Hàng loạt sai phạm ở kỳ thi THPT: Sự giả dối làm rúng động xã hội

28/07/2018 11:36 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Bật tivi, lướt web, đọc báo hay nghe đài hàng ngày, hàng giờ chúng ta được tiếp cận với không ít thông tin về những cái giả, từ những món đồ dùng hàng ngày đến dược phẩm, mỹ phẩm, thông tin, giấy chứng nhận… và nay còn có thêm cả điểm thi giả.

Tác hại của những sản phẩm giả này bất kỳ ai cũng biết, nó gây ra thiệt hại không chỉ về kinh tế, sức khỏe… mà nghiêm trọng hơn nữa, đó là lòng tin bị tổn hại. Và niềm tin về một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được kỳ vọng thực hiện nghiêm túc, khách quan và công bằng đã suy giảm sau khi kết quả được công bố.

Cuối tháng 6 là thời điểm ngành giáo dục, các địa phương và gần một triệu gia đình tập trung chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Số trẻ em sinh ra vào năm 2000 đông vượt trội hơn hẳn mọi năm vì vậy sau 12 năm đèn sách, số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cũng là con số kỷ lục lên tới hơn 925.750 (số thí sinh dự thi trung học phổ thông năm 2016 và 2017 chỉ lần lượt là 887.400 và 860.000).

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thấy trước được điều này, thầy cô, gia đình và đặc biệt là bản thân các em đã nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để chuẩn bị cho một kỳ thi có tính cạnh tranh cao khốc liệt bởi kết quả của kỳ thi không những được sử dụng để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn là cơ sở để nhiều em tiếp tục con đường học vấn của mình trong tương lai ở các trường đại học và cao đẳng.

Căng thẳng và quyết liệt là vậy nhưng trước kỳ thi, các thí sinh, gia đình, thầy cô và toàn xã hội vẫn đặt niềm tin vào một kỳ thi được tổ chức và thực hiện một cách trung thực, công bằng và khách quan - những yếu tố song hành cùng tri thức làm nên giá trị của nền giáo dục.

Niềm tin của xã hội không phải là không có cơ sở bởi trước kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều hoạt động phục vụ công tác thi cử; phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng tổ chức tập huấn để nâng cao cảnh giác và xử lý các “gian lận trong thi cử,” đặc biệt là gian lận sử dụng công nghệ cao, có thể xảy ra trong kỳ thi; cùng với đó tuyên bố của người đứng đầu ngành giáo dục “Tuyệt đối không để lọt, lộ đề trung học phổ thông quốc gia 2018.”

Dù lượng thí sinh đông nhưng theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau kỳ thi, chỉ có 77 thí sinh vi phạm quy chế tại trường thi. Với số liệu này, đại diện Bộ đã khẳng định: “Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế.”

Có lẽ cũng do tính chất cạnh tranh cao của kỳ thi, ngành giáo dục và đào tạo đã chọn phương án ra đề khó hơn hẳn mọi năm, đặc biệt là đối với 8 môn thi trắc nghiệm: toán, ngoại ngữ, 3 môn tổ hợp tự nhiên và 3 môn tổ hợp xã hội. Bởi vì khó nên nhiều thí sinh và gia đình luôn ở tâm trạng hồi hộp và lo lắng chờ kết quả.

Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đọc lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Diệu Loan/TTXVN phát)

Sau hai tuần mong ngóng, ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả thi trên phạm vi toàn quốc. Niềm vui, nỗi buồn của nhiều thí sinh và gia đình âu cũng là tâm trạng thường thấy sau mỗi kỳ thi.

Nhưng năm nay, bên cạnh những niềm vui và nỗi buồn, còn có bóng đen của sự nghi ngờ phủ lên kết quả kỳ thi. Số liệu thống kê về kết quả thi của các địa phương trong cả nước đã thực sự gây sốc khi các địa phương không có thành tích học tập nổi trội như Hà Giang hay Sơn La lại có số thí sinh đạt điểm cao dẫn đầu cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc, đến trung tuần tháng 7, nghi vấn bắt đầu được làm sáng tỏ ở Hà Giang (17/7) và sau đó là ở Sơn La (23/7). Với sự nỗ lực cao của các tổ công tác liên ngành giáo dục và an ninh, hàng trăm bài thi bị can thiệp đã được trả lại với điểm thực tại Hội đồng thi Hà Giang. Kết thúc quá trình rà soát ở Sơn La, đoàn công tác liên ngành, mặc dù làm việc vất vả hơn so với ở Hà Giang, cũng chỉ dừng lại ở kết luận “có sai phạm nghiêm trọng” ở Hội đồng thi này.

Lật lại những bài viết cũ, những phát ngôn đã đăng tải có thể thấy rằng, xã hội đặt niềm tin vào công tác chấm thi, kiểm soát của những người “cầm cân, nảy mực.”

Xã hội đã tin vào một quy trình chặt chẽ, tìn vào bộ máy những người thực hiện chấm thi, quét bài, giám sát... Và niềm tin ấy đã bị phản bội và tiếc thay một số người trong bộ máy quản lý của ngành lại chính là đối tượng “đánh cắp” niềm tin của xã hội.

Việc làm phản giáo dục này chắc hẳn làm day dứt không ít cán bộ tâm huyết của ngành, từ những người trực tiếp đứng trên bục giảng tới những người làm công việc gián tiếp phục vụ hay cán bộ quản lý và nghiên cứu.

Nhiều người đã thẳng thắn chỉ ra những lỗ hổng trong các khâu của kỳ thi, những lỗ hổng mà Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cẩm Thị Bun Son, Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh,... đã lợi dụng để làm mất đi mục tiêu tốt đẹp của kỳ thi là đánh giá kiến thức của thí sinh một cách công bằng, khách quan.

Trong những ngày qua, công luận đã lên tiếng, chỉ ra hậu họa của việc làm sai lệch kết quả thi. Đó là cơ hội học tập cao hơn của nhiều thí sinh trung thực bị tước đi chỉ trong vòng 6 giây (thời gian để làm sai lệch kết quả thi ở Hà Giang). Đó là chất lượng đầu vào của các sinh viên vào trường bằng kết quả “giả” sẽ gây khó khăn cho quá trình đào tạo bậc cao. Nguy hiểm hơn nữa, vài năm tới, khi những sinh viên vào trường bằng điểm gian lận ra trường, nguồn nhân lực lại được bổ sung những kỹ sư, bác sỹ, luật sư hay sĩ quan lực lượng vũ trang… yếu kém về tri thức và xa vời với lý tưởng.

Có thể thấy nếu những gian lận này không được hay chậm được đưa ra ánh sáng, niềm tin vào những giá trị tốt đẹp vốn có của giáo dục sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Và điều đáng mừng là cơ quan chức năng đã ra các quyết định khởi tố vụ làm sai lệch kết quả thi ở Hà Giang và Sơn La. Đó cũng là những cơ sở để công luận tin rằng vụ việc tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La hay ở đâu đó nữa cũng sẽ được điều tra và xử lý nghiêm minh bởi cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo đã và đang được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ; nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của nhân dân.

Vì vậy, với tinh thần tự phê bình và phê bình, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cần dũng cảm nhìn nhận một cách thẳng thắn những lỗ hổng về cơ chế, sự tha hóa của một số cán bộ quản lý…, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện các kỳ thi nghiêm túc, trung thực, công bằng và khách quan; xử lý nghiêm những sai phạm, khắc phục những khiếm khuyết, khôi phục lại niềm tin của xã hội.

Ngẫm từ vụ Điểm thi THPT Quốc gia bất thường: 'Lỗ hổng' từ việc lựa chọn con người

Ngẫm từ vụ Điểm thi THPT Quốc gia bất thường: 'Lỗ hổng' từ việc lựa chọn con người

Cuối tuần qua, Singapore đang rung động vì một vụ tấn công dữ liệu lớn nhất trong lịch sử. Ngày 20/7, tận dụng các lỗ hổng bảo mật, tin tặc đã tấn công và sao chép dữ liệu cá nhân của khoảng hơn 1,5 triệu người từng lưu lại thông tin tại các cơ sở y tế mà họ đến khám và chữa bệnh. Trong số này có cả Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm