14/01/2021 07:20 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 13/1, sau phiên tranh luận, Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu thông qua nghị quyết với điều khoản luận tội duy nhất đối với Tổng thống Donald Trump, theo đó cáo buộc ông chủ Nhà Trắng kích động bạo loạn chống chính phủ.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, với đa số phiếu tán thành, Hạ viện Mỹ đã thông qua điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, mở đường cho phiên tòa xét xử ông Trump tại Thượng viện trong thời gian tới. Không giống như lần luận tội trước, nỗ lực lần này của đảng Dân chủ nhận được sự ủng hộ của ít nhất 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa. Với diễn biến này, Tổng thống Trump trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần trong một nhiệm kỳ.
Theo điều khoản luận tội, Đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump kích động biểu tình ngày 6/1 khi kêu gọi những người ủng hộ ông tiến về phía Đồi Capitol trong khi lưỡng viện Mỹ tổ chức phiên họp chung kiểm đếm phiếu bầu của đại cử tri. Những người biểu tình quá khích được cho là ủng hộ Tổng thống Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn việc xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Điều khoản cũng cáo buộc Tổng thống Trump đã gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ và các thể chế của Chính phủ khi đe dọa tính toàn vẹn của hệ thống dân chủ, can thiệp vào việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và phản bội lòng tin của mình với tư cách là Tổng thống.
Trước đó, Phe Dân chủ tại Hạ viện đã yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump, nếu không họ sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc luận tội ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông Pence đã từ chối yêu cầu này bất chấp sức ép từ phe Dân chủ. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã gọi kế hoạch luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện là phần tiếp theo của "cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị". Ông Trump cũng khẳng định bài phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ vào tuần trước, khuyến khích họ tuần hành tới trụ sở Quốc hội, là "hoàn toàn phù hợp" và không liên quan tới vụ bạo loạn xảy ra sau đó.
Sau thủ tục trên, Thượng viện Mỹ sẽ nhóm họp và yêu cầu lãnh đạo Hạ viện trình bày những điều khoản xem xét bãi nhiệm Tổng thống Trump trước khi xúc tiến quá trình xem xét các điều khoản luận tội. Tuy nhiên, phát ngôn viên của lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell ngày 13/1 cho biết, ông Mitch McConnell sẽ không sử dụng các quyền hạn khẩn cấp để lập tức tái triệu tập Thượng viện trong tuần này, đồng thời cho biết sẽ không có bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào tại Thượng viện cho tới khi ông Biden chính thức trở thành Tổng thống vào ngày 20/1.
Như vậy, phiên xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump ở Thượng viện sẽ chỉ bắt đầu sau khi Tổng thống Trump mãn nhiệm và điều này dẫn tới câu hỏi liệu một cựu tổng thống có bị luận tội và xét xử hay không. Theo Hiến pháp Mỹ, sẽ không thể tiến hành luận tội một Tổng thống đã không còn tại vị. Khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc vào ngày 20/1, Quốc hội sẽ mất thẩm quyền theo hiến pháp để tiếp tục các thủ tục luận tội chống lại ông - ngay cả khi Hạ viện đã thông qua các điều khoản luận tội. Quyền lực duy nhất của Thượng viện theo Hiến pháp là kết tội hoặc tha bổng một tổng thống đương nhiệm.
Đó là còn chưa kể để kết tội ông Trump, cần phải có ít nhất 2/3 phiếu thuận tại Thượng viện, tức khoảng 67 thượng nghị sĩ đồng ý. Đảng Dân chủ hiện chỉ có 48 ghế do hai thượng nghị sĩ đắc cử ở Georgia chưa tuyên thệ. Điều này đồng nghĩa nếu muốn kết tội Tổng thống Trump, họ phải tìm kiếm thêm sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Đặng Huyền - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất