19/12/2015 09:49 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Một loạt các cuộc Hội thảo công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN) 2016, Đại hội đồng cổ đông thường niên VPF và Lễ bốc thăm, sắp lịch thi đấu các giải BĐCN quốc gia… đã và đang được tổ chức trong 2 ngày qua, với đầy đủ các ban bệ, thành phần, bao gồm cả đối tác – Công ty nước ngoài Sportradar – được giới thiệu như một tổ chức hàng đầu trong việc phổ biến, tận dụng sức mạnh của dữ liệu thể thao và nội dung số cho khách hàng trên toàn thế giới…
Nhưng, hài hước nhất có lẽ vẫn là việc VFF và VPF chưa thể đi đến thống nhất các quy định về kỷ luật, cũng như các chế tài với cầu thủ và đội bóng, sau 15 mùa giải tiến lên chuyên nghiệp. Việc cầu thủ bị cho là tác nhân dẫn đến chấn thương cho đối phương, phải chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho “nạn nhân”, vốn là một quy định cực kỳ vô lý, thậm chí là vô nhân đạo với môn thể thao nặng tính đối kháng như bóng đá.
Một diễn biến khác, khi VFF và VPF chưa có trả lời bằng văn bản việc Cà Mau xin rút khỏi giải hạng Nhất 2016, người ta đã nhanh nhảu đốc thúc Bình Định thế vai (thông báo bằng miệng) dẫn đến tình cảnh khóc dở mếu dở. Thêm chuyện lãnh đạo VFF đứng ra “bảo lưu” suất chơi V-League cho V.Ninh Bình như bảo lưu kết quả thi đại học vì gia cảnh khó khăn, để bầu Trường của V.Ninh Bình lại có dịp ngã giá với nhà tổ chức…
Bản quyền truyền hình (BQTH) ở mùa V-League thứ 15 được tổ chức rẻ như cho không, khi nhà tổ chức vẫn đổi các gói tài trợ - bảo trợ lấy sóng quảng cáo và nhà đài luôn có quyền mặc cả, khi đáng ra chuyện ra giá phải thuộc về đơn vị sản xuất giải đấu. Có lẽ không đâu như ở Việt Nam, quyền lợi chính đáng (BQTH) được quy đổi thành kinh phí hỗ trợ CLB, để rồi bị khấu trừ vô tội vạ (án kỷ luật, thẻ phạt…).
BQTH chỉ là một trong rất nhiều các nguồn thu của nhà tổ chức, cũng như các CLB, nhưng tại sao phải đề cao vai trò của nó? Bởi, giá trị của bản hợp đồng này liên quan trực tiếp, thậm chí là quyết định luôn giá trị thương quyền của giải đấu. Muốn đánh giá một giải đấu hấp dẫn hay không, đôi khi chỉ cần nhìn vào tiền BQTH mà nhà đài phải bỏ ra, mà chẳng cần đến các con số thống kê về chuyên môn hay vé bán.
Ở Thái Lan, Thai-Premier League được phát sóng trên các kênh quảng bá và trả tiền True Sport 1 và 2 (thuộc tập đoàn TrueVision), đổi lại một CLB hạng trung bình thu về tầm 15 tỷ/mùa giải (có luỹ tiến). Giải bóng đá cao nhất Thái Lan được biết đến rộng khắp ở Việt Nam, thậm chí là cả châu Á, cũng là thông qua các kênh sóng của TrueVision, ở chiều ngược lại, V-League còn chưa qua nổi biên giới.
V-League từng là địa chỉ đỏ của hàng loạt các ngôi sao Thái Lan cũng như thế giới…, nhưng giờ sạch bóng luôn. Đến ngay quy định về suất đăng ký ngoại binh giữa các CLB dự giải châu Á (được quyền đăng ký 3 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ gốc châu Á) và một CLB bình thường (2 ngoại), vốn dĩ đã không công bằng. Làm gì có thứ bóng đá chuyên nghiệp, nếu nhà tổ chức chưa chuyên nghiệp và công bằng?!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất