Hà Trần: “Tôi muốn làm một diva của thế giới nghệ sĩ độc lập”

28/12/2009 09:13 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Hà hay hỏi khán giả muốn nghe gì? Bên dưới lao xao Em về tóc xanh, Sắc màu, Cô đơn, Kiếp dã tràng... Trẻ hơn và có vẻ cập nhật hơn thì Ra ngõ, Mưa bay tháp cổ, Lữ khách sông Hồng. Fan ruột mới “nhằn” mỗi chùm Nhật thực hay những album gần đây của cô. Sau khi đã đáp ứng cả chục bản “trưng cầu ý dân”, “nàng” mới bẽn lẽn cười: “Bây giờ, xin phép được hát cái Hà thích”...

* Bắt đầu với đĩa nhạc hòa tấu sắp phát hành của công ty chị: WHODAT- Minimal Beasts. Chị có thể nói qua về sản phẩm này và lí do để giới thiệu trong thị trường nhạc Việt?

- Minimal Beasts (tạm dịch: Vi sinh) là một tổ hợp âm nhạc điện tử sử dụng tiếng động (noise) và âm thanh (sound) để tạo ra những trạng thái khác biệt. Tôi tạm gọi là âm nhạc trạng thái, thích hợp với không gian ở các quán café, lounge, bar hay để nghe trên máy tính khi làm việc. Đĩa gồm 15 bản nhạc ngắn, 4 bài hát và 11 đoản nhạc.

Ban đầu với ý tưởng ẩn thân các thành viên WHODAT thường sử dụng nick name thay cho tên họ và luôn xuất hiện trong bộ suite đeo mặt nạ ga. WHODAT đã có 2 đĩa EP (đĩa ngắn- dạng demo) trước album hoàn chỉnh đầu tiên Minimal Beast. Tiếp nối Đối thoại 06, chúng tôi tiếp tục con đường tiên phong âm nhạc điện tử ở Việt Nam.


* Điều này có nhằm khẳng định gì hay mạo hiểm gì trong sự nghiệp âm nhạc nhiều tính “tiên phong” của chị?

- Đã đi trước thì luôn chấp nhận rủi ro, nhất là trong thời đại công chúng bận kiếm ăn và không mấy mặn mà với âm nhạc như bây giờ. Minimal Beasts thuộc dòng độc lập (Indie) nhưng qua những album trước tôi được tiếp cận một thị phần khán  giả (chủ yếu thuộc giới thiết kế và lớp trẻ có lối sống đô thị Tây phương) thích nhạc chill out, ambient nên mạnh dạn giới thiệu. Tôi cũng tự tin rằng cái gì làm tử tế và hay thì dù phổ cập ở diện rộng hay hẹp vẫn là... hàng xịn.

* Ngoài tinh thần những sản phẩm thuộc tính indie mà chị đang theo đuổi, điều này có xuất phát từ thực tế bão hòa của âm nhạc Việt Nam, hay âm nhạc kén người nghe của chị?

- Cứ 5-10 năm xu hướng chuộng giải trí của công chúng lại thay đổi: 1980 “hot” nhạc trẻ Saigon, cải lương. 1990 chuyển qua điện ảnh, nhạc trẻ Hà nội, các sao âm nhạc phía Bắc áp đảo thị trường phía Nam. 2000 tình thế đảo ngược và những năm cuối thập niên này sự quan tâm lại hướng về điện ảnh, hoa hậu. Nhạc của tôi từ thuở đi hát bài lẻ kiếm tiền đến nay lúc nào cũng lựa chọn người nghe. Tiếng Anh có câu: “Either you get it or you don’t” (hoặc có hoặc không có gì). Tôi sáng tạo theo tinh thần độc lập, độc đáo, độc tôn của một indier và có phần lạc lõng trong một thị trường nhạc mà hễ nổi tiếng là lập tức hòa vào dòng chính - đồng nghĩa với phổ biến, phổ thông, phổ cập.

Ngày nay khán giả bị chi phối bởi quá nhiều thứ hitech nhưng tôi tin rằng luôn tồn tại một thị trường cho nghệ thuật nguyên chất, nguyên bản, nguyên hồn.

* Chị theo đuổi còn đường này từ Đối thoại 06. Vị thế diva có đủ giúp chị triển khai “lợi thế độc lập” này lâu dài không?

- Tôi không phải là người duy nhất kén khách. Nhưng phần đông các danh ca khi tạo được phong thái riêng thì dừng lại khai thác một khu vực đó thôi trong khi tôi  tiếp tục chuyển động. Hãy hình dung một kim tự tháp, càng lên cao tiếp diện càng hẹp lại. Nhưng tôi thừa nhận danh dự diva cũng ưu ái cho tôi nhiều, trước hết là bảo chứng cho những sản phẩm của tôi và cho phép tôi làm những gì mình thích mà vẫn bán được. Vì vậy, tôi rất cẩn trọng sự xuất hiện của mình. Diva mà âm nhạc không còn thuyết phục công chúng hay đồng nghiệp thì cũng chỉ là cái danh hão, sĩ diện hão. Tôi biết cái tinh thần lịch sự của người Việt, họ không chê thẳng mặt anh khi xuống phong độ, họ chỉ… làm ngơ thôi.


* Vậy phản hồi cho những gì chị thực hiện khi “lên cao” đó , lượng người nghe sau này có đủ kích thích chị không?

- Người hâm mộ của Hà Trần vẫn luôn ủng hộ các sản phẩm Hà Trần, số lượng in ấn đĩa không thay đổi. Nhưng xét về công chúng diện rộng thì sự phản hồi có vẻ yếu ớt, nhạt nhẽo. Có thể tình hình chung bây giờ, người ta thờ ơ với âm nhạc và cũng nhiều khả năng do tôi ít xuất hiện ở Việt Nam - thị trường chính của tôi. Bạn bè, đồng nghiệp vẫn cứ rủ tôi về, tiếc hùi hụi và cho là hải ngoại không  phải đất dụng võ của tôi. Nhiều người lo lắng cho tôi, nói chuyện rất chân tình khiến tôi rất xúc động.

* Chị hoàn toàn tự tin về chất lượng âm nhạc mình sản xuất ra?

- Có và không. Sống ở Mỹ cũng khá lâu nên các đĩa nhạc của tôi cũng thiếu sự sâu sát với thị trường trong nước? Hoặc cũng vì điều tôi mang đến hiện đại quá, khó thích hợp với đời sống ở một nước chưa công nghiệp hóa như Việt Nam chăng? Thực tế từ lúc mới nổi đến giờ lúc nào tôi cũng “Tây quá” so với mặt bằng chung rồi, có cố gắng thích ứng thì bản chất này không thay đổi. Bởi vậy tôi tự tin nhạc của tôi mới hội tụ đủ cái hồn Đông phương trong một lối thể hiện Tây phương và khán giả của tôi là những người cũng sống bằng tinh thần đó.

* Vậy bây giờ, thế đứng của chị là ở đâu, một nghệ sĩ độc lập hay một diva?

- Tôi muốn làm một diva của thế giới nghệ sĩ độc lập.

* Thị trường âm nhạc thương mại lấn sân, đó có phải là lý do nghệ sĩ tính của nghệ sĩ bị giảm đi?

- Cần phân biệt rõ ngôi sao - những người nổi tiếng do lựa chọn của công chúng và báo giới, và nghệ sĩ - những người nổi tiếng bởi ảnh hưởng sáng tạo. Nghệ sĩ thường tài năng hơn ngôi sao. Họ thừa khả năng thuyết phục nhưng có thể vì năng lực sáng tạo của họ suy giảm, và tính kiêu hãnh của họ hạn chế sự năng động thị trường so sánh với các “ngôi sao”. Đây là một bài toán khó đấy! Để thành công và duy trì được nghệ sĩ hoặc là gặp thời hoặc giỏi quá là giỏi, không thể chối bỏ được. Còn không thì phải có cái đầu tính toán, điều khiển như một thương gia mà đã thế cái “chất nghệ” lại suy giảm.

Nói chung đã là nghệ sĩ thì cố gắng tìm thị phần khán giả của mình và nhân rộng từ đó thôi.


* Đó là lý do chị vẫn hát nhạc tình, nhạc tiền chiến ở sân khấu hải ngoại và những phòng trà trong nước khi có dịp trở về?

- Ở các nước thì nhạc nào cũng có khán giả riêng. Ở Việt Nam mình chỉ chia ra làm hai loại: Loại nhạc bán được và nhạc không bán được. Tôi hát nhạc tình, tiền chiến để có vốn liếng nuôi công việc chứ. Tôi có buôn bán gì đâu? Có một sự phát triển cọc cạch giữa công nghệ showbiz và những người điểu khiển bộ máy showbiz. Công nghệ thì mua được, gửi người đi đào tạo được nhưng quan điểm thẩm mỹ của những người điều khiển thì còn bảo thủ, cũ kĩ nên mọi thay đổi, nếu có, chỉ nặng về vỏ thôi. Tôi tiếp xúc với người Việt trên toàn thế giới thấy nhu cầu thưởng thức không đòi hỏi cao, cứ cho ăn những món quen thuộc là khoái… và tinh thần này bám rễ qua thế hệ. Tỉ như một bài hát của tôi, Sắc màu, 9 năm nay tôi vẫn sinh sống bằng bài này. Cô đơn thì cả chục người hát trước tôi rồi tôi hát cũng vẫn nổi tiếng. Khán giả chỉ ưa so sánh anh này hát hay hơn chị kia chứ không bao giờ đặt câu hỏi ngược lại: “Sao tôi nghe mãi bản này rồi chán vậy! Không có gì khác à?”

* Nếu được đi đến tận cùng một con đường, chị lựa chọn dòng nhạc nào?

- Tôi thích nhạc điện tử, hợp với con người và lối sống hiện đại của tôi.

* Sẽ rất ít người đồng hành cùng chị, đặc biệt là về những người sáng tác cho loại nhạc này?

- Đúng thế. Nhưng phần đông giới nhạc điện tử tự sáng tác cho mình.

* Ở Mỹ thì sao?

- Đây là âm nhạc của đời sống đô thị nên trừ những thành phố lớn như New York, San Fransisco, thị trường âm nhạc mỹ là đất của Hip hop, Country và Rock. Châu Âu mới là cái nôi nuôi dưỡng nhạc điện tử. Cần nói thêm để mọi người đừng hỏi nữa là chớ tưởng bở đến Mỹ thì dễ lăng xê. Sự thiếu thiện cảm với người Á châu trong nền công nghệ giải trí vẫn còn rất lớn. Nếu bạn là dân châu Á bạn phải là một “banana” (vỏ vàng ruột trắng) mới mong có cơ hội và chỉ là cơ hội thôi nhé! Chưa chắc đã biến thành thực tiễn. Nếu cái phần vàng của bạn vẫn nhiều hơn phần trắng thì… cứ nghỉ ngơi đi.

* Giải pháp cuối cùng của chị là cứ làm và chờ thị hiếu của khán giả?

- Tôi sẽ tiếp tục làm những thứ tôi đang làm và chẳng chờ đợi gì cả ¦


Đỗ Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm