07/03/2014 07:05 GMT+7 | Di sản
(giaidauscholar.com) - Theo thông tin ban đầu, có 6 người gồm cả lãnh đạo thôn Cựu Quán và Ban Khánh tiết đã bán bốn thanh gỗ sưa trên mái đình. Tổng trọng lượng gỗ sưa bị bán là 127, 5 cân (trừ 7,5 cân rác gỗ) còn lại 120 cân. Với giá 10 triệu đồng/ cân, họ bán cho sư Thích Diệu Bản đã từng trụ trì chùa làng với giá 1,2 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thảo, Trưởng công an xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) đã nói với giọng nghẹn đắng về vụ một số người đứng đầu thôn Cựu Quán đã tháo dỡ mái đình làng để lấy gỗ sưa đem bán, khiến trong đình ướt sũng nước mưa.
Nhà chùa mua mái đình làm... kỷ niệm
Theo nhà sư Thích Diệu Bản (người chi 1,2 tỷ đồng để mua 4 thanh gỗ sưa ở chùa Cựu Quán ngày 2/3/2014), bà không biết mua bán gỗ sưa là hành vi phạm pháp. “Tôi chỉ thấy nó có giá trị và các cụ có nhu cầu bán để mở rộng, sửa sang khuôn viên đình nên tôi mua để làm... kỷ niệm. Cấm là cấm khai thác ở rừng, phá hoại môi trường, còn gỗ mục rồi, để cũng thành củi thôi. Do các cụ có nhu cầu, các ban ngành lại thống nhất ký kết để bán nên tôi mua (?!).
Khi được hỏi tiếp về lý do chi một khoản tiền lên tới 1,2 tỷ đồng để mua “gỗ mục”, thầy Thích Diệu Bản trả lời: Tôi vẫn nhìn thấy nó có thể làm được việc này việc kia chứ không thể bảo là không dùng được.
Về xuất xứ khoản tiền lớn, nhà sư cho hay: Tiền do tôi đi cúng, đi lễ được gia chủ biếu. Tôi cũng có tiền lương, tôi tích lũy.
Nhà sư cũng trần tình về “tin đồn buôn sưa”: Tôi không bán lại gỗ sưa. Trước khi các cụ bán cho tôi, đã có nhiều người biết thông tin và đến hỏi mua. Song cân nhắc, các cụ thống nhất bán cho tôi.
“Khi tôi mua xong, chở về đến nơi, một số người đã đứng sẵn đợi. Họ bảo tôi 4 thanh gỗ sưa này họ đã liên hệ mua từ trước, giờ tôi mua nên họ yêu cầu tôi chia gỗ nhưng tôi không chịu”. Sư Thích Diệu Bản kể tiếp.
Cũng theo sư Thích Diệu Bản, sau do những người “lạ” sửng cồ đòi nhà sư phải chia gỗ nên “giữa áp lực như thế, tôi sợ quá bảo: Thôi vậy, các ông chồng đủ 1,2 tỷ đồng ra đây rồi các ông mang đi chia đâu thì chia!”
Vì đâu nên nỗi?
Theo ghi nhận của TT&VH, hiện tại, phần mái đình bị tháo dỡ đã được nhân dân căng bạt phủ tạm. Những tấm bạt được giăng khá chắc và kín để đảm bảo không hư hại cấu kiện bên trong đình. Bốn thanh gỗ sưa bị lấy là phần nối giữa gian hậu cung và gian đại bái. Hiện tại, ngôi đình đang bị khóa chặt để giữ hiện trường.
Ông Trần Văn Hiền, người trông giữ nhà thờ tổ cho hay: “Trước đây mấy ngày, khi gỡ gỗ xong, người ta để một góc chùa lộ thiên. Nhìn ngôi đền “dột từ nóc”, người dân không đành lòng nên đã cùng chính quyền huyện mua bạt phủ lên”.
Cùng chia sẻ về vấn đề đình chùa làng Cựu Quán “dột từ nóc”, nhà sư Thích Diệu Bản cho hay: Ngày xưa hậu cung đình đã từng sập, dân làng phải lấy que chống. Tôi cũng là người giúp đỡ các cụ để quyên góp tiền sửa chữa. Chùa cũng vậy, đã có lúc, mưa dột, Phật mặc áo mưa, trên ban thờ phải lấy chậu thau để hứng.
Cũng theo nhà sư Thích Diệu Bản, “đình Cựu Quán thực ra là do các cụ trông nom chứ chẳng có xã nào trông nom đình cả (?!). Bởi vậy nên khi thấy cần mở rộng thêm diện tích đình cũng như tu sửa đình, chỉ cần các cụ khánh tiết và những người đứng đầu thôn họp bàn, ra quyết định.
Trái ngược với quan điểm của nhà sư Thích Diệu Bản, ông Đỗ Văn Thúy (Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoài Đức) cho hay: Theo phân cấp quản lý, đình, chùa Cựu Quán đều do xã quản lý. Nếu đình, chùa xuống cấp, xã sẽ báo lên huyện. Tuy nhiên, tôi khẳng định, chưa một lần đình và chùa Cựu Quán có ý kiến gì với chúng tôi. Nên bảo “dột từ nóc” đã lâu và người nhà đình phải tự xoay sở là không ổn.
Nghe những câu chuyện qua lại về lý do dỡ đình bán gỗ, người trông nhà thờ tổ thở dài. Ông lặng lẽ nhìn lên ngôi đình mất một góc mái rồi nhìn những thanh gỗ mới toanh đặt ở hiên đình để chuẩn bị lợp lại. Mắt ông nặng trĩu chực òa khóc.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất