Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để giành HCĐ: Thất bại của bóng đá đẹp?

12/08/2012 14:30 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Chỉ trong hai ngày, cả đội tuyển nữ và nam của Nhật Bản đều phải nhận thất bại trước những đối thủ thi đấu như Rambo. Phải chăng lối chơi đẹp mắt, kỹ thuật của Nhật Bản đã hết thời, phải nhường chỗ cho lối đá kiểu lực sỹ?

Các trận đấu giữa Olympic Hàn Quốc và O.Nhật Bản, kể cả giao hữu, luôn diễn ra rất quyết liệt và trận tranh huy chương đồng diễn ra hôm qua cũng không phải là một ngoại lệ. Trong trận đấu này, trọng tài người Uzbekistan Ravshan Irmatov đã phải rút ra tới bảy thẻ vàng, bốn cho O.Hàn Quốc và ba cho “Samurai xanh”. Về mặt lối chơi, trong khi O.Nhật vẫn duy trì lối đá tấn công phóng khoáng như thường lệ thì Hàn Quốc lại chủ động lùi về để chơi phòng ngự phản công.

Với hàng thủ thi đấu rất lăn xả, đoàn quân của HLV Hong Myung-Bo đã chặn đứng được những đợt lên bóng của đối phương và nhờ những pha dứt điểm chính xác của Park Chu-Young và Koo Ja-Cheol, O.Hàn Quốc đã có hai bàn thắng, qua đó lần đầu tiên giành được huy chương môn bóng đá tại một kỳ Olympic. Xét trên toàn châu Á, đây cũng là thành tích đầu tiên của châu lục này kể từ sau chiếc huy chương đồng Nhật Bản giành được tại Mexico 1968.


Thiếu những cầu thủ giàu kinh nghiệm là một trong những nguyên nhân khiến O.Nhật Bản thất bại - Ảnh: Getty

Thất bại này là một đòn đau nữa giáng vào bóng đá Nhật. Mới ngày hôm kia, đội nữ của nước này cũng đã thua trận trước tuyển Mỹ, đội cũng thi đấu với lối chơi thiên về sức mạnh như Hàn Quốc. Dù đã nỗ lực nhưng các cô gái Nhật cũng không thể kiểm soát được thế trận trước những cầu thủ Mỹ di chuyển như con thoi từ đầu tới cuối trận. Sau hai thất bại liên tiếp trước những đối thủ có lối chơi mạnh mẽ như robot, câu hỏi được đặt ra rằng có phải lối chơi kỹ thuật kiểu latin của Nhật đang có vấn đề?

1 Đánh bại Nhật Bản, Hàn Quốc đã giành được huy chương đầu tiên sau một thời gian dài tham dự môn bóng đá nam tại Olympic.

2 HLV Takashi Sekizuka của Nhật chỉ mang theo hai cầu thủ trên 23 tuổi và đều là những người không giàu kinh nghiệm.

5 Trong bốn trận đầu tiên, O.Nhật Bản không để thủng lưới một bàn nào nhưng trong hai trận vừa qua (bán kết và tranh hạng ba), bị bắn hạ tới năm lần.

Xét về tổng thể, người Nhật không hề quá thua kém đối thủ. Như trong trận gặp Mỹ, “Nadeshiko” đã tạo ra ít nhất năm tình huống sóng gió và hai lần đưa bóng trúng khung gỗ (chưa kể bị bỏ qua một quả penalty). Còn “Samurai xanh” tuy thi đấu khá kém cỏi trong những đường chuyền và khâu dứt điểm cuối cùng nhưng  cũng đã kiểm soát được thế trận, giành được bảy quả phạt góc (O.Hàn Quốc không được quả nào).

Thực ra, nếu O.Nhật Bản mang tới Olympic London 2012 đội hình mạnh nhất, chưa chắc họ đã phải nhận thất bại này. Tại Thế vận hội lần này, HLV Takashi Sekizuka chỉ mang theo hai cầu thủ trên 23 tuổi và đều không phải là những người đặc biệt xuất sắc (trong khi các viện binh của O.Hàn Quốc đều thuộc diện lão làng). Hậu vệ Yuhei Tokunaga đã 28 tuổi nhưng mới bảy lần được khoác áo ĐTQG còn đội trưởng Maya Yoshida cũng mới gần 24 tuổi, thi đấu cho ĐTQG được 16 lần.

Nếu ông Sekizuka mang theo những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm vừa có phong độ cao như Yuto Nagatomo (Inter Milan, 49 trận khoác áo ĐTQG), Makoto Hasebe (Wolfsburg, 57) hay Shinji Okazaki (Stuttgart, 54), các cầu thủ trẻ của Nhật đã có thêm những chỗ dựa vững chắc. Thậm chí trong số các cầu thủ lứa U-23 của Nhật vẫn còn nhiều gương mặt xuất sắc, đang thi đấu tại châu Âu như Shinji Kagawa (M.U) hay Ryo Miyaichi (Arsenal). Với tài dẫn dắt và cả săn bàn của Kagawa, có thể O.Nhật Bản đã không bế tắc trước O.Hàn Quốc gồm đầy đủ các con át chủ bài.

Ngoài việc thiếu những cầu thủ xuất sắc nhất, thất bại của người Nhật đến từ hai lý do. Với “Nadeshiko”, họ thiếu một khát vọng chiến thắng mãnh liệt như World Cup 2011 trong khi người Mỹ lại trần đầy khao khát. Với “Samurai xanh”, họ tấn công bài bản, phối hợp rất ăn ý như kiểu latin nhưng lại thiếu một chút quái như các nghệ sỹ Nam Mỹ đích thực.

Xét trong một trận đấu cụ thể, lối chơi kỹ thuật của Nhật đã phải dừng bước trước lối đá thực dụng của Mỹ hay Hàn Quốc nhưng xét trong cả một trận chiến, chiến lược phát triển theo hướng latin của người Nhật vẫn đang hoàn toàn sáng suốt. Vấn đề của người Nhật là phải hoàn thành được tốt quá trình chuyển giao từ đội Olympic lên ĐTQG cũng như bổ sung thêm một vài yếu tố vẫn còn thiếu để trở thành một kẻ bất khả chiến bại như Tây Ban Nha.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm