15/02/2019 12:02 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Nếu như gần 20 năm trước, cựu tiền đạo đội trưởng đội tuyển Việt Nam và CLB Công an TP.HCM, Lê Huỳnh Đức, xuất ngoại khoác áo Lifan Trùng Khánh (Trung Quốc) phần nhiều vì lý do hợp tác kinh doanh, thì ở kỷ nguyên mở lúc này, các thế hệ đàn em, thậm chí là con cháu của Huỳnh Đức, có thể đường hoàng ra nước ngoài thi thố, có chuyển nhượng và hưởng mức lương mơ ước.
2-3 năm trước, những Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng, tuy không đi tiên phong, nhưng có thể nói là đã tạo tiền đề cho một thế hệ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam có thêm cơ sở và sự tự tin. Không một ai trong số “những đứa trẻ nhà bầu Đức” thành công tại Nhật Bản và Hàn Quốc thời điểm đó, giờ bầu Đức quyết định nhấn tiếp, với người mở lối Nguyễn Công Phượng tại Incheon United.
Kể từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên, thi thoảng vẫn có lẻ tẻ một số ngôi sao được các đội bóng nước ngoài mời ký hợp đồng hoặc ít nhất là thử việc. Sau Huỳnh Đức, đến Lương Trung Tuấn, dù hợp đồng một năm với Cảng Thái Lan phần nhiều là để “lánh nạn”; sau Tuấn “nhám” đến Nguyễn Hữu Thắng được LG Galaxy ở MSL mời qua, rồi mới đến Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Lâm...
Người Việt Nam nói chung và cầu thủ Việt Nam nói riêng, về cơ bản vẫn còn nhiều tự ti, mặc cảm khi ra nước ngoài làm việc. Vấn đề không phải là tài năng (thiếu) hay ngoại ngữ (yếu), mà là họ lo ngại môi trường làm việc chuyên nghiệp và khắc nghiệt sẽ đánh gục mình. Nó không giống như ở quê nhà, việc to thành nhỏ, nhỏ xem như không có gì, với văn hoá “du di”, mấy khi xét nét nhau. Bóng đá chuyên nghiệp không như vậy.
Với xuất phát điểm thấp, việc một cầu thủ Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội thi đấu, chứ đừng nói là thành công tại một giải đấu ở đẳng cấp cao hơn là cực kỳ khó và hiếm. Khá nhất có lẽ chỉ mỗi Lê Công Vinh, từ Leixoes (Bồ Đào Nha) đến Consadole Sapporo (J-League 2), ít nhất ở tần suất ra sân và Vinh cũng đã ghi được bàn thắng. “Tôi phải nỗ lực gấp 10 lần, thậm chí cả trăm lần so với khi ở Việt Nam”, Vinh chia sẻ.
Khó khăn không khiến con người ta chùn bước, đặc biệt ở thời đại thế giới phẳng và các địa hạt của xã hội đã xích lại gần nhau hơn. Trước đây, cầu thủ và bản thân đội bóng chưa ý thức một cách đầy đủ các giá trị thương mại, chuyển nhượng, nhưng bây giờ thì khác. Năm 2007, khi thuyết phục được Arsenal-JMG toàn cầu mở Học viện liên kết ở Hàm Rồng, bầu Đức đã xác định rõ, đào tạo để bán chứ không chỉ mỗi sử dụng.
Với con tính và cách tính ấy, dự là ông bầu đội bóng phố Núi sẽ xuất khẩu được 4-5 cầu thủ lứa đầu, qua thị trường châu Âu hoặc “tệ” cũng là Đông Bắc Á, thu về khoảng một đôi triệu USD, để tái đầu tư và bắt đầu từ lứa 2 sẽ có lãi. Thực tế Học viện của bầu Đức đã đi rất đúng tôn chỉ ấy, duy chỉ có điều, người trong cuộc đã không tính hết nước. Họ đã quá tự tin, cho đến khi bị thị trường từ chối, như dội gáo nước lạnh.
Dù phương pháp đào tạo ưu việt, nhưng chưa thể xoá được chênh lệch đẳng cấp chơi bóng giữa cầu thủ Việt Nam và thế giới, đặc biệt với những nền bóng đá và các giải đấu phát triển. Xuất khẩu hàng hoá và cả lao động trình độ bậc cao, chưa bao giờ là vấn đề đơn giản với Việt Nam, nơi mà nền kinh tế còn đang phát triển.
Trở lại với bóng đá Việt Nam và năng lực xuất khẩu cầu thủ. Với hệ thống đào tạo trẻ vẫn còn khá nhỏ lẻ, không đồng đều, bóng đá Việt Nam chưa thể trở thành phân xưởng sản xuất và xuất khẩu quy mô nhỏ và trung bình. Chúng ta chỉ có một số gương mặt ưu tú làm đại diện, làm tiên phong và vẫn kỳ vọng, họ sẽ được thị trường bạn chấp nhận, dù chỉ là ký gửi. Ban đầu cứ thế đã.
Chúng ta một lần nữa đứng trước cơ hội tuyệt vời để quảng bá - giới thiệu sản phẩm bóng đá. Không được phép bỏ qua cơ hội, dù nhỏ nhất. Vậy hãy khuyến khích và cổ vũ những người đi tiên phong, bởi nền bóng đá và cá nhân cầu thủ, cũng như CLB chủ quản, chỉ được chứ không bao giờ mất gì cả. Có câu, đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất