09/08/2021 15:15 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Hôm nay (9/8), Thủ đô bước vào ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội tiếp theo (15 ngày) theo Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dựa trên tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội: "Thành phố quyết định thực hiện tiếp Chỉ thị số 17/CT-UBND đến 6 giờ ngày 23/8/2021. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong 15 ngày tiếp tục giãn cách xã hội là phải thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa. Thành phố tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình có thể áp dụng mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ”.
Kéo dài giãn cách ở thế chủ động
Việc UBND thành phố Hà Nội quyết định kéo dài thời gian giãn cách (ban đầu là 15 ngày, từ 6h00 ngày 24/7 đến 6h00 ngày 8/8) không phải là biện pháp bị động mà có sự chuẩn bị kỹ càng.
Từ ngày 5/8 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021, quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu từng cấp, ngành, đơn vị cần rút kinh nghiệm, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch vừa qua trên địa bàn thành phố. Sở Y tế được giao nhiệm vụ kiên định các giải pháp chống dịch “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); triển khai các kịch bản chi tiết chủ động ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, diễn biến thực tế; có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Trước đó, ngày 4/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong buổi làm việc với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch của Thủ đô đã nhấn mạnh: Hà Nội phải sẵn sàng mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động, vì vậy, những gì cần thiết thì phải làm ngay, chuẩn bị ngay. Chúng ta phấn đấu không để tình hình dịch bệnh diễn biến như ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, nhưng cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ, lúng túng”.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Nội báo cáo: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường vì đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây.
Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Sở Y tế Hà Nội nhận định, có thể có các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Đặc biệt là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với nhiều ca mắc, nguy cơ lây nhiễm trong chuỗi cung ứng.
Câu chuyện về Giấy đi đường
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra Chỉ thị 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội với mục đích: Thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6 giờ ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Hà Nội cách ly với các tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, cũng như kiểm soát sự lưu thông của người dân theo nguyên tắc “chỉ ra đường khi thật cần thiết” thì việc áp dụng giấy đi đường là một cách có hiệu quả thực tế.
Tuy nhiên, câu chuyện về giấy đi đường cần thống nhất trong cách hiểu và thực hiện.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành mẫu Giấy đi đường chung trên toàn địa bàn. Cách hiểu và cách áp dụng tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như tại các chốt kiểm soát không đồng nhất, có nơi rất nguyên tắc, cũng có nơi “sáng tạo” hoặc buông lỏng.
Việc cấp Giấy đi đường chặt hay lỏng phụ thuộc vào quan niệm, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Song rõ ràng, trong những ngày cuối của đợt giãn cách đầu tiên theo Chỉ thị 17/CT-UBND mà vào giờ cao điểm đường phố ở Hà Nội vẫn có khá đông người, xe qua lại thì hiệu quả giãn cách xã hội bị hạn chế và hiệu lực của Giấy đi đường chưa nghiêm.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, vẫn còn tình trạng cấp giấy không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, cán bộ đi làm khi công việc chưa cấp bách.
Dư luận cũng đồng tình với nhận định này. Có ý kiến đề xuất giải pháp là mỗi cơ quan, đơn vị cần có bản báo cáo về tổng số cán bộ, nhân viên và lên phương án làm việc ở những vị trí thiết yếu, cấp bách, từ đó lập danh sách đi làm theo ngày, theo ca. Dựa trên danh sách này, cơ quan, đơn vị sẽ cấp giấy đi đường theo nhiệm vụ được phân công. Danh sách cũng được gửi cho chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất tại các phòng, ban để rà soát đối tượng theo danh sách.
Ngày 7/8, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ban hành văn bản số 1338/UBND-VP về việc tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, quận này đề xuất phương án cấp bách là Giấy đi đường cần có sự xác nhận của chính quyền phường sở tại.
Cách làm của quận Hai Bà Trưng gây nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ phía các doanh nghiệp.
Để giải quyết những khúc mắc về Giấy đi đường, ngày 7/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Công văn số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo.
Công văn nêu rõ: Ngày 29/7 UBND thành phố đã có văn bản số 2434/UBND-KT quy định về mẫu Giấy đi đường và các giấy tờ cần thiết khác. Cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Nhằm siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường để phục vụ công tác phòng, chống dịch, UBND thành phố đề nghị:
Về mẫu Giấy đi đường: Theo mẫu Giấy đi đường đã được ban hành ngày 29/7 của UBND thành phố. Người đi đường xuất trình kèm theo căn cước công dân hay chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương đóng trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND và Công điện số 18/CĐ-UBND, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố, người đứng đầu có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, nhân viên, cam kết về việc bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; không lập kế hoạch hoạt động; phân công công tác; cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.
UBND thành phố giao Công an thành phố, UBND quận, huyện, thị xã siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt; chỉ đạo, hướng dẫn Công an, UBND xã, phường, thị trấn; các lược lượng Tổ tự quản, Tổ (phòng, chống) COVID cộng đồng tăng cường kiểm tra Giấy đi đường tại chốt kiểm soát theo đúng mục đích, đối tượng; nhắc nhở hoặc kiến nghị xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về bố trí lịch làm việc trong thời gian giãn cách; khi phát hiện các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích thì thông tin đến Công an xã, phường, thị trấn, nơi có đơn vị, tổ chức cấp Giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định….
Câu chuyện "Giấy đi đường" cho thấy chính quyền Thủ đô đang hành động theo hướng tập trung chống dịch một cách quyết liệt hơn, thực chất hơn.
Nguyên tắc “Rõ - Nghiêm - Chắc - Hiệu quả”
Cũng như các địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội trong 15 ngày tới phải quán triệt nguyên tắc “Rõ - Nghiêm - Chắc - Hiệu quả” trong chống dịch COVID-19.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 4/8 trong buổi làm việc với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch của Hà Nội, thành phố trong những ngày tới phải đặt rõ mục tiêu, công việc từng ngày của chính quyền, nhiệm vụ của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Chính quyền Thủ đô phải làm mạnh, triệt để hơn, có cơ chế tiếp thu, phản hồi phản ánh của người dân.
Việc thực hiện Chỉ thị 16 phải thật chặt, thật nghiêm, triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đặc biệt trong các khu vực phong tỏa, cách ly, không để “ngoài chặt, trong lỏng”.
Khi triển khai các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh vùng, làm sạch các ổ dịch thì phải khẩn trương, “làm đến đâu chắc đến đó”, xử lý dứt điểm, nhằm mục tiêu thiết lập các vùng an toàn (vùng xanh) vững chắc, khoanh gọn những ổ dịch lớn, từng bước đưa các vùng nguy cơ cao, rất cao về mức thấp hơn và dần an toàn trở lại. Theo Phó Thủ tướng, việc từng khu, từng cụm giữ vùng xanh là một trong những chìa khóa để kiểm soát được dịch bệnh ở thành phố,
Các biện pháp chống dịch phải đặt hiệu quả lên trên hết. Trong bối cảnh hiện nay, về nguyên lý, những hướng dẫn của Bộ Y tế là đúng. Tuy nhiên, các địa phương cần căn cứ vào thực tiễn để mạnh dạn vừa làm vừa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp tình hình để báo cáo cấp trên kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội rà soát năng lực, công tác xét nghiệm. Việc liên thông kết quả giữa các đơn vị làm xét nghiệm tại Hà Nội vẫn chưa được thực hiện tốt, Trong thời gian tới, Hà Nội phải nâng cao hiệu quả liên thông kết quả xét nghiệm; huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia xét nghiệm.
Hà Nội cũng cần triển khai ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh để lực lượng y tế chi viện cho các khu phong tỏa, cách ly, điều trị, tiếp nhận các ca F0.
Hà Nội phải chuẩn bị nhanh, thiết lập hệ thống oxy tại các cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân có triệu chứng để giảm tối đa bệnh nhân chuyển sang có dấu hiệu chuyển nặng; có phương án chuẩn bị bệnh viện đa khoa chuyên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; bảo đảm vật tư, trang thiết bị điều trị cho các bệnh viện...
Tiếp theo, ngày 6/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, Hà Nội vừa đưa vào vận hành một bệnh viện - trung tâm thu dung tại Đền Lừ (quận Hoàng Mai) với quy mô 1.000 giường để điều trị cho những người mắc COVID-19 thể nhẹ và sẽ được bổ sung khoảng 5.000 giường nữa. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo trong thời gian ngắn nhất thành phố phải chuẩn bị 30.000 giường để thu dung các trường hợp F0 thể nhẹ.
Mới đây nhất, ngày 8/8, Chủ tịch UBND thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Phương án số 182/PA-UBND đáp ứng 8.000 giường để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 tại thành phố.
Phương án này là nhằm để các bệnh viện có đủ điều kiện sẵn sàng thu dung, điều trị cho người bệnh; đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đáp ứng 2.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống có 10.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 4.000 giường bệnh điều trị người mắc COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống có 20.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống có 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Nguyên tắc phân luồng người bệnh theo mức độ bệnh là dựa theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 về việc hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Theo đó, 80% bệnh nhân không có triệu chứng, khoảng 20% bệnh nhân mức độ vừa, nặng và nguy kịch, 5% bệnh nhân cần điều trị hồi sức tích cực. Do vậy, với trường hợp có 40.000 người bệnh mắc COVID-19 sẽ có 8.000 người bệnh có triệu chứng mức độ vừa và nặng (6.000 bệnh nhân mức độ vừa, 2.000 bệnh nhân mức độ nặng và nguy kịch)…
Việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội tại Hà Nội không chỉ nhận được sự đồng thuận của người dân Thủ đô, mà còn được các chuyên gia về dịch tễ ghi nhận.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, khẳng định:
“Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, Hà Nội đã làm rất nghiêm, quyết liệt, truy vết nhanh, khống chế được ổ dịch khi phát hiện được ca F0 đầu tiên, thực hiện phong tỏa hiệu quả. Hà Nội cũng đã làm tốt biện pháp bảo vệ "vùng xanh", tạo ra tổ tự quản bảo vệ xóm nhỏ, ngõ nhỏ. Việc Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày nữa là đúng đắn và cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch; củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện trong công tác phòng, chống dịch".
Trần Quang Vinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất