21/08/2015 05:27 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Ông chủ quán cà phê tuần này đón khách là một nhà báo thể thao. Họ cùng nhau phát hiện ra điểm chung của Thể Công năm 2008 và HAGL 2015, và thậm chí là cả sự liên hệ với Indonesia và Trung Quốc trước kia.
+ Ông chủ quán: Anh có nghĩ là HAGL đã thất bại?
- Tôi cho là như thế. Vì ngay cả khi họ có thoát hiểm, trụ lại V-League nhờ điều thần kỳ nào đó khi giải còn 5 vòng nữa, thì vật vã trụ hạng cũng không phải là điều được chờ đợi từ đầu mùa.
HAGL làm và tuyên truyền để mọi người hồ hởi đón nhận một tập thể chơi bóng quyến rũ và nếu không vô địch cũng phải trong top đầu. Họ muốn là Arsenal ở V-League.
+ Nếu HAGL xuống hạng, tôi chắc là sẽ có nhiều người đổ lệ, khóc thương họ.
- Có thể như vậy, bởi họ là đội bóng có nhiều CĐV nhất, và được nhiều người coi là biểu tượng mới của bóng đá Việt Nam. Tương tự như Thể Công rớt hạng năm 2004. Nhưng tôi muốn so sánh họ với Thể Công giai đoạn 2007-2009 hơn. Vì cách làm của họ có đôi chỗ giống nhau. Thể Công năm 2007 cũng có một lứa cầu thủ trẻ được đào tạo dài hạn ở Bulgaria.
Lứa cầu thủ trẻ HAGL coi như đã thất bại trong mùa giải đầu tiên chơi ở V-League. Ảnh: Phạm Tuân
Tôi còn nhớ lúc đó ông Hồ Tri Liêm, người được giao nhiệm vụ gây dựng lại Thể Công hùng mạnh có nói với truyền thông rằng là khi Thể Công có lứa cầu thủ tập huấn ở Bulgaria về, cộng với một số tuyển thủ đẳng cấp, họ sẽ bá chủ V-League trong 1-2 năm.
+ Và họ đã không thể xưng bá, và hai năm sau thì giải thể. Đúng không?
- Họ không rớt hạng. Nguyên nhân họ không thể hiện được vừa có lý do chuyên môn, vừa có lý do tinh thần. Nhưng rõ ràng là khi anh có một nhóm cầu thủ nào đó, anh nuôi theo phương pháp nuôi gà chọi, thì anh dễ ảo tưởng, trong khi bóng đá, để có thành công cần rất nhiều yếu tố, mà sức mạnh của các đối thủ cạnh tranh cũng không được phép bỏ qua. \
Thể Công năm 2007 đã có những cầu thủ trẻ mà giờ đây họ vẫn là những cá nhân xuất sắc hoặc khá, như thủ môn Anh Đức, Quả bóng Bạc Văn Quyết, Ngọc Duy, Quốc Long đang chơi ở Hà Nội T&T, Quang Vinh ở Bình Dương, nhưng họ chỉ là những cá nhân tiềm năng ở thời điểm đó, và là những gương mặt đáng kể chỉ ở trên khía cạnh giúp CLB làm thương hiệu, quảng bá, lôi kéo công chúng.
+ Bây giờ nói về HAGL khi họ thất bại và khi Thể Công đã chỉ còn trong bảo tàng thì quá đơn giản.
- Ban đầu rõ ràng có những kỳ vọng. Nhưng nếu chỉ vì kỳ vọng, đã khen ngợi rồi nay thất bại mà không rút ra được những bài học thì các thất bại đó sẽ mãi mãi vô nghĩa.
+ Vậy ở các nước bóng đá kém phát triển khác thế nào? Muốn tạo ra cú đột phá, họ làm gì?
- Tôi chợt nhớ là Indonesia trước kia từng có một thế hệ cầu thủ được tuyển chọn kỹ lưỡng, khoảng 20 tài năng trẻ, sau đó gửi sang Italy, tập huấn ở lò Sampdoria. Lúc ấy, chúng ta ngưỡng mộ và thèm thuồng lắm, nhưng khi những Kurniawan Yulianto trở về và chinh chiến ở Đông Nam Á, họ cũng không thể giúp tuyển Indonesia vươn tới những đỉnh cao khu vực.
Trung Quốc cũng từng nuôi gà nòi, tức là tuyển chọn những cầu thủ trẻ tiềm năng rồi cho hẳn sang Brazil tập huấn dài hạn. Nhưng cuối cùng, Trung Quốc vẫn không thể vượt lên trên so với Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran.
+ Vậy thì kết luận lại, chúng ta sẽ phải theo hướng đi nào để thoát ra khỏi sự bế tắc hiện nay?
- Khi anh tập trung đầu tư, cho họ hưởng một chế độ tập luyện, theo giáo án đặc biệt, anh vẫn có thể tạo ra những cá nhân xuất sắc. Như Kurniawan cho tới hôm nay vẫn được coi là tiền đạo xuất sắc nhất của bóng đá Indonesia trong vòng 20 năm qua.
Năm 1993, khi Trung Quốc gửi 22 cầu thủ sang Brazil tập huấn, có 6 cầu thủ sau đó là trụ cột của đội tuyển Trung Quốc chục năm sau đó. Nhưng như thế là chưa đủ, vì từ đào tạo tới thành công chuyên nghiệp có sự sàng lọc khắc nghiệt. Tìm thấy được một vài cá nhân xuất sắc đã là tích cực rồi.
+ Vậy, đặt trong bối cảnh đó thì HAGL thế nào?
- Việc đầu tư cho bóng đá trẻ, xây dựng học viện là chuẩn xác, là hình mẫu. Nhưng không thể chỉ với một lứa cầu thủ là thành công ngay. Bầu Đức muốn gặt hái thành công, muốn CLB của ông ta thống trị bóng đá Việt thì ông ấy phải đầu tư cho nhiều lứa trẻ liên tục, và họ sẽ qua đào thải, và gộp lại để trở thành trụ cột, trong khi vẫn phải bổ sung từ các nguồn khác.
Đó là với HAGL, còn với tương lai của đội tuyển thì phải có nhiều lò đào tạo, nhiều CLB cùng tập trung phát triển bóng đá trẻ bài bản.
+ Anh có nghĩ bầu Đức sẽ buông?
- Nếu là một người làm bóng đá chân chính, chưa hết đam mê thì thất bại này chưa phải dấu chấm hết. Ông không thừa nhận, nhưng thật khó phủ nhận nếu cho rằng HAGL đã thất bại về mặt chuyên môn. Nhưng trong bóng đá, có hai thước đo thành công, một là những danh hiệu và hai là sự lan toả trong công chúng. HAGL đã thành công ở vế thứ hai.
Vấn đề giờ đây là nếu HAGL xuống hạng, mà họ tiếp tục duy trì đội bóng của mình là CLB được nhiều người quan tâm vẫn nhất thì họ sẽ không sốt ruột trong quá trình tìm đường trở lại đỉnh cao. Đây cũng không phải là nhiệm vụ bất khả thi, bởi thời gian qua, việc HAGL vẫn là đội bóng có nhiều người xem nhất cho thấy người hâm mộ Việt Nam nếu không được xem bóng đá trình diễn đỉnh cao thì xem thứ bóng đá vô tư cũng được – đây là lý giải tại sao bóng đá phủi hay bóng đá sinh viên vẫn có lượng người xem nhất định.
+ Vậy thì tôi có thể yên tâm chờ HAGL xuống hạng mà đội bóng này không bị giải thể như Thể Công năm năm trước rồi. Cảm ơn anh!
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất