu có. Và câu chuyện nhà ở thu nhập thấp tại Hà Nội sẽ còn nhiều điều phải bàn tới.

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm