Hài kịch bóng đá nhân dân

30/07/2011 13:54 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Đã gần 2 tuần trôi qua nhưng chuyện xảy ra ở bóng đá Thanh Hóa vẫn rất thời sự. Câu hỏi đặt ra là phải chăng sự tiến hóa lên bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta phải mất 10 năm nữa mới hoàn tất nên thứ bóng đá nhân dân mới xảy ra câu chuyện bi hài?

Ngay cả khi ông Lê Thụy Hải đã không còn đất dung thân ở thời điểm bắt đầu mùa giải 2011 và chỉ còn Thanh Hóa mở cửa với ông, thì cũng khó lòng nuốt trôi cái cách mà bóng đá Thanh Hóa cư xử với ông. Từ việc đổ hết tất thảy trách nhiệm lên đầu ông Hải và tạm đình chỉ công tác huấn luyện đều phạm vào cái đạo “nhân, nghĩa, tín” mà con người đặt lên hàng đầu trong các mối quan hệ.Đâu đó người ta bóng gió về truyền thống, hay nói đúng hơn là cái tai tiếng ở mảnh đất này trên một vài phương diện, trong đó có bóng đá, từ những quán nước, quán bia cho tới trên cả mặt báo.

Thực ra không phải ông Hải chưa từng nếm trải mùi vị của bóng đá Thanh Hóa, bởi ông đã làm việc ở đó khi xứ Thanh vẫn còn chưa lên chuyên nghiệp. Như chuyện một cầu thủ Thanh Hóa từng chuyển ra đá cho Hòa Phát Hà Nội rồi Cần Thơ, trần thuật rằng có phụ huynh một cầu thủ cách nay 7 năm từng xộc vào tận nhà ăn của đội và đòi “tẩn” ông Hải một trận vì cái tội nặng lời với con người này, thì lãnh đội lúc ấy bỏ đi hết nên chỉ còn mình ông Hải ở lại chịu trận. Ông Hải tức giận và đòi bỏ về vì trong lúc hoạn nạn thì hóa ra các anh nhanh chân đi hết.


Sự kiện Thanh Hóa thua Sông Lam Nghệ An một cách khó hiểu ngay trên sân nhà khiến dư luận nghi ngờ. Ảnh: VSI

Chỉ có điều, lần này nặng nề hơn và nó còn là chuyện của nền bóng đá ở một địa phương trở thành điểm nóng của cả V-League. Hàng ngàn cổ động viên trong sự nghi ngờ (thậm chí là khẳng định), đội bóng bán độ đã tụ tập phản đối ở các địa điểm khác nhau cho rằng huấn luyện viên trưởng là người đã có những quyết định đáng ngờ.

Ở một đội bóng quốc doanh, một phần khá lớn kinh phí hoạt động dựa vào ngân sách của tỉnh, nên ông chủ thực sự nhiều khi không phải là chủ tịch CLB, sức mạnh của CLB và kết quả của nó dựa vào sự đam mê của nhiều lãnh đạo ngoài ngành, việc ông Hải lên “thớt” là điều khó tránh khỏi.

Hay, một khi đã là CLB nhân dân thì các quyết định liên quan tới đội bóng đều phản ánh ý chí, nguyện vọng, thậm chí là cả sự thích thú hay nổi giận của người dân. Bóng đá ở môi trường này không còn là cuộc chơi bóng đá đơn thuần nữa.

Hãy giả thử rằng chuyện mới rồi xảy ra ở một CLB chuyên nghiệp đáp ứng các tiêu chí mang tính chuẩn mực của bóng đá hiện đại về quản lý, điều hành, thì kể cả là hàng ngàn người có đứng tập trung phản đối đội bóng ở các khu vực nhạy cảm của địa phương mà đội bóng đó thuộc về, thì quy trình xử lý cũng sẽ là như sau: một cuộc họp phân tích mổ xẻ trong nội bộ CLB, rồi một cuộc họp báo có sự tham dự của CLB và đội bóng, hoặc sẽ là một cái thông báo chính thức trên website của CLB.

Tức là tham dự vào tiến trình ấy đều là những người có chuyên môn, những người thực sự trong cuộc và trên hết hơn, đó là vấn đề sống còn của CLB họ.

Tới đây lại phải đặt ra một câu hỏi, là trong số 14 CLB đang chơi ở V-League, dù cho tất cả đều đã đạt chuẩn mà VFF đặt ra như phải là các doanh nghiệp, phải có ngân sách tối thiểu hàng chục tỷ đồng... thì cái mác CLB chuyên nghiệp có phải là giả hiệu?

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm